Thứ Năm, 28/03/2024 16:25

Giá cổ phiếu ở mức thấp trong các doanh nghiệp BĐS KCN, Chủ tịch KBC nói gì?

“KBC hoạt động nhờ vào niềm tin từ cổ đông và chứng khoán cũng sống nhờ niềm tin, khi niềm tin càng lớn thì giá cổ phiếu lên theo cách ổn định, bền vững sẽ tốt hơn và công ty phấn đấu lên không xuống” - ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC chia sẻ.

Ngày 28/03, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2024 lần 1 tại trụ sở Công ty trong KCN Quế Võ (Bắc Ninh). Bên cạnh trình thông qua kế hoạch kinh doanh 2024, HĐQT Công ty đề xuất phương án cho các nội dung đã được ĐHĐCĐ phê duyệt nhưng chưa thực hiện trong năm 2023.

ĐHĐCĐ bất thường 2024 lần 1 của KBC diễn ra vào sáng 28/03/2024

Hoạt động kinh doanh năm nào cũng tốt, nhưng sao giá cổ phiếu lại thấp?

Nhận được câu hỏi chất vấn từ cổ đông về việc giá cổ phiếu KBC đang ở mức thấp trong các doanh nghiệp BĐS KCN niêm yết, ông Tâm cho hay, cổ phiếu KBC là cổ phiếu khá đặc trưng, hoạt động kinh doanh năm nào cũng hàng đầu, luôn nhận được cờ thi đua xuất sắc, nhưng giá cổ phiếu có lúc vẫn rớt thê thảm với nhiều nguyên nhân, do không phải nhà phân tích chứng khoán nên KBC cố gắng vận dụng lúc giá xuống để mua thêm vào.

“Thời điểm cuối năm 2022, cổ phiếu xuống quá thấp nên HĐQT sẵn sàng mua vào ngay, đến đầu năm 2023, cổ phiếu KBC lên rất ổn định và có khuynh hướng tích cực hơn cho tới nay” ông Tâm nêu dẫn chứng.

Vị Chủ tịch này chia sẻ, KBC hoạt động nhờ vào niềm tin từ cổ đông và chứng khoán cũng sống nhờ niềm tin, khi niềm tin càng lớn thì giá cổ phiếu lên theo cách ổn định, bền vững sẽ tốt hơn và công ty phấn đấu lên không xuống.

Nói về lý do trả sạch nợ trái phiếu, ông Tâm trình bày, thời gian vừa qua, nhiều vụ trái phiếu tai tiếng đã ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp nên trái phiếu trở thành nỗi ám ảnh kinh hồn và hầu như các doanh nghiệp vay trái phiếu đều sợ. Do đó, HĐQT KBC tranh thủ trả nợ trái phiếu để hoạt động kinh doanh Công ty ổn định, bền vững và an toàn hơn.

“Nếu không trả nợ 4 ngàn tỷ đồng trái phiếu, KBC lấy tiền đó đi đền bù giải tỏa thêm đất, cát thì bây giờ cũng lời khối to”, vị Chủ tịch nói.

Ông Tâm khẳng định, KBC hiện nay đang đứng đầu và là nơi đại bản doanh của các tập đoàn công nghệ cao bậc nhất thế giới. “Các công ty công nghệ vào Việt Nam tìm đến KBC đầu tiên, nếu KBC không có đất, không đáp ứng được thì lúc đó các nhà đầu tư mới tìm kiếm doanh nghiệp khác” ông Tâm nói cách chắc chắn.

Quý 1/2024 “vất vả”, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tới hơn 100 ngàn căn

Nói về hoạt động kinh doanh của KBC, ông Đặng Thành Tâm chia sẻ, Việt Nam được xem là căn cứ sản xuất trên thế giới và KBC là một trong yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình sản xuất này. Năm qua, Việt Nam vẫn thu hút đầu tư tốt nhưng hy vọng cải thiện hơn.

