Thứ Bảy, 02/03/2024 08:16

Sửa Nghị định 24/2012 và mô hình vận hành thị trường vàng hợp đích

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trong quá trình thảo luận, góp ý cho Nghị định 24/2012, các chuyên gia đã đặt ra vấn đề làm sao để xây dựng và phát triển thị trường vàng theo kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đã đến lúc cần phải tìm ra được lời giải phù hợp.

Bài toán khó trên thị trường vàng

Chỉ thị 06 ngày 15-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và có giải pháp hiệu quả quản lý thị trường vàng. Bản thân NHNN vào tháng 1-2024 cũng đã nhiều lần đề cập đến các vấn đề trên. Ông bình luận như thế nào về những động thái này? Theo ông, đâu là cách tiếp cận căn bản trong việc sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước khi Nghị định 24 ra đời vào ngày 3-4-2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 25-5-2012, vàng được thị trường ngầm coi như một loại tiền tệ đặc biệt. Người dân mua từ chiếc xe đạp Nhật, tới chiếc ti vi, xe máy, đặc biệt là mua bán nhà đất đều quy đổi bằng vàng. Việc áp dụng Nghị định 24 đã giảm thiểu tình trạng trên và cho tới nay, như chúng ta thấy, trong các giao dịch mua bán thông thường, không ai dùng vàng như một đơn vị trao đổi nữa cả.

Rõ ràng, Nghị định 24 đã đạt được mục tiêu đề ra. Đầu tiên, nó đã giúp chống lại tình trạng vàng hóa nền kinh tế, ngăn chặn việc người dân tự quy ước vàng như một loại tiền tệ. Thứ hai, Nghị định 24 giúp hoạt động kinh doanh vàng được kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn theo các khuôn khổ của pháp luật.

Hơn 10 năm sau khi Nghị định 24 ra đời, thị trường vàng nảy sinh vấn đề mới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước, chủ yếu nằm ở vàng miếng SJC, với giá vàng thế giới ở mức rất cao, có khi lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.

Nền kinh tế của Việt Nam đang đi theo con đường kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước. Vì vậy, hoạt động của các thị trường quan trọng là tài chính – tiền tệ, trong đó có thị trường vàng, cũng cần tuân theo các quy luật chung.

Trên thực tế, trong quá trình thảo luận, góp ý cho Nghị định 24, chúng tôi đã đặt ra vấn đề làm sao để xây dựng và phát triển thị trường vàng theo kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nghĩa là, một mặt, phải có sự liên thông hợp lý giữa vàng trong nước và vàng thế giới, đáp ứng nhu cầu của những người muốn mua tích trữ vàng. Mặt khác, vẫn chống được “vàng hóa” hay việc mọi nguồn lực đổ vào kênh tích trữ vàng mà không lưu thông trong nền kinh tế và đi vào khu vực sản xuất thực. Vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước phải được thể hiện rõ ràng nhằm đạt được những mục tiêu này. Đó là một bài toán khó.

Trước mắt, chúng ta phải nghiêm túc tổng kết lại việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Thứ hai, phải đưa ra một mô hình vận hành của thị trường vàng, theo các mục tiêu nêu trên và khả thi trong điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 cần thực hiện một cách hết sức khoa học, thận trọng.

Quả thật, bài toán được đặt ra khó với cả các nền kinh tế phát triển và sẽ khó hơn với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Liệu ông có thể đưa ra một vài gợi ý để giải bài toán này? Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của quốc gia nào, thưa ông?

– Bài toán đặt ra là đảm bảo sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, đồng thời, chống “vàng hóa” nền kinh tế. Vậy mô hình vận hành thích hợp sẽ như thế nào?

Xét từ nguồn cung, cần giải quyết vấn đề cách thức, mức độ liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới. Việt Nam không là đất nước tự sản xuất được vàng nguyên liệu, vậy mức chênh lệch giá vàng thế nào là phù hợp? Chênh lệch vàng trang sức và vàng miếng so với vàng thế giới khác nhau, mức chênh nào hợp lý hơn và vì sao đạt được mức chênh đó? Giải quyết chênh lệch giữa vàng miếng với vàng thế giới như thế nào?

