Giới phân tích rối bời trước cú bứt tốc kỳ lạ của thị trường vàng
Các chuyên gia chỉ ra nhiều yếu tố giải thích cho cú bứt tốc của giá vàng, với mức tăng 7%, trong tuần trước, từ việc Trung Quốc đẩy mạnh mua kim loại quí này cho đến kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất vào tháng 6. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, các động lực đó chưa đủ mạnh để đẩy giá vàng tăng sốc như vậy.
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng đến 7% trong tuần trước. Ảnh: Lite Finance
|
Đợt tăng giá khó hiểu
Chỉ trong tuần trước, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng 7% và liên tiếp cán các mức cao kỷ lục mới. Điều này khiến các nhà quan sát thị trường lâu năm bối rối vì họ không thể tìm ra lý do thuyết phục để giải thích cho một trong những đợt tăng giá kỳ lạ nhất trên thị trường vàng.
Theo dữ liệu của LSEG, cú bứt tốc đột ngột đưa giá vàng lên mức cao kỷ lục mới 2.195 đô la Mỹ/ounce vào hôm 8-3. Một số chuyên gia giải thích, tài sản trú ẩn an toàn này tăng giá mạnh là do kỳ vọng ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào tháng 6 tới. Vàng vốn không có lãi suất, sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư khi lãi suất của Mỹ giảm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lập luận, không có yếu tố nào thúc đẩy đà tăng giá của vàng trong 16 tháng qua có thể đóng vai trò là chất xúc tác đủ mạnh để tạo ra cú tăng phi mã trong tuần trước. Các yếu tố này gồm khối lượng mua kỷ lục của khu vực ngân hàng trung ương, nhu cầu mạnh mẽ của các hộ gia đình Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ giá trị tài sản và căng thẳng địa chính trị do chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.
“Đây là đợt tăng giá kỳ lạ và khó hiểu nhất trên thị trường vàng. Đoạn tăng giá từ từ 2.000 đô la/ounce trong tháng trước lên trên 2.150 đô la/ounce vào tuần trước là điều khiến tôi phải đau đầu”, Nicky Shiels, nhà phân tích kim loại quí của MKS Pamp, một công ty tinh luyện và kinh doanh vàng của Thụy Sĩ bình luận.
Đà tăng giá hiện tại bắt đầu khi dữ liệu sản xuất của Mỹ công bố đầu tháng 3 cho thấy sự sụt giảm lớn hơn dự kiến. Điều này củng cố niềm tin của giới nhà đầu tư rằng, Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6.
Giá vàng thường tăng nhanh khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và giá đồng đô la Mỹ giảm mạnh. Nhưng theo giới phân tích, các chuyển động ở mức nhỏ của hai tài sản này không đủ để biện minh cho cú tăng vọt của giá vàng trong tuần trước. Kể từ đầu tháng 3, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm chỉ giảm 0,12% xuống còn 4,5%. Tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với mức thấp 4,12% trong tháng 1. Trong khi đó, giá đồng bạc xanh hiện nay so với một rổ 6 ngoại tệ mạnh vẫn cao hơn so với đầu năm.
“Trước đây, các đợt tăng giá từ 70-80 đô la cho mỗi ounce vàng trong thời gian ngắn thường đi kèm với một chất xúc tác mới hoặc sự kiện rủi ro. Nhưng lần này, không có sự thay đổi đáng chú ý nào trong các sự kiện hiện tại”, Suki Cooper, nhà phân tích của ngân hàng Standard Chartered nói.
Lực đẩy đến từ các tổ chức giao dịch theo động lượng?
Hôm 11-3, giá vàng giao ngay chốt ở mức hơn 1.183 đô la/ounce sau khi Bộ Lao động Mỹ điều chỉnh giảm mạnh số liệu tăng trưởng việc làm trong tháng 12-2023 và tháng 1-2024. Thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt làm tăng thêm niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng Fed giảm lãi suất trong nửa đầu năm.
Theo Bloomberg, giá vàng thiết lập mức cao kỷ lục mới bất chấp dòng vốn chảy ròng ra các quỹ giao dịch hoán đổi danh mục (ETF) tương đương 21 triệu ounce (656 tấn) trong năm qua.
