Ngành lúa gạo Việt Nam 2023: Niềm vui chưa trọn
Bức tranh ngành lúa gạo Việt Nam năm 2023 nhiều điểm sáng khi giá cả, thị trường đầu ra thuận lợi. Những tưởng doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng chung niềm vui, nhưng thực tế không phải ai cũng có lãi.
Ảnh minh họa
|
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khép lại năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8.29 triệu tấn gạo, đem về 4.78 tỷ USD, tăng 16.7% về khối lượng và tăng 38.4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục trong hơn 30 năm tham gia xuất khẩu gạo.
2023 cũng là năm nhiều nước gia tăng nhập gạo Việt; trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất với hơn 3.1 triệu tấn, Indonesia 1.15 triệu tấn, Trung Quốc 908 ngàn tấn, Ghana 576 ngàn tấn...
Nhu cầu lớn từ thị trường quốc tế khiến giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam liên tục lập đỉnh và cao nhất là 663 USD/tấn vào đầu tháng 12/2023, vượt qua các đối thủ để vươn lên dẫn đầu thế giới.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, những con số trên tưởng chừng phản ánh một năm thắng đậm, song thực tế hoàn toàn ngược lại, nhiều doanh nghiệp lãi "mỏng như lá lúa", thậm chí lỗ nặng.
Thống kê của VietstockFinance từ 10 doanh nghiệp ngành gạo niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023, có 5 doanh nghiệp tăng lãi, 2 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp lỗ và 1 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi. Tổng doanh thu đạt hơn 75,505 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước, nhưng lãi ròng chỉ gần 760 tỷ đồng, giảm 14%.
Đứng đầu về tăng trưởng doanh thu 2023 là Xuất nhập khẩu Kiên Giang (Kigimex, UPCoM: KGM) khi đạt gần 7.3 ngàn tỷ đồng, tăng 71% so với năm trước và là mức cao nhất kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2016. Kết quả này đã giúp Công ty lãi ròng 12.5 tỷ đồng, gấp 2.2 lần.
Xét về con số tuyệt đối, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2, UPCoM: VSF) đứng đầu nhóm, đạt doanh thu hơn 23 ngàn tỷ đồng, tăng 33% và lãi sau thuế đạt gấp ba lần với 63 tỷ đồng - mức kỷ lục từ trước đến nay. Lãi ròng khoảng 23 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2023, Vinafood 2 đã bán ra hơn 1.5 triệu tấn gạo, vượt gần 70% kế hoạch năm, tăng 31% so với cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu đạt sản lượng gần 1.3 triệu tấn).
Thực tế cho thấy, từ khi cổ phần hóa vào năm 2018 đến nay, dù đạt mức doanh thu trên 16 ngàn tỷ đồng mỗi năm, Vinafood 2 vẫn liên tục thua lỗ hoặc lãi rất mỏng, do biên lợi nhuận thấp là đặc thù của ngành xuất khẩu gạo. Tính đến cuối năm 2023, Công ty vẫn lỗ lũy kế 2,778 tỷ đồng, hệ quả của chuỗi 10 năm lỗ liên tiếp từ 2013-2022, trong đó lỗ nặng nhất là năm 2018 với gần 1.5 ngàn tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng của Vinafood 2 từ năm 2013 đến nay
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Quán quân lợi nhuận năm qua thuộc về Tập đoàn Pan (The Pan Group, HOSE: PAN), đạt kỷ lục 408 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước và chiếm 54% lợi nhuận cả nhóm. Mảng gạo đóng gói đóng góp đáng kể vào lợi nhuận toàn Công ty, biên lãi gộp mảng này tăng từ 9% lên hơn 15%.
Chung niềm vui khoe lãi kỷ lục, Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh (Foodcosa, UPCoM: FCS) dù lãi ròng chỉ 1 tỷ đồng nhưng gấp 10 lần so với năm trước. Do thua lỗ 6 năm liên tiếp từ 2016 - 2021, Công ty còn lỗ lũy kế 193 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế của FCS từ năm 2015 đến nay
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Chi phí lãi vay đè nặng
Nhìn bên ngoài, tuy các doanh nghiệp ngành gạo đang có điều kiện kinh doanh thuận lợi, nhưng hệ quả của việc tăng cường vay nợ ngay trong thời gian lãi suất ngân hàng đạt đỉnh đẩy chi phí lãi vay trở thành gánh nặng, bào mòn lợi nhuận.
Năm 2023, nợ vay ngắn hạn của Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) tăng 66%, lên 6,227 tỷ đồng; trong khi đó, nợ vay dài hạn chiếm tỷ trọng không đáng kể. Công ty chịu chi phí lãi vay lên tới 582 tỷ đồng, gấp 2.4 lần so với năm trước.
Đáng nói, lãi vay không phải là gánh nặng duy nhất của Lộc Trời. Tại cuối năm 2023, khoản giá trị các khoản nợ khó đòi đạt trên 1,000 tỷ đồng (gấp 3 lần) và phải trích lập dự phòng 564 tỷ đồng. Điều này đẩy chi phí quản lý của doanh nghiệp tăng vọt từ gần 400 tỷ đồng lên gần 720 tỷ đồng.
Hai nguyên nhân trên đẩy lãi ròng 2023 của “ông lớn” ngành gạo miền Tây xuống 256 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước, trong khi doanh thu đạt kỷ lục trên 16 ngàn tỷ đồng.
