Doanh nghiệp Đức muốn đầu tư phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
Ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức cho rằng, việc gia tăng đầu tư phát triển xanh sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Đức khai thác tiềm năng thị trường của Việt Nam.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức diễn ra tại TPHCM ngày 29/03. Ảnh: VGP
|
Việt Nam là điểm đến “ hứa hẹn” cho các nhà đầu tư Đức
Ngày 29/03, Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp Đức với chủ đề Going International 2024. Theo đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu của doanh nghiệp Đức.
Với Việt Nam, lũy kế đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư 463 dự án với tổng vốn đăng ký lên tới gần 2.7 tỷ USD, đứng thứ 17 trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Trong số khoảng 500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, hơn 100 doanh nghiệp đã và đang tiến hành các hoạt động sản xuất tại đây từ năm 1993 đến nay. Điều này không chỉ phản ánh niềm tin của các doanh nghiệp Đức vào thị trường Việt Nam, mà còn cho thấy Việt Nam đang trở thành một điểm đến hứa hẹn cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng quy mô tại khu vực châu Á.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho biết: "Từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp Đức đã được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan và thuận lợi trong hoạt động nhập khẩu hay thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Xuyên suốt EVFTA là các cam kết của cả Việt Nam và EU nhằm hướng tới tự do và minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. Về phía Việt Nam, các cam kết này đã và đang giúp cho môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư Đức.
Mong muốn đầu tư phát triển kinh tế xanh
Tại diễn đàn, ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức cho rằng, tăng trưởng xanh mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế và doanh nghiệp tại Việt Nam bằng cách thúc đẩy hàng hóa và dịch vụ carbon thấp, khám phá thị trường mới và ủng hộ đối tác trong việc xanh hóa. Doanh nghiệp Đức vốn có lợi thế công nghệ, tài chính xanh và kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh. Do vậy, việc gia tăng đầu tư phát triển xanh sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Đức khai thác tiềm năng thị trường của Việt Nam.
Là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển kinh tế xanh, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại TPHCM (ITPC) cho biết, trong thời gian gần đây, chính sách thu hút đầu tư tại TPHCM có nhiều thay đổi theo hướng tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao, chip, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh...
Thành phố đã hoàn thiện khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030, tầm nhìn 2050, xác định lấy người dân - doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi. Các giải pháp này không chỉ áp dụng cho TPHCM mà còn là hình mẫu thử nghiệm cho 36 tỉnh, thành liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.
Tùng Phong
FILI
|