Nâng hạng thành công, chứng khoán Việt Nam được gì?
Tại tọa đàm Thị trường chứng khoán “Xây nền - Tích lũy - Bứt tốc” được tổ chức sáng 5/3, chuyên gia từ các công ty chứng khoán (CTCK) cũng như đại diện từ phía cơ quan quản lý đã có nhiều thảo luận xoay quanh câu chuyện nâng hạng thị trường trong năm 2025. Đồng thời, chỉ ra tác động đối với thị trường chứng khoán (TTCK) nếu thành công.
Nâng hạn TTCK năm 2025, Việt Nam còn 2 tiêu chí chưa đáp ứng được
Theo bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), mục tiêu trong 2025 là nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi ở mức thứ cấp theo FTSE Russell. Theo các tổ chức xếp hạng, Việt Nam hiện đạt 7/9 tiêu chí và còn hai tiêu chí cần hoàn thiện là vấn đề ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN
|
“Về vấn đề ký quỹ trước giao dịch, chúng tôi đã làm việc và trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng như các thành viên thị trường trong thời gian qua để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Hiện, UBCK cũng đã trình Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản. Trước tiên, không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đảm bảo hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động thanh toán.
Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, chúng tôi cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cũng đã rà soát các ngành nghề; đồng thời công bố thông tin (CBTT) minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận được thông tin về tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất; kiến nghị Bộ KHĐT phối hợp với các bộ ngành khác để rà soát các ngành nghề, mở rộng tỷ lệ sở hữu đối với một số ngành nghề không thiết yếu”, bà Linh thông tin.
Ngoài ra, dự kiến báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định về CBTT bằng tiếng Anh áp dụng với các công ty đại chúng và công ty niêm yết có quy mô lớn và sẽ áp dụng CBTT bằng tiếng Anh đối với CBTT định kỳ từ 1/1/2025, đối với thông tin bất thường từ 1/1/2026, áp dụng cho tất cả các loại công ty đại chúng cũng như các hoạt động CBTT từ 1/1/2028.
“Các công việc triển khai có sự hậu thuẫn cao từ phía các thành viên thị trường. Chúng tôi cũng thấy rằng đây là những giải pháp để có thể đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường trong năm 2025”, bà nói.
Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) là giải pháp hữu hiệu nhất
Tại tọa đàm, các chuyên gia và nhà quản lý cũng đã có thảo thuận về kiến nghị áp dụng sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) – kỹ thuật giúp các nhà đầu tư nước ngoài nâng tỷ lệ sở hữu những không tham gia vào quá trình điều hành của các công ty niêm yết, đặc biệt là ngân hàng.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá đây là giải pháp hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại. Vì nếu rà soát lại các văn bản pháp quy về thay đổi tỷ lệ sở hữu tại các công ty niêm yết, mà đặc biệt là tại các ngân hàng, thì sẽ phải sửa đổi rất nhiều. Chính vì thế, để đạt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025 khả thi hơn là áp dụng yếu tố NVDR, đã rất thành công tại Thái Lan.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank
|
Ưu điểm của yếu tố này sẽ giúp giải bài toán giao dịch. Tại Thái Lan, khi áp dụng yếu tố này đã giải quyết nhu cầu giao dịch ngay lập tức của nhà đầu tư nước ngoài. Ông Sơn cũng nghĩ rằng đây là yếu tố quan trọng đã giúp Thái Lan nâng hạng lên thị trường mới nổi. Thanh khoản của NVDR này đã tăng lên 20% trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường Thái Lan và giao dịch khối ngoại đạt tỷ trọng khoảng 40%.
Với điều kiện như Việt Nam, trong khoảng thời gian rất gấp rút để triển khai cho nâng hạng, ông Sơn nghĩ rằng chứng chỉ này sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất, ngắn nhất để hoàn thiện yếu tố về mặt pháp lý, đạt chuẩn sớm của FTSE Russell.
Bà Linh cho biết, hiện tại đang phối hợp với chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) để đưa sản phẩm vào thị trường phù hợp với quy định pháp lý. Sản phẩm này phải dựa trên quy định pháp lý như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán.
Dưới góc độ của CTCK, bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích Cổ phiếu – Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư của Chứng khoán SSI cho biết, không có khó khăn gì liên quan đến việc cho vay ký quỹ nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích Cổ phiếu - SSI Research
|
“Cái chúng tôi quan tâm là mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với dịch vụ mà chúng tôi cung cấp như thế nào, có tuân thủ đúng những quy định về tuân thủ của khách hàng hay không. Còn nếu chúng ta có thể triển khai được và dẫn đến kết quả Việt Nam được nâng hạng thì sẽ rất là tốt cho TTCK cũng như thành viên thị trường”, bà Trang nói.
Dòng vốn 8 – 10 tỷ USD sẽ vào TTCK nếu nâng hạng thành công
Ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Chứng khoán DNSE dẫn dự báo của WB, nếu TTCK Việt Nam nâng hạng thành công từ cận biên lên mới nổi có thể đón nhận dòng vốn 8 – 10 tỷ USD, qua đó đóng góp lớn cho giá trị giao dịch của thị trường trong thời gian tới.
Ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Chứng khoán DNSE
|
Còn theo ông Sơn, đang có sự thay đổi rất quan trọng về mặt chất. Thứ nhất, nền tảng pháp lý đang chuyển biến rõ nét, để đảm bảo đủ tiêu chí của các tổ chức quốc tế.
Thứ hai, về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin giao dịch. Ông nhìn nhận hệ thống giao dịch đã quá cũ và có những giai đoạn nghẽn lệnh, tắc lệnh. Do đó, sự thay đổi về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư giao dịch một cách thông thoáng. Trong thời gian tới, nhiều tổ chức áp dụng được hệ thống giao dịch tự động sẽ giúp cho giao dịch trở nên nhanh và tích cực hơn.
Thứ ba, trên một nền tảng giao dịch mới, có thể rút ngắn chu kỳ thanh toán, từ T+2.5 xuống T+2. Đồng thời, nhiều sản phẩm mới có thể được đưa ra như bán chứng khoán chờ về, những sản phẩm liên quan đến ký quỹ; hoặc trong tương lai, không chỉ phái sinh ở chỉ số chứng khoán mà còn phái sinh cả ở những sản phẩm cổ phiếu.
“Vì vậy, hệ thống giao dịch thay đổi thì chắc chắn nhà đầu tư được lợi rất nhiều về mặt sản phẩm giao dịch”, ông nói, “và chúng ta cũng thấy rằng từ trước đến nay mỗi khi TTCK Việt Nam có sự đổi mới, thanh khoản của thị trường đều lên và có một nhịp bứt tốc”.
Chẳng hạn, giai đoạn năm 2012-2013 khi kéo dài thời gian giao dịch, thanh khoản thị trường tăng lên rất cao hay giai đoạn áp dụng phái sinh, TTCK cũng có giai đoạn bùng nổ.
Ông Sơn cũng nhìn nhận, việc hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) kỳ vọng được áp dụng trong năm nay sẽ tạo ra động lực quan trọng đối với bản thân nhà đầu tư nói chung và các thành viên thị trường nói riêng. Khi giao dịch thông thoáng, doanh số cũng như thị phần của của các CTCK bán lẻ sẽ tích cực.
Đối với các vấn đề liên quan đến hệ thống KRX, bà Linh cho biết, đối với hệ thống công nghệ thông tin hiện tại đang triển khai, các CTCK đang cùng các sở, trung tâm lưu ký có những buổi thử nghiệm trước khi đưa vào vận hành.
“Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi quyết tâm đưa hệ thống này vào sau khi thử nghiệm thành công”, bà Linh nói.
Kha Nguyễn
FILI
|