Chiến tranh giữa Nga – Ukraine và cả cuộc chiến tranh diễn ra ở Trung Đông khiến nhiều nhà đầu tư đã đến đặt cọc tại KBC nhưng sau đó phải tạm thời ngừng lại một số nhà máy vì chiến tranh ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường của nhà đầu tư.

Do vậy, việc kinh doanh trong quý 1/2024 của KBC hoạt động rất “vất vả” và không được thuận lợi như quý 1 năm trước. KBC hy vọng trong thời gian sắp tới có những dự án lớn, để khi thị trường hồi phục, thì thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ mạnh hơn và KBC sẽ là đơn vị đi đầu trong tăng trưởng đó.

Chủ tịch KBC dự báo thị trường bất động sản (BĐS) sẽ ấm trở lại trong năm 2024 và KBC sẽ đưa 1 số khu đô thị vào hoạt động.

Về các khu công nghiệp (KCN), KBC hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh và động viên các nhà đầu tư đang hoạt động tại các KCN lắp điện mặt trời, tăng tỷ lệ tiêu thụ từ 10-20% để giúp KCN xanh hơn. “KBC cũng đang hướng tới tăng tỷ lệ điện tái tạo trong các KCN, điều này phù hợp với các công ty phát triển công nghệ cao. Vì vậy các chủ đầu tư công nghệ đang muốn đồng hành cùng KBC”, ông Tâm nói.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC tại Đại hội

Năm 2024 là năm bản lề để KBC tiến vào xây dựng các khu nhà ở. Hiện nay KBC đang có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội lên tới hơn 100 ngàn căn và đã xây dựng được mười mấy ngàn ngàn căn.

Các dự án trọng điểm KBC vẫn đang “gỡ rối”

Về các dự án trọng điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KBC cho hay dự án KCN Tràng Duệ 3 đang trong giai đoạn bổ sung hồ sơ, KBC đã làm 1 phần quan trọng là đền bù.

Còn dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát đang trong quá trình điểu chỉnh quy hoạch và đã san lấp hơn 100ha. Do đó, KBC bắt buộc phải làm lại quy hoạch và điều chỉnh dự án, dự kiến tháng 6/2024 sẽ hoàn thiện. Song song đó KBC sẽ kết hợp để điều chỉnh các khu đô thị sạch, xanh, tuần hoàn.

Ngoài ra, KBC không chỉ đang tập trung thu hút đầu tư FDI vào các tập đoàn công nghệ cao, bán dẫn, chíp điện tử, KBC còn quan tâm đến lĩnh vực y tế và giáo dục. Song song đó mở rộng các KCN có vị trí đắc địa như tại Hải Phòng, Thái Nguyên, Hậu Giang, Tiền Giang, Hải Dương.

Kết thúc ĐHĐCĐ bất thường 2024 lần 1, KBC thông qua kế hoạch 2024 với tổng doanh thu hợp nhất 9,000 tỷ đồng và lãi sau thuế 4,000 tỷ đồng, lần lượt tăng 47% và 80%. Đồng thời, tất cả các tờ trình khác đều được thông qua.

* KBC dự kiến lãi sau thuế 4 ngàn tỷ trong 2024, hủy kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 20%

Thanh Tú

FILI

Các tin tức khác

>   LCG: Giải trình chênh lệch KQKD năm 2023 so với năm trước (28/03/2024)

>   REE: Công bố Báo cáo thường niên 2023 (đính chính) (28/03/2024)

>   DHG: Công bố đường dẫn Báo cáo thường niên 2023 (28/03/2024)

>   DAG: Xin gia hạn thời gian nộp BCTC năm 2023 kiểm toán (28/03/2024)

>   CNG: Báo cáo thường niên năm 2023 (28/03/2024)

>   CHP: Công bố Báo cáo thường niên 2023 (28/03/2024)

>   ACB: Công bố Báo cáo thường niên 2023 (28/03/2024)

>   ABT: Báo cáo thường niên năm 2023 (28/03/2024)

>   HAS: BCTC Hợp nhất năm 2023 (28/03/2024)

>   HAS: BCTC năm 2023 (28/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật