Thứ Sáu, 15/03/2024 11:52

Nợ thẻ tín dụng bao lâu thì bị nhân đôi nợ?

Câu chuyện đang gây sốc về một khách hàng “quẹt” thẻ tín dụng với dư nợ ban đầu chỉ 8.5 triệu đồng nhưng “quên trả” khiến núi nợ đẩy lên gần 9 tỷ đồng sau 11 năm - đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dùng đừng coi thường lãi thẻ tín dụng.

Gieo “hạt nợ” gặt “cổ thụ”

Những ngày qua, vụ việc về một khách hàng xài thẻ tín dụng của Eximbank phát sinh dư nợ 8.5 triệu đồng nhưng “quên” thanh toán và 11 năm sau, số dư nợ tín dụng được ngân hàng thông báo gấp hơn ngàn lần khiến không ít người giật mình.

Trong công văn nhắc nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) thông báo đến khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh về dư nợ thẻ tín dụng gần 8.84 tỷ đồng, điều bất ngờ là trong đó nợ gốc chỉ 8.55 triệu đồng nhưng nợ lãi đến hơn 8.83 tỷ đồng.

Liên quan đến nội dung “Công văn nhắc nợ quá hạn do Eximbank AMC gửi khách hàng”,  Eximbank cho biết khách hàng P.H.A. mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/03/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Sau đó đã phát sinh hai giao dịch thanh toán vào các ngày 23/04/2013 và 26/07/2013 tại một điểm chấp nhận thẻ.

Từ ngày 14/09/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, nợ quá hạn phát sinh đến thời điểm ngân hàng ra thông báo nêu trên là gần 11 năm.

Trong suốt gần 11 năm qua, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ”, đại diện Eximbank khẳng định với báo chí.

Về phương thức tính lãi, phí, Eximbank cho rằng “hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/03/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng. Quy định về phí, lãi được quy định rõ trong biểu phí phát hành, sử dụng thẻ cũng đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank”.

Còn khách hàng P.H.A trao đổi với truyền thông cho biết năm 2013, khi làm hồ sơ mở thẻ, một nhân viên Eximbank tên G yêu cầu ông ký vào đơn mở thẻ tín dụng và biên nhận thẻ trước, rồi sẽ thông báo kết quả sau. Tuy nhiên khi nhận, ông chỉ được nhân viên đưa thẻ ghi nợ nội địa và thông báo “không đủ điều kiện làm thẻ tín dụng”. Theo đó, ông cho biết mình không nhận, kích hoạt và sử dụng thẻ tín dụng này.

Năm 2017, khi ra ngân hàng khác vay vốn, ông được thông báo phát sinh nợ gốc và lãi thẻ tín dụng năm 2013 là hơn 100 triệu đồng tại Eximbank. Trong suốt thời gian 2013 đến 2017, ông A cho biết mình không nhận được thông báo nhắc nợ nào từ phía Eximbank, và ông “không được tiêu và cũng không biết sự tồn tại của thẻ tín dụng này”. Đến nay, sau 11 năm tổng số dư nợ đã vọt lên 8.84 tỷ đồng.

Lãi thẻ tín dụng được tính theo kỳ quan thứ 8 của thế giới

Câu chuyện trên khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về số tiền lãi được tính như thế nào để ra một con số “khủng khiếp” như vậy.

Theo một chuyên viên khách hàng cá nhân có gần 7 năm kinh nghiệm tại một chi nhánh ngân hàng “Big 4”, thẻ tín dụng là hình thức cho vay tín chấp (vay không có tài sản đảm bảo) nên lãi suất cao hơn cho vay thế chấp (vay có tài sản đảm bảo) để bù đắp rủi ro cho ngân hàng. Lãi suất thẻ tín dụng không theo quy định cụ thể nhưng phải đảm bảo không cao hơn 100%/năm để không bị quy vào cho vay nặng lãi.

Lãi thẻ tín dụng được chia làm 2 phần là lãi suất vay thẻ tín dụng (thường 20-40%/năm) và lãi suất phạt trả chậm (4-6% dư nợ, tối thiểu 80,000-100,000 đồng). Cả 2 khoản lãi này sẽ được tính vào gốc rồi tính lãi tiếp cho những tháng sau”, chuyên viên này cho hay.

Albert Einstein từng nói: “Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 trong thế giới này. Những ai hiểu nó, vận dụng nó sẽ chẳng phải trả gì cho nó cả”. Kỳ quan này chính là công thức bí mật giúp khối tài sản của nhiều tỷ phú tăng nhanh chóng theo cấp số nhân và trong trường hợp của Buffett, con số đó lên tới hàng trăm tỷ USD.