Nếu xây dựng được các quy định phù hợp theo thông lệ thế giới, từ từ khiến thị trường làm quen với giao dịch vàng chứng chỉ, giảm các giao dịch vàng vật chất thì lượng vàng vật chất có thể đưa vào dự trữ quốc gia hay huy động cho những mục tiêu quan trọng của đất nước.

Từ đó, nảy sinh vấn đề chúng ta sẽ quyết định điều hành việc nhập khẩu vàng ra sao? Vàng là ngành kinh doanh có điều kiện, vậy nên, chỉ có những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được nhập khẩu. Đó là điều đầu tiên.

Thứ hai, không thể để nhập khẩu tự do, do đó, cần có hạn mức nhập khẩu vàng. Vấn đề là hạn mức đó được quyết định dựa trên những yếu tố kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, tiết kiệm, tỷ giá, lạm phát… thế nào và theo chu kỳ thời gian ra sao?

Xét từ phía cầu, giao dịch vàng trên thị trường cần tuân thủ những yêu cầu nào? Những điều kiện cụ thể với việc trao đổi vàng trang sức ra sao? Có nên tiếp tục duy trì độc quyền vàng miếng SJC hay không và trong trường hợp thay đổi, bao nhiêu nhà cung ứng là phù hợp? Nếu để tư nhân tham gia kinh doanh vàng miếng, điều kiện sẽ thế nào?

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta cũng phải nghĩ tới thời điểm và khuôn khổ pháp luật cho giao dịch chứng chỉ vàng. Ai là người đứng ra phát hành, đảm bảo và phân phối? Có rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải suy tính.

Vàng chứng chỉ tốt, nếu…

Như vậy, từ góc độ một chuyên gia tài chính, theo ông, những điểm chính yếu cần phải giữ lại là gì và những điểm căn bản cần sớm thay đổi trong Nghị định 24 là gì?

– Chúng ta vẫn tiếp tục duy trì thị trường vàng có sự quản lý đặc biệt của Nhà nước, nghĩa là, kinh doanh vàng vẫn là ngành kinh doanh có điều kiện.

Nếu kiểm soát tốt vấn đề vàng lậu, chúng ta có thể quản lý tốt hơn cả thị trường vàng và thị trường đô la Mỹ tự do.

Còn về những điểm cần sớm thay đổi, đầu tiên phải là vấn đề độc quyền vàng miếng SJC. Tăng nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường sẽ góp phần làm giảm cơn sốt giá vàng, tiến tới bỏ độc quyền vàng miếng, để một số lượng doanh nghiệp nhất định được tham gia kinh doanh mặt hàng này dưới các quy định và sự giám sát chặt chẽ của pháp luật.

Một vấn đề khác là vàng chứng chỉ. Nếu xây dựng được các quy định phù hợp theo thông lệ thế giới, từ từ khiến thị trường làm quen với giao dịch vàng chứng chỉ, tiến tới việc người dân quen thuộc với giao dịch vàng chứng chỉ, giảm các giao dịch vàng vật chất thì lượng vàng vật chất có thể đưa vào dự trữ quốc gia hay huy động cho những mục tiêu quan trọng của đất nước.

Để thị trường vàng Việt Nam ổn định và bền vững, có ý kiến cho rằng, hai vấn đề quan trọng khác cần khắc phục là vấn nạn vàng lậu và tình trạng giá vàng trong nước bị quyết định bởi những người tạo dựng thị trường (market maker). Quan điểm của ông như thế nào?

– Vấn nạn vàng lậu thuộc chức trách, nhiệm vụ của các đơn vị hải quan, biên phòng, quản lý thị trường. Chúng ta phải làm nghiêm túc, chặt chẽ để ngăn chặn vàng lậu tuồn vào từ biên giới.

Nhân đây, xin nói thêm rằng, chúng ta từng lo ngại việc nhập khẩu thêm vàng sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá. Thứ nhất, một tấn vàng nhập về sẽ cần khoảng 65 triệu đô la Mỹ, một con số không quá lớn, đặc biệt là khi Việt Nam đã khá dồi dào về nguồn cung ngoại tệ như hiện nay. Thứ hai, việc nhập vàng lậu cũng phải giao dịch bằng đô la Mỹ, và hoạt động này làm tăng cầu đô la Mỹ trên thị trường tự do. Nếu kiểm soát tốt vấn đề vàng lậu, chúng ta có thể quản lý tốt hơn cả thị trường vàng và thị trường đô la Mỹ tự do.

