ĐHĐCĐ REE: Chưa có kế hoạch IPO mảng điện
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 29/03, CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) trình đại hội thông qua kế hoạch tăng trưởng ở cả doanh thu và lợi nhuận, trong đó đẩy mạnh 2 mảng kinh doanh cốt lõi và cơ điện lạnh và bất động sản.
Cụ thể, REE trình đại hội thông qua kế hoạch doanh thu 2024 gần 10.6 ngàn tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện 2023. Lãi sau thuế mục tiêu hơn 2.4 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 10%.
Trong đó, mảng cốt lõi cơ điện lạnh được kỳ vọng doanh thu hơn 3.2 ngàn tỷ đồng, tăng 22%, đồng thời có thể chuyển lỗ thành lãi 166 tỷ đồng (năm 2023, mảng này lỗ 9 tỷ đồng). Bất động sản cũng được kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ với hơn 2.1 ngàn tỷ đồng doanh thu (gấp 2 lần năm trước), cùng 852 tỷ đồng lợi nhuận (tăng gần 52%).
Kế hoạch 2024 của REE
Nguồn: REE
|
Trong khi đó, REE tỏ ra thận trọng hơn với mảng năng lượng và nước, đều đặt mục tiêu giảm lãi. Cụ thể, mảng năng lượng dự kiến đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng doanh thu (tăng 5%) và hơn 1.2 ngàn tỷ đồng lãi sau thuế (giảm 7%); mảng nước sạch & môi trường kế hoạch 145 tỷ đồng doanh thu, gấp hơn 2 lần năm trước, nhưng lãi sau thuế mục tiêu giảm gần 26% còn 240 tỷ đồng.
Mức thù lao năm 2024 trình đại hội là gần 11.3 tỷ đồng cho các Thành viên HĐQT và BKS.
Chi tiết kế hoạch, REE cho rằng tình hình El Nino thể hiện rõ rệt trong 3 tháng đầu năm 2024 và có khả năng duy trì đến tháng 6/2024 sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các hồ thủy điện. Đồng thời, hệ số alpha được điều chỉnh cho các nhà máy thủy điện từ 90% (2023) lên 98% (2024), cùng việc giá trần thị trường điện toàn phần giảm 231.1 đồng/kWh so với năm trước cũng khiến khả năng sản xuất của các nhà máy điện đi xuống. Do vậy, Doanh nghiệp đặt kế hoạch thận trọng cho mảng năng lượng của REE Energy.
REE đánh giá năm 2024 có một số yếu tố tiêu cực khách quan, như kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) vẫn đang được rà soát và hoàn thiện, cơ chế giá mua bán điện chưa hoàn thiện và pháp lý chưa rõ ràng. Do vậy, Doanh nghiệp sẽ tập trung gia tăng danh mục tài sản thêm 100 MW, chủ yếu từ các dự án điện tái tạo. Ngoài ra, sẽ tiếp cận các cơ hội M&A, phát triển dự án mới, mở rộng công suất khi QHĐ8 được hoàn thiện và triển khai.
Với mảng cơ điện lạnh, REE đặt mục tiêu giữ thị phần năm 2024, xác định là năm bản lề để định hình phương hướng kinh doanh, mở rộng lĩnh vực hoạt động, nâng cao cạnh tranh để đón sóng phục hồi của nền kinh tế. Doanh nghiệp đánh giá việc giảm lãi suất vào cuối năm 2023 cùng nỗ lực khai thông tắc nghẽn mảng bất động sản cho thấy khả năng phục hồi phân khúc dự án doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. Do vậy, REE sẽ chọn lọc các dự án thuộc lĩnh vực có ưu thế, ưu tiên tập trung đầu tư công, liên quan các dự án hạ tầng trọng điểm, có vốn ngân sách.
Mảng bất động sản, REE dự kiến sẽ đưa vào khai thác toà nhà e.town 6 trong quý 2, tổng diện tích cho thuê gần 37 ngàn m2, tỷ lệ lấp đầy dự kiến 30%, đóng góp doanh thu cho mảng cho thuê văn phòng. Toà nhà này được nhận định đang đối mặt áp lực cạnh tranh lớn, do nguồn cung văn phòng cao cấp lên tới 120,000m2 diện tích sắp ra mắt tại TPHCM trong giai đoạn 2024-2025, cùng hơn 81,000m2 diện tích nguồn cung văn phòng hạng A hoàn thành trong 2 năm tới.
Đối với mảng phát triển bất động sản, REE dự định ưu tiên phát triển các dự án hiện tại trong năm 2024. Trong đó, Dự án phát triển nhà ở thương mại khu dân cư tại Bồ Xuyên (Thái Bình) cam kết bàn giao vào cuối tháng 3/2024, ghi nhận toàn bộ doanh thu, lợi nhuận trong năm 2024; hoàn thành giải phóng mặt bằng, thủ tục xây dựng với dự án khu dân cư xã Phú Hội (Nhơn trạch, Đồng Nai); triển khai thiết kế, hoàn thành thủ tục xin phép với dự án Công trình thương mại - Cao ốc văn phòng tại Phú Hữu (Thủ Đức).
Cuối cùng là mảng nước sạch, REE đặt mục tiêu đưa mảng này tăng trưởng bền vững, sản lượng nước tăng nhẹ trong năm 2024. Ngoài ra, ở mảng xử lý nước thải, Doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào nhà máy trên địa bàn TPHCM, đồng thời nghiên cứu thêm công nghệ. Tương tự, mảng xử lý rác thải (đốt rác phát điện) cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hướng đến các nhà máy có quy mô công suất từ 2,000 tấn/ngày.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, REE trình ĐHĐCĐ 2024 thông qua mức cổ tức 25% cho năm 2023 (gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu - tương đương phát hành thêm 61.3 triệu cp mới). Năm 2024, mức cổ tức tạm ứng là 10% bằng tiền.
REE nằm trong số các doanh nghiệp được đánh giá cao trong bối cảnh ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam được kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Theo Chứng khoán Vietcap (HOSE: VCI), kiến thức chuyên môn trong ngành và năng lực tài chính vững mạnh của REE sẽ giúp REE mở rộng danh mục điện từ 1,050 MW hiện tại lên khoảng 1.500 MW vào năm 2028.
Ngoài ra, việc thoái vốn khỏi PPC có thể mở ra cơ hội IPO cho REE Green Energy trong dài hạn.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của REE diễn ra sáng 29/03/2024.
|
Một năm kinh tế khó khăn, nhiều chính sách chậm triển khai
Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE chia sẻ, năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều biến động kinh tế thế giới và trong nước. Thứ nhất là địa chính trị, chiến tranh, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy như việc vận chuyển trên biển Đỏ. Việt Nam vì thế