“Hoà Phát tự tin có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc”
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát (HOSE: HPG) trước những lo ngại về câu chuyện thép giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập khắp trên thế giới.
Trong buổi tiếp hơn 200 nhà đầu tư tại khu liên hợp Hoà Phát Dung Quất vào ngày 26/03, lãnh đạo của Hoà Phát đã trả lời nhiều câu hỏi từ các nhà đầu tư, trong đó "làm thế nào để đối phó với thép giá rẻ từ Trung Quốc" là câu hỏi nổi cộm nhất và được quan tâm nhiều nhất.
Đáp lại, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát, chia sẻ việc cạnh tranh với thép Trung Quốc đã là một ưu tiên hàng đầu của Hoà Phát từ những ngày đầu làm thép.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới với khoảng 1 tỷ tấn thép mỗi năm. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều thép nhất trên thế giới.
Theo ông Thắng, trước đây, khi Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng 7-8% mỗi năm, họ cũng tiêu thụ lượng lớn thép và chỉ xuất khẩu ra nước ngoài một lượng nhỏ. Nhưng tình hình đã thay đổi từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong 3 năm qua, kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản.
"Tình trạng này dẫn đến sự dư thừa lớn về thép và các doanh nghiệp phải xuất khẩu nhiều hơn. Sự cạnh tranh do đó trở nên khốc liệt hơn," ông Thắng chia sẻ.
Áp lực cạnh tranh với thép Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây. Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1.8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu sắt thép.
Tuy nhiên, nhờ luôn chú trọng tới giá thành sản xuất, ông Thắng tự tin rằng Hoà Phát hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với thép Trung Quốc. "Với cơ cấu nguyên liệu toàn cầu, thép của Hoà Phát có thể hoàn toàn cạnh tranh với thép Trung Quốc," ông Thắng chia sẻ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng giải đáp các câu hỏi của nhà đầu tư
|
Đã đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc
Dù tự tin có thể cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc, song lãnh đạo của Hoà Phát cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm bán dưới giá thành.
“Khi Trung Quốc dư cung quá lớn, doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ. Rất nhiều doanh nghiệp thép của Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái, họ chấp nhận bán dưới giá thành để đảm bảo đưa được sản phẩm ra ngoài”, ông cho biết. "Về mặt tổng thể, với các công ty thép lớn của Trung Quốc hoạt động một cách nghiêm túc, Hoà Phát vẫn tự tin cạnh tranh, chúng tôi chỉ phản đối trong những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh".
Vì thế, Hoà Phát đã cùng với Formosa đã gửi hồ sơ đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc vào ngày 19/03.
"Đối với Hoà Phát, quan điểm của chúng tôi đơn giản là khi phát hiện dấu hiệu của việc bán phá giá, chúng tôi sẽ đề xuất với cơ quan Nhà nước để hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước. Ngành thép là ngành xương sống của nền công nghiệp và chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ ủng hộ việc này," ông nói.
Tuy nhiên, việc áp thuế hay không còn phụ thuộc vào dữ liệu và các cơ quan Nhà nước phải tiến hành đánh giá kỹ lưỡng.
"Quá trình nộp hồ sơ, đánh giá và điều tra sẽ mất từ 12 đến 18 tháng kể từ ngày Bộ Công Thương khởi xướng điều tra", một đại diện của Hoà Phát cho biết. “Hoà Phát và Formosa chỉ mới nộp thông tin và hồ sơ đề xuất điều tra từ ngày 19/03. Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình đánh giá hồ sơ xem có đầy đủ, hợp lệ hay chưa hay thiếu gì hay không”.
Đề phòng kịch bản kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn dự báo
Tổng Giám đốc Thắng tỏ ra thận trọng với kịch bản Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn dự báo. "Trong 1-2 năm tới, chúng ta không thể biết chắc được. Có khả năng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3-4%, với tình hình bất động sản tiếp tục gặp khó khăn," ông nói.
Theo vị Tổng giám đốc Hoà Phát kịch bản này sẽ dẫn tới ngành thép Trung Quốc càng đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, làm tăng mức cạnh tranh và ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Hoà Phát.
“Trong trường hợp đó chúng ta phải bắt buộc cạnh tranh và chắc chắn là sẽ ảnh hưởng với biên lợi nhuận của Hoà Phát. Nếu Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu ra thế giới, chúng tôi tự tin HPG có thể cạnh tranh được, nhưng biên lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh”, ông cho biết.
Ở chiều ngược lại, ông Thắng cảnh báo nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá khi Hoà Phát xuất khẩu thép đi nước khác. “Thế giới giờ đã không giống như cách đây 5-10 năm trước. Ngành thép hiện đang là một trong những ngành bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất”, ông nói.
Để tránh bị áp thuế, giải pháp mà ông đưa ra là phân phối sản phẩm sang nhiều quốc gia và duy trì một tỷ trọng sao cho ít nguy cơ bị áp thuế. "Hiện tại, Hoà Phát chỉ xuất khẩu chủ yếu thép HRC với tỷ lệ 50%, còn thép xây dựng chủ yếu tiêu thụ trong nước. Chúng tôi đang mở rộng thị trường sang EU, Mexico, Đông Nam Á và có kế hoạch mở rộng sang Trung Đông, châu Phi và Mỹ," ông nói.
Tuy nhiên, ông khẳng định mục tiêu sau cùng của Hoà Phát là sản xuất hàng có giá cả cạnh tranh, để có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.
Vũ Hạo
FILI
|