Câu chuyện về những market maker có thể giải quyết nếu chúng ta tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh vàng. Các điều kiện kinh doanh cần tạo cơ hội cho những doanh nghiệp tốt có thể tham gia thị trường, giảm thiểu sự chi phối của những nhà nhập khẩu, kinh doanh lớn. Nhà nước thiết lập các quy định kinh doanh, giám sát, đảm bảo cung cầu gặp nhau và ổn định, để thị trường vàng phát triển bền vững.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico: Nên có sàn giao dịch vàng

Sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới như hiện nay là một trong những lý do khiến Chỉ thị 06 ngày 25-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ có nội dung yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quí 1-2024. Sự chênh lệch này xuất phát từ hai nguyên nhân.

Thứ nhất, Việt Nam không khai thác vàng nội địa, do đó, để đáp ứng nhu cầu trong nước, chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn. Thứ hai, trong một thời gian dài, mỗi khi cần nhập vàng đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp phải mua ngoại tệ từ NHNN và điều này có tác động đến dự trữ ngoại hối và tỷ giá. Từ đó, NHNN siết chặt hoạt động nhập khẩu vàng, thể hiện với việc ban hành Nghị định 24/2012. Hệ quả là sau thời điểm năm 2012, Việt Nam chỉ nhập khẩu một số lượng vàng hạn chế nhất định. Đặc biệt, đối với vàng miếng SJC, suốt nhiều năm, NHNN không cấp phép để Công ty SJC dập thêm vàng miếng khiến nguồn cung vàng miếng SJC không nhiều. Khi nhu cầu tích lũy trong nước tăng, giá vàng trong nước bị đẩy lên cao so với giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, các giao dịch vàng chủ yếu phục vụ nhu cầu tích trữ, nói nôm na là nhu cầu của những người có tiền muốn đầu tư tích lũy. Đó không phải là những nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh. Nếu nói về tầm quan trọng, đáp ứng nhu cầu vàng không phải là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, giá vàng lên xuống và chênh lệch nhiều với giá thế giới không gây ra ảnh hưởng lớn mà chỉ tác động tới quyền lợi của những người có tiền muốn mua bán, tích trữ. Như vậy, xét về ảnh hưởng vĩ mô, việc sửa Nghị định 24/2012 không quá bức thiết và NHNN rất nên cẩn trọng trong quá trình này.

Trong trường hợp sửa đổi Nghị định 24/2012, NHNN có thể xem xét thành lập sàn giao dịch vàng. Trên thực tế, sàn giao dịch vàng đã có tiền lệ tồn tại dù chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động này. Cái chúng ta đang thiếu là những quy định để tạo ra một sân chơi chính thức cho giới đầu tư, giải quyết vấn nạn mua vàng về găm trong két khiến giá vàng bị đẩy lên cao mãi.

Hoàng Hạnh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới vượt mốc 2,080 USD lên cao nhất trong 2 tháng (02/03/2024)

>   Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước về quản lý vàng miếng SJC (01/03/2024)

>   Vì sao giá vàng trong nước bật tăng trở lại sau ngày vía Thần tài? (01/03/2024)

>   Vàng thế giới lên cao nhất trong 1 tháng sau dữ liệu lạm phát Mỹ (01/03/2024)

>   Giá vàng nhẫn lên mốc cao mới, sát mức giá 66,5 triệu đồng mỗi lượng (29/02/2024)

>   Vàng thế giới tăng nhẹ chờ đợi tín hiệu của Fed (29/02/2024)

>   Sáng 28-2, giá vàng nhẫn 24K tăng phi mã (28/02/2024)

>   Vàng thế giới đi ngang (28/02/2024)

>   Giá vàng nhẫn lại ghi kỷ lục mới (27/02/2024)

>   Giá vàng nhẫn tăng mạnh, USD ‘chợ đen’ vượt 25.000 đồng/USD (27/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật