Nhiều vi phạm của DTA và Becamex ITC tại dự án nhà phố thuộc KCN VSIP Bắc Ninh
Thanh tra tỉnh Bắc Ninh ngày 16/02 công bố kết luận về một số vi phạm của CTCP Đệ Tam (HOSE: DTA), CTCP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương (Becamex ITC) tại dự án khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh.
DTA và Becamex ITC cùng là nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng một phần dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh làm chủ đầu tư.
Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh là quần thể sinh thái đô thị, dịch vụ và công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam với tổng quy mô 700ha, được đầu tư và phát triển bởi Tập đoàn Sembcorp và Becamex IDC (HOSE: BCM).
Ngày 13/01/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Trong đó, DTA được nhận chuyển nhượng 20,580m2, còn Becamex ITC là 31,649m2. Đến thời điểm thanh tra, việc nhận chuyển nhượng của hai công ty cơ bản hoàn thành.
Từ thời điểm điều chỉnh chủ trương đến khi thanh tra, hồ sơ nhận chuyển nhượng một phần dự án của hai công ty đã được Sở Xây dựng tiếp nhận, thẩm định đủ điều kiện. Hai công ty cũng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ với ngân sách Nhà nước.
Hai công ty cũng đã tiến hành khảo sát và có thông báo khởi công dự án đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Đến thời điểm thanh tra, các căn nhà phố thuộc dự án đã được hai doanh nghiệp xây thô và hoàn thiện mặt ngoài.
Nhà phố xây thô, hoàn thiện mặt ngoài thuộc khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Nguồn: DTA
|
Những vi phạm được ghi nhận
Tuy nhiên, thanh tra tỉnh cho hay, hai doanh nghiệp trên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện dự án. Đầu tiên công tác chuyển nhượng dự án, trong quyết định ngày 13/01/2022 của UBND tỉnh vẫn chưa điều chỉnh về tiến độ hoàn thành dự án.
Chủ trương đầu tư ban đầu quy định nhà đầu tư phải “hoàn thành xây dựng các công trình trên đất trong năm 2021” nhưng hai công ty khi nhận chuyển nhượng dự án lại không thực hiện điều chỉnh theo quy định.
Trước đó, Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh đã ký 8 hợp đồng chuyển nhượng cho DTA vào năm 2018 và ký thư chào chuyển nhượng với Becamex ITC vào năm 2011 dù chưa có văn bản đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, các hợp đồng liên quan đến việc chuyển nhượng đã được Chủ tịch UBND ký lại vào năm 2019.
Dù vậy, Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh đã tiến hành bàn giao đất cho hai công ty trước khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi và giao đất.
Quá trình xây dựng, thanh tra chỉ ra các mẫu nhà xây thô và hoàn thiện mặt ngoài của DTA đã vi phạm quy định về chiều cao tối thiểu của lan can tại các ban công; hè đường không thiết kế lối lên xuống cho người khuyết tật; một số biên bản nghiệm thu công việc xây dựng không ghi tên thành phần tham gia nghiệm thu hoặc ký nhưng không ghi rõ họ tên; dù đã hoàn thành xây dựng cơ bản nhưng bản vẽ hoàn công vẫn chưa được lập.
Đáng chú ý là sau khi tính toán lại, đoàn thanh tra nhận thấy chi phí thi công của DTA thấp hơn dự toán thiết kế do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh cung cấp hơn 10 tỷ đồng. DTA cho biết nguyên nhân việc đơn vị lập dự toán chưa tính đến các căn ghép vào nhau nên một số khối lượng bị trùng lặp. Do đó, Công ty đã điều chỉnh lại tại thời điểm thi công.
Về phía Becamex ITC, Thanh tra tỉnh kết luận Công ty chưa đánh giá, nhận xét năng lực của tổ chức, cá nhân thiết kế bản vẽ thi công, cũng như không tiến hành thẩm tra dự toán đối với mẫu nhà xây thô và hoàn thiện mặt ngoài.
Ngoài ra, Công ty cũng lập dự toán áp sai đơn giá vật liệu, định mức ở một số công tác chưa phù hợp. Sau khi tính toán lại, đoàn thanh tra nhận thấy chi phí thực tế thấp hơn dự toán của Công ty gần 1.5 tỷ đồng.
Cuối cùng là vi phạm trong quá trình kinh doanh bất động sản, năm 2019, DTA đã ký 27 hợp đồng nguyên tắc (trong đó 4 hợp đồng đã thực hiện thanh lý) dưới hình thức huy động vốn để ưu tiên hưởng quyền mua lô đất cho bên được huy động vốn, tuy nhiên việc này lại thực hiện khi chưa có quyết định từ Sở Xây dựng.
Trong khi đó, Becamex ITC đã chuyển nhượng 155 lô đất trong năm 2022 dù chưa được bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đầy đủ. Sang năm 2023, Công ty được BIDV chi nhánh Hà Nội bảo lãnh cho 91 lô đất nhưng quyết định bảo lãnh lại có trước quyết định bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Với những vi phạm kể trên, thanh tra tỉnh Bắc Ninh yêu cầu chung hai doanh nghiệp DTA và Becamex ITC cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và bàn giao các hạng mục dự án đúng quy định; liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện thủ tục gia hạn đầu tư; kê khai, nộp thuế đầy đủ; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận và kiến nghị của cơ quan Nhà nước.
Đồng thời, DTA và Becamex ITC cần giảm trừ lần lượt hơn 10 tỷ đồng và 1.5 tỷ đồng khi quyết toán phần dự án được chuyển nhượng. Riêng DTA phải thi công lại phần lan can, bổ sung lối lên xuống cho người khuyết tật.
DTA bị kiện vì nhận đặt cọc sai quy định
Trước khi Thanh tra tỉnh Bắc Ninh công bố kết luận, DTA đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh buộc trả lại 100 triệu đồng tiền cọc trong vụ tranh vụ tranh chấp với khách hàng tại dự án nói trên (tên thương mại là DTA Garden House).
Tòa án cho biết trong tháng 10/2018, qua tư vấn từ CTCP Bất động sản Mland (nay là CTCP Bất động sản Mland miền Bắc), bà Nguyễn Thị Phương tin rằng dự án DTA Garden House đã đủ điều kiện mở bán tài sản hình thành trong tương lai và đặt cọc tổng cộng 100 triệu đồng cho DTA để được ưu tiên ký hợp đồng mua bán đối với căn nhà có diện tích 75m2, diện tích sàn 205.4m2, cao 4 tầng.
Sau đó, bà Phương cho rằng DTA đã vi phạm quy định về huy động vốn nên đã có đơn khởi điện lên toàn án yêu cầu vô hiệu hợp đồng đặt cọc, đồng thời DTA phải hoàn trả 100 triệu đồng.
Thông qua quá trình xem xét, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên bố hợp đồng đặt cọc giữa hai bên bị vô hiệu và DTA phải bồi thường theo yêu cầu của bà Phương.
Nguyên nhân là do hội đồng xét xử xét thấy tại thời điểm ký kết thỏa thuận đặt cọc số LKBM20-06/2018/TTĐC-ĐTA thì DTA chưa phải là chủ đầu tư của dự án khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh tại các lô đất ký hiệu LK-B14-LKB21. Bởi theo các tài liệu mà Tòa án sơ thẩm thu thập cũng như đương sự giao nộp thì tại công văn số 2632/UBND-TNMT ngày 19/07/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh được chuyển nhượng một phần dự án cho các chủ đầu tư thứ cấp, trong đó DTA là 20,580m2. Như vậy, đây không phải là văn bản pháp lý để xác định DTA có quyền sử dụng đất và là chủ dự án.
Đến ngày 16/01/2019, theo quyết định số 22/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh thì DTA mới là chủ dự án khu đô thị và dịch vụ VSIP tại các lô đất ký hiệu LK-B14-LKB21. Và ngày 10/6/2020, DTA mới chính thức được Sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh ban hành công văn số 1173/SXD- QLN chấp thuận dự án của DTA nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh thuộc dự án khu đô thị và dịch vụ VSIP đủ điều kiện huy động vốn theo hình thức kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai.
Từ những căn cứ trên, Tòa án cho rằng đến ngày 16/01/2019 thì DTA mới là chủ khu đô thị và dịch vụ VSIP tại các lô đất ký hiệu LK-B14-LKB21 và đến ngày 10/6/2020, DTA mới đủ điều kiện huy động vốn theo hình thức kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai.
Thế nhưng, ngày 21/10/2018, DTA đã ký thỏa thuận đặt cọc với bà Phương. Như vậy, tại thời điểm ký thỏa thuận đặt cọc này DTA không có quyền kinh doanh dự án và dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nên việc ký thỏa thuận đặt cọc là vi phạm điều cấm của pháp luật nên thỏa thuận đặt cọc bị vô hiệu từ thời điểm hai bên ký kết. Việc dẫn đến hợp đồng vô hiệu là từ cả phía DTA. Bởi tại thời điểm ký kết thỏa thuận đặt cọc DTA chưa được quyền sử dụng đất và cũng không được huy động vốn theo pháp luật về kinh doanh bất động sản còn bà Phương thì trước khi ký hợp đồng không tìm hiểu kỹ về dự án cũng như chủ đầu tư của dự án mà vẫn ký. Do hợp đồng vô hiệu nên các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Do đó, việc DTA kháng cáo đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của bà Phương là không có căn cứ. Từ những phân tích trên có thể thấy, DTA kháng cáo nhưng không đưa ra được căn cứ nào để chứng minh kháng cáo của mình có căn cứ nên cần bác toàn bộ kháng cáo của Công ty này, tuy nhiên bà Phương đã rút yêu cầu về phần lãi suất nhưng bản án sơ thẩm không đình chỉ đối với việc rút yêu cầu trên của chị Phương là chưa đúng với quy định nên cần sửa bản án sơ thẩm đình chỉ đối với cầu đòi tiền lãi của bà Phương.
Do kháng cáo không được chấp nhận nên DTA phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Hà Lễ
FILI
|