Doanh thu từng mảng kinh doanh chính năm 2023 của Lộc Trời
Nguồn: BCTC LTG
|
Xét về cơ cấu doanh thu, mảng gạo đóng góp hơn 11 ngàn tỷ đồng, tăng 75% và chiếm tỷ trọng 68%. Tuy nhiên, biên lãi gộp mảng này rất mỏng, chỉ 2%, đóng góp không nhiều vào lợi nhuận toàn Công ty. Mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật lại có biên lãi gộp tới 57%, dù doanh thu chỉ bằng 38% doanh thu mảng gạo. Đây vẫn là mảng mang lại nguồn lợi nhuận chính cho Lộc Trời từ trước đến nay.
Chung cảnh ngộ, Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, UPCoM: AFX) phải trả lãi vay 50 tỷ đồng, gấp 2.3 lần so với năm trước và chiếm tới 54% lãi gộp của Công ty. Sau cùng, lãi ròng cả năm giảm 7%, xuống 27 tỷ đồng.
Đón kết quả đáng buồn hơn cả, Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) và Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) lần lượt lỗ 208 tỷ đồng và 18 tỷ đồng trong năm 2023.
Đây cũng là lần đầu Trung An thua lỗ kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2016. Còn với Angimex, doanh nghiệp gạo ở An Giang đã nâng tổng lỗ lũy kế tại cuối năm 2023 lên hơn 153 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa việc 2 doanh nghiệp trên không thể hoàn thành kế hoạch có lãi đã đề ra năm 2023. Trái lại, FCS và KGM là 2 doanh nghiệp ngành gạo công bố vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm. Gây thất vọng khi chưa thực hiện được 75% mục tiêu lợi nhuận 2023 là LTG và PAN.
Cổ phiếu gạo "nổi sóng"
Nhóm cổ phiếu gạo thường bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ, mà cụ thể là giá gạo liên tục tăng kỷ lục trong năm 2023 đã thúc đẩy sự quan tâm của giới đầu tư. Tính chung cả năm, các cổ phiếu gạo như VSF, FCS, LTG, PAN và KTC đều bật tăng mạnh, với mức tăng cao hơn mức tăng trung bình 12% của VN-Index.
Cổ phiếu VSF có mức tăng giá vượt trội nhất (+800%). Từ cuối tháng 7/2023, cổ phiếu này tăng kịch trần 11 phiên, giúp thị giá tăng từ quanh 8,000 đồng/cp lên 37,400 đồng/cp; thanh khoản cũng cải thiện lên hàng chục ngàn cp/ngày, so với chỉ vài ngàn đơn vị như thông thường.
Theo đà tăng của giá gạo, cổ phiếu AGM cũng gây chú ý trên thị trường giai đoạn cuối tháng 7 với chuỗi tăng trần 12 phiên liên tiếp (+122%, lên 13,500 đồng/cp). Tuy nhiên, sau chuỗi tăng, cổ phiếu này lao dốc với nhiều phiên giảm sàn khi nhận quyết định đình chỉ giao dịch từ giữa tháng 9/2023. Tính chung cả năm, thị giá AGM giảm 35%.
Bước sang năm 2024, nhóm cổ phiếu gạo dường như đánh mất phong độ. Tính từ đầu năm đến ngày 06/03, PAN và NSC là 2 mã có cùng mức tăng 13% - cao hơn so với mức tăng trung bình 12% của VN-Index. Trong khi đó, một số cổ phiếu như KTC (-21%), VSF hay FCS (-8%) tỏ ra hụt hơi ngay từ đầu năm.
Năm 2024 sẽ tiếp tục “sáng”?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn; đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn.
Nhu cầu tiêu thụ lớn hơn năng lực sản xuất, trong khi tồn kho cuối kỳ lại suy giảm. Điều này cho thấy, bức tranh chung của toàn ngành gạo thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục “sáng” cho các quốc gia có lợi thế xuất khẩu như Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, những doanh nghiệp tích trữ được lượng tồn kho lớn sẽ trực tiếp được hưởng lợi. Tuy nhiên, lượng gạo tồn kho cuối năm 2023 tại hầu hết doanh nghiệp đều giảm, phải thu mua thêm mới đủ xuất khẩu.
Dẫn đầu tăng trưởng tồn kho là KGM khi đạt 492 tỷ đồng, tăng 153% so với đầu năm. Trong khi đó, tồn kho của Angimex, Trung An giảm mạnh lần lượt 81% và 24%, xuống 25 tỷ đồng và hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Với Lộc Trời, tồn kho giảm 7%, còn gần 2 ngàn tỷ đồng; tuy nhiên, trích lập dự phòng tăng hơn 10 lần, từ 4 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng. Mức giảm tồn kho do nguyên vật liệu, hàng mua đang đi đường giảm mạnh, song thành phẩm lại tăng mạnh từ 841 tỷ đồng lên 1,222 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm 2024, nhiều tin vui đã đến với ngành lúa gạo Việt Nam khi nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ về xuất khẩu gạo đã được ký kết. Đầu tiên là 7 doanh nghiệp Việt Nam trúng 10/17 gói thầu, cung cấp trên 300 ngàn tấn gạo cho Indonesia.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, năm 2024, Hàn Quốc có thể tổ chức 9 lần mở thầu để nhập khẩu gạo từ một số nước trên thế giới. Trong đó, quốc gia này dành cho Việt Nam tổng lượng hạn ngạch là 55,112 tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ bán 1.5 - 2 triệu tấn gạo/năm cho Philippines trong 5 năm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng chia sẻ, đang nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác Phillippines ngay từ đầu năm.
Theo đánh giá chung của ông Đỗ Hà Na - Chủ tịch HĐQT Intimex Group, nhìn trên tổng thể cung, cầu và tồn kho, thị trường gạo năm 2024 vẫn có lợi cho người bán. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo luôn gắn liền với yếu tố thời tiết và địa - chính trị nên rất khó có thể đưa ra được dự báo chính xác.
Thế Mạnh
FILI
|