Khối ngoại bán ròng hơn 2,700 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 2
Trái ngược với diễn biến tích cực của VN-Index trong tháng 2/2024, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) tiếp tục xu thế bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, dòng tiền hưng phấn quay lại thị trường chứng khoán (TTCK), thúc đẩy đà tăng của chỉ số chính. Tính đến ngày 29/02, VN-Index dừng ở mức 1,252.73 điểm, tăng gần 8% so với đầu tháng và tăng gần 11% so với đầu năm. Thanh khoản trung bình phiên (HOSE) cũng được cải thiện từ mức 16,700 tỷ đồng tháng trước lên hơn 20,800 tỷ đồng trong tháng này.
Song, khối ngoại lại tiếp tục gia tăng lực bán lên thị trường. Theo số liệu thống kê từ VietstockFinance, khối ngoại đã bán hơn 2,700 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 2. Trong đó, hai phiên đáng chú ý nhất vào ngày 22 và 23, với tổng giá trị bán ròng hơn 1,700 tỷ đồng, tức chiếm gần 63% tổng giá trị bán ròng của tháng.
Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng gần 364 tỷ đồng và tính gộp cả hai sàn, khối ngoại đã bán hơn 3,100 tỷ đồng.
Phía các ETF gồm cả quỹ nội và ngoại vẫn còn thận trọng để giải ngân trên TTCK Việt Nam. Theo báo cáo của Chứng khoán Yuanta, tính từ đầu tháng tới ngày 23/2/2024 (MTD), Fubon FTSE mua ròng 3 triệu USD, VanEck và SSIAM VNFIN LEAD lần lượt mua ròng chỉ 1.3 và 0.8 triệu USD. Chiều ngược lại, Ishares MSCI Frontier 100 bán mạnh nhất, gần 24 triệu USD.
Nguyên nhân dòng vốn ETF chưa giải ngân thêm ở TTCK Việt Nam, theo bà Bùi Hoàng Minh – Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, khối KHCN của Chứng khoán HSC, do sức mạnh đồng USD tiệm cận ngưỡng 105 khi kinh tế Mỹ tăng trưởng cao vượt trội so với mặt bằng chung các quốc gia phát triển trên thế giới, từ cú hích lớn liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) bất chấp môi trường lãi suất cao. Các quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới cũng tăng tỷ trọng đầu tư tại các quốc gia đã phát triển.
Dòng vốn ròng của các ETF đầu tư vào Việt Nam
Nguồn: Bloomberg, HSC
|
Ngoài ra, mức chênh lệch lãi suất đáng kể giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng làm phát sinh hoạt động đầu cơ để hưởng chênh lệch.
Do đó, khi mặt bằng lãi suất ở Mỹ cao hơn các quốc gia đang phát triển tại thị trường châu Á sẽ kích hoạt giải ngân đầu tiên là vào thị trường Mỹ và thị trường trái phiếu, thay vì vào các thị trường cận biên và mới nổi như Việt Nam.
Đối với yếu tố này, bà Minh lưu ý, đồng VND có khả năng mất giá năm thứ 3 liên tiếp trong 6 tháng đầu năm 2024 do chênh lệch lãi suất, diễn biến của chỉ số DXY và dự trữ ngoại hối giảm xuống thấp hơn 3 tháng nhập khẩu.
Vị trưởng phòng của HSC cho biết, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất ở cuối quý 2 hoặc quý 3/2024, như kỳ vọng của giới đầu tư thì chênh lệch lãi suất Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài, khiến dòng vốn ngoại ngần ngại và sớm chưa quay lại Việt Nam.
Song, định giá TTCK Việt Nam, cả P/E và P/B vẫn còn trong vùng hấp dẫn, nên bà vẫn lạc quan về khả năng rút ròng của khối ngoại.
Theo các chuyên gia của SSI Research, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể sớm đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Fed và cơ hội TTCK Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi trong giai đoạn 2024-2025.
“Dòng vốn vào của nhà đầu tư nước ngoài có thể chưa hồi phục ngay lập tức, nhưng áp lực bán của khối ngoại được kỳ vọng không còn mạnh mẽ như năm trước”, nhóm phân tích nhận định.
Động lực chính của thị trường sẽ chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân và chiếm tới 92.2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường năm 2023, nhóm phân tích dự đoán VN-Index sẽ có một số bước nhảy vọt trong năm 2024 nhờ dòng vốn này.
Trở lại với câu chuyện của khối ngoại trên TTCK Việt Nam. Trên HOSE, ông lớn ngành bán lẻ MWG lại bị khối ngoại quay lưng, với giá trị bán ròng lớn nhất 760 tỷ đồng. Thuộc nhóm thực phẩm, VNM bị bán ròng mạnh thứ 2 hơn 688 tỷ đồng; còn MSN bị bán mạnh thứ 5, gần 419 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ phiếu nhóm ngân hàng như VPB, TPB, STB và VCB cũng nằm trong top bị bán ròng nhiều nhất.
Chiều ngược lại, cổ phiếu MSB được mua ròng nhiều nhất, đạt 824 tỷ đồng. DGC và cổ phiếu “quốc dân” HPG được mua ròng nhiều thứ 2 và thứ 3, lần lượt 594 tỷ đồng và 557 tỷ đồng.
Trên HNX, hai cổ phiếu SHS và PVS bị bán ròng nhiều nhất gần 365 tỷ đồng và 273 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh nhất cổ phiếu IDC hơn 282 tỷ đồng, chênh khá lớn so với các cổ phiều còn lại trong nhóm như CEO (41 tỷ đồng) và DHT (27 tỷ đồng).
Duy Khánh
FILI
|