Không thể lý giải vàng tăng giá mạnh là do nhu cầu mới từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Trung Quốc
|
Bà Rhona O’Connell, nhà phân tích của StoneX cho rằng, có nhiều yếu tố có thể thúc đẩy thị trường vàng. Chẳng hạn Trung Quốc gần đây bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn với vấn đề Đài Loan, căng thẳng ngân hàng gia tăng ở Mỹ và hàng loạt cuộc bầu cử quốc gia sắp diễn ra.
Dù vậy, bà đánh giá, không có yếu tố nào trong số đó đứng sau cú tăng vọt của giá vàng vào tuần trước. Thay vào đó, bà chỉ ra rằng, các tổ chức giao dịch theo động lượng (sử dụng thuật toán máy tính để mua bán) đổ xô mua sau khi vàng vượt qua các ngưỡng giá quan trọng.
“Không có gì cụ thể hoặc hữu hình tác động đến thị trường vàng mà chúng tôi có thể chỉ ra ngoài câu chuyện lãi suất của Fed vốn đã được thảo luận quá nhiều”, O’Connell nói.
Việc thiếu dữ liệu có sẵn ngay lập tức về các dòng chảy trên thị trường đã dẫn đến những suy đoán cho rằng, hoạt động mua vàng khó theo dõi của các nhà đầu tư bí ẩn thông qua thị trường phi tập trung khiến giá vàng tăng gấp. Các nhà đầu tư này bao gồm các quỹ tài sản có chủ quyền, cá nhân có giá trị ròng cao và quỹ phòng hộ
Bernard Dahdah, nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng Natixis nhận định, đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chỉ biến động khiếm tốn trong thời gian gần đây. Đồng thời dòng vốn tiếp tục chảy ra khỏi các quỹ ETF vàng. Điều đó khiến các phân tích gần đây về đà tăng của giá vàng xuất phát từ các thay đổi về kỳ vọng giảm lãi suất của Fed khó thuyết phục.
Dahdah cũng cho rằng, không thể lý giải vàng tăng giá mạnh là do nhu cầu mới từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Trung Quốc, vì chênh lệch giá vàng ở Trung Quốc so với London đã thu hẹp. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương thường có xu hướng mua vàng chậm hơn và hiếm khi công bố số lượng mua.
Rủi ro bị chốt lời nếu xung lực tăng giá dừng lại
Trong một dấu hiệu cho thấy hoạt động của nhà đầu tư đang mạnh lên, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho biết, số lượng hợp đồng tương lai vàng đang lưu hành trên sàn giao dịch Comex ở New York tăng 30% kể từ ngày 28-2. Trong khi đó, vị thế mua ròng các hợp đồng tương lai tăng khoảng 64.000 lên 208.000 hợp đồng hôm 5-3.
“Điều đó rung lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro điều chỉnh giảm giá đáng kể trên thị trường vàng. Một khi xung lực tăng giá dừng lại, sẽ có nhiều hoạt động chốt lời”, O’Connell nói.
Một số nhà phân tích cho rằng, đà tăng mạnh mẽ của thị trường vàng là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược trước quá mức vào triển vọng giảm lãi suất của Fed. “Việc Fed cắt giảm lãi suất không phải là điều chắc chắn”, Carsten Menke, nhà nghiên cứu của ngân hàng Julius Baer cảnh báo.
Nhưng không phải ai cũng tin rằng vàng đang đứng trước một đợt giảm giá mạnh. Giá vàng hiện nay vẫn thấp hơn so với mức kỷ lục vào năm 1980 là hơn 3.000 đô la/ounce sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Do vậy, một số nhà phân tích nhìn nhận, vàng đã thiết lập được vùng giá hỗ trợ vững chắc ngay dưới mức giá hiện tại.
“Có quá nhiều sự kiện với diễn biến khó lường khiến nhà đầu tư mua vàng để phòng ngừa rủi ro. Có vẻ như chúng ta đang chứng kiến nhu cầu mới trên thị trường vàng”, Suki Cooper, nhà phân tích của ngân hàng Standard Chartered nói khi đề cập đến các cuộc bầu cử quốc gia trong thời gian tới. Hay thậm chí là nguy cơ leo thang các cuộc xung đột quân sự hiện nay hoặc tái diễn cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ.
Lê Linh (Theo Financial Times)
TBKTSG
|