Thông tin này được nêu trong báo cáo công bố mới đây của tổ chức chuyên theo dõi, thống kê về du lịch, hàng không hàng đầu thế giới - OAG. Đơn vị này cho biết thống kê dựa trên mạng lưới thông tin lớn nhất thế giới về chuyến bay, thị trường. Trên cơ sở đó, OAG xác định được những hàng hàng không, sân bay thành công nhất châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2019-2023.
Theo OAG, Vietjet Air dẫn đầu ở hai hạng mục với hãng hàng không chi phí thấp tăng trưởng mạnh nhất khu vực về cả năng lực khai thác và tần suất chuyến bay tại các chặng ngắn (dưới 4,630 km).
Xếp sau hãng bay Việt Nam ở hai hạng mục này là Indigo của Ấn Độ. Về các chặng bay đường dài, OAG xác định Air India là hãng bay đứng đầu về năng lực và tần suất khai thác. Xếp sau là Scoot của Singapore.
Bên cạnh đó, OAG cũng vinh danh Vietjet là hãng bay "vô địch về mở rộng mạng lưới" khi mở có thêm loạt đường bay mới trong năm 2023. Vị trí thứ hai và thứ ba ở hạng mục thống kê này cũng lần lượt thuộc về hai hãng hàng không của Ấn Độ là Vistara và Indigo.
Năm ngoái, Vietjet đã phát triển thêm 33 đường bay quốc tế và nội địa. Nhờ đó, hãng sở hữu mạng lưới 125 đường bay, trong đó có đến 80 đường bay quốc tế. Hãng hàng không chi phí thấp này này khai thác khoảng 133,000 chuyến bay, vận chuyển trên 25 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7,6 triệu khách quốc tế (tăng 183% so với năm 2022).
Vietjet cũng trở thành hãng bay Việt Nam đầu tiên có đường bay kết nối đến 5 thành phố của Australia gồm Sydney, Melbourne, Perth, Adelaide, Brisbane. Đồng thời, đây cũng là hãng bay khai thác nhiều hành trình nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ như tới Dehli, Mumbai, Ahmedabad, Kochi và Tiruchirappalli.
Đà mở mới các đường bay quốc tế tiếp tục được Vietjet duy trì sang năm 2024. Từ đầu năm đến nay, hãng liên tiếp có thêm các đường bay từ Việt Nam đi Vientiane (Lào), Thành Đô (Trung Quốc), Hiroshima (Nhật Bản) và gần nhất là Hà Nội - Melbourne.
Tại bảng xếp hạng các sân bay, OAG xác định Incheon (Hàn Quốc) kết nối với nhiều chặng bay quốc tế nhất vào tháng 1/2024. Tiếp sau đó là Changi (Singapore) và Bangkok (Thái Lan).
Sân bay có tốc độ tăng trưởng công suất khai thác nhanh nhất vào quý 4/2023 so với cùng kỳ 2022 lần lượt là Hong Kong, Beijing Capital, Urumqi (Trung Quốc). So với năm 2019, Beijing Daxing được xác định có số lượng hành trình quốc tế mới nhiều nhất, sau đó là Macau và Almaty (Kazakhstan).
"Với lượng đơn đặt hàng máy bay lớn, thu nhập và nhu cầu đi lại tăng, châu Á-Thái Bình Dương sẽ dẫn dắt tăng trưởng trong ngành hàng không ở thập kỷ", Mayur Patel, người đứng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OAG nhận xét.