NCB đặt mục tiêu tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 16%, tăng vốn thêm 6,200 tỷ
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, HNX: NVB) vừa công bố tài liệu để chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 13/04 tới.
Đánh giá yếu tố vĩ mô, NCB cho biết bên cạnh các dự báo lạc quan, tích cực về nền kinh tế đến từ sự tăng trưởng tích cực của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, các hoạt động đầu tư, du lịch, xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ,… vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn từ những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới hiện hữu tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt.
Bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận, mục tiêu cho vay khách hàng tăng trưởng 16%
Năm 2024 cũng là năm đầu tiên, NCB triển khai phương án cơ cấu lại theo Quyết định 689 sau khi được phê duyệt theo quy định.
Do đó, định hướng hoạt động của HĐQT NCB năm 2024 sẽ tập trung vào việc triển khai thực thi chiến lược phát triển ngân hàng “Digital Wealth” giai đoạn 2024-2028, song song với chiến lược chuyển đổi số. Đồng thời, Ngân hàng đặt mục tiêu hoàn thiện và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030 theo lộ trình được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 của NCB
|
Về chỉ tiêu kinh doanh năm 2024, NCB không đưa ra con số kế hoạch lợi nhuận cụ thể mà cam kết dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ theo phương án cơ cấu lại.
Kế hoạch cho vay khách hàng năm 2024 của NCB. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của NCB
|
Mặt khác, Ngân hàng đặt mục tiêu đạt 105,892 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10% so với năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng dự kiến đạt 64,344 tỷ đồng và huy động khách hàng đạt 86,050 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 16% và 8% so với cuối năm 2023.
NCB định hướng gia tăng 15% quy mô khách hàng, lên 1.15 triệu khách hàng. Lũy kế khách hàng sử dụng app iziMobile đạt 595,051 khách hàng vào cuối năm 2024, tăng 34% so với năm 2023. Lũy kế số lượng thẻ tín dụng đạt 31,991 thẻ, tăng 28% so với năm 2023. Qua đó, Ngân hàng kỳ vọng CASA đạt 6,075 tỷ đồng, tăng 24% so với kết quả 2023.
NCB cho biết định hướng kinh doanh năm 2024 sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân vay nhà dự án của các chủ đầu tư lớn/uy tín; sản phẩm cho vay mua, sửa chữa nhà. Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, sản phẩm theo hướng “may đo” cho khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện ban hành sản phẩm trọn gói theo ngành nghề/lĩnh vực kinh doanh để phù hợp với từng loại đối tượng khách hàng.
Kết thúc quý 4/2023, NCB đã cán mốc 1 triệu khách hàng theo mục tiêu đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. Ngân hàng cũng đã đầu tư mạnh mẽ về nền tảng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt bằng việc đưa vào vận hành và liên tục nâng cấp ngân hàng số NCB iziBankbiz dành cho khách hàng doanh nghiệp và NCB iziMobile cho khách hàng cá nhân để góp phần tăng trưởng khách hàng trong các giai đoạn tiếp theo.
Giữa bối cảnh lãi suất được điều chỉnh giảm trên hệ thống các tổ chức tín dụng, tổng tiền gửi khách hàng tại NCB vẫn đạt hơn 80,043 tỷ đồng, tương đương mức tăng 3% so với kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh 2023 không đạt kỳ vọng, NCB cho biết nguyên nhân chủ yếu từ việc tăng trưởng tín dụng chậm.
Cụ thể, trong năm 2023, mặc dù NCB đã sử dụng hết giới hạn tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp nhưng vẫn chưa đạt mức đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. NCB không được NHNN chấp thuận tăng trưởng tín dụng so với mức đề xuất theo kế hoạch kinh doanh, và việc tăng trưởng tín dụng chậm cũng là một trong các nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của Ngân hàng. Bên cạnh đó, nợ xấu có xu hướng tăng, một phần đến từ ảnh hưởng suy thoái chung của nền kinh tế.
Mặt khác, thu nhập lãi thuần giảm do thu nhập từ lãi vay chưa đủ bù chi phí huy động (từ cuối năm 2022 đến hết quý 3/2023, lãi suất huy động neo khá cao theo diễn biến thị trường), thu nhập ngoài lãi giảm do ảnh hưởng của thị trường bảo hiểm, trái phiếu…
Nguồn thu từ phí và dịch vụ sụt giảm nghiêm trọng do khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản, bảo hiểm, trái phiếu; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm từ việc phát sinh nợ xấu, thu nhập ngoài lãi giảm lớn từ chi phí one-off của việc hủy hợp đồng bảo hiểm với Công ty bảo hiểm Maplife.
Do lợi nhuận sau thuế 2023 âm, HĐQT NCB trình ĐHĐCĐ không thực hiện phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2023.
Tăng vốn thêm 6,200 tỷ đồng
Năm 2024, NCB tiếp tục triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 6,200 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.
Quá trình tăng vốn của NCB. Đvt: Tỷ đồng
|
Theo phương án được phê duyệt, NCB sẽ chào bán 620 triệu cp với giá không thấp hơn 10,000 đồng/cp. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5,602 tỷ đồng lên 11,802 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai, Ngân hàng cho biết đã lập hồ sơ đề nghị và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. NCB đang triển khai các thủ tục tăng vốn theo quy định, bao gồm chuẩn bị hồ sơ trình Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận chào bán cổ phần riêng lẻ.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của NCB
|
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư dự kiến là 6,200 tỷ đồng, sẽ được dùng bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh (5,300 tỷ đồng); Công nghệ và chuyển đổi số (500 tỷ đồng); Xây dựng nhận diện thương hiệu (200 tỷ đồng) và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất (200 tỷ đồng). Thời gian giải ngân dự kiến trong năm 2024-2025.
Khang Di
FILI
|