Thật vậy, bấy lâu nay các tổ chức tín dụng vẫn luôn sử dụng “lãi kép” trong hoạt động kinh doanh để sinh lời và phổ biến nhất là tính lãi thẻ tín dụng.

Để chứng minh cho “kỳ quan” này, người viết đưa ra một ví dụ minh họa với giả sử khách hàng có nợ gốc thẻ tín dụng là 8 triệu đồng, cố định lãi suất vay thẻ tín dụng là 28.2%/năm và lãi phạt trả chậm là 4%, tối thiểu là 80,000 đồng (mức này được tham khảo từ biểu phí của Eximbank).

Người viết tính toán

Với ví dụ trên và cách tính lãi tín dụng theo lãi kép có thể thấy chỉ sau 13 tháng (hơn 1 năm), khách hàng sẽ bị nhân đôi nợ. Trong đó, tiền lãi hơn 3.2 triệu đồng và tiền phạt chậm trả hơn 5.5 triệu đồng.

Thời gian kéo dài hơn thì chỉ sau gần 2 năm, dư nợ thẻ tín dụng sẽ gấp 4 lần nợ gốc và khoảng gần 10 năm thì dư nợ thẻ tín dụng sẽ gấp 1,117 lần nợ gốc.

Không trả nợ thẻ tín dụng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định về nguyên tắc sử dụng: Chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức phát hành thẻ các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành thẻ.

Hiện nay, các ngân hàng thường để thời gian miễn lãi suất sẽ kéo dài khoảng 45 ngày, bao gồm thời gian miễn lãi suất giữa chu kỳ thanh toán và thời gian được gia hạn.

Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay trong khoảng thời gian này, khách hàng sẽ phải trả thêm tiền lãi cho ngân hàng. Như vậy, không trả nợ thẻ tín dụng còn chịu phí phạt quá hạn thanh toán.

Đặc biệt, căn cứ theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định chế tài về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt cho thấy, trả nợ thẻ tín dụng là trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, người không trả nợ thẻ tín dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu bỏ trốn hay lừa dối để không trả nợ.

Cụ thể, người phạm tội sẽ bị phạt lên đến 3 năm tù giam nếu chiếm đoạt số tiền từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về các tội xâm phạm quyền sở hữu mà chưa được xóa án tích.

Trong trường hợp nếu chiếm đoạt số tiền từ 50 đến 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ  2-7 năm. Bị phạt tù từ 5-12 năm khi chiếm đoạt số tiền từ 200-500 triệu đồng. Mức kịch khung là phạt tù từ 12-20 năm nếu chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên.

Công bằng mà nói những lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại cho người tiêu dùng là điều không thể phủ nhận khi không chỉ mang đến sự tiện lợi và nhanh chóng trong việc thanh toán mà còn giúp tối ưu được các chi phí cho người dùng với nhiều khuyến mãi hấp dẫn với ưu đãi hoàn tiền, tích điểm đổi quà, voucher giảm giá… Trái lại, thẻ tín dụng có thể biến thành con dao 2 lưỡi đẩy người dùng vào tình cảnh bế tắc vì nợ xấu nếu không biết cách sử dụng. Để bảo vệ tài chính cá nhân, người dùng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc trả hết nợ đúng hạn, hoặc ít nhất phải thanh toán số tiền tối thiểu để không bị phạt trả chậm.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   Từ vụ thẻ tín dụng 8.5 triệu bị đòi nợ 8.8 tỷ, người dùng cần lưu ý gì? (15/03/2024)

>   Những cân nhắc tỷ giá (15/03/2024)

>   Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ: Khách bức xúc 'tôi không vay xu nào' (15/03/2024)

>   Thừa tiền và tắc nghẽn vốn (15/03/2024)

>   Các ngân hàng ‘rục rịch’ thực hiện công khai lãi suất cho vay (15/03/2024)

>   Vụ Vạn Thịnh Phát: SCB nói bị thiệt hại hơn 760.000 tỉ, không phải 498.000 tỉ đồng (14/03/2024)

>   ACB: Kế hoạch lãi trước thuế 2024 đạt 22,000 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 25% (14/03/2024)

>   NHNN đã hút gần 60,000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu sau 4 phiên liên tiếp (14/03/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu '5 tăng', '5 giảm', '5 tăng tốc, bứt phá' với ngành ngân hàng (14/03/2024)

>   Từ nguy cơ NIM thu hẹp đến bức tranh nợ xấu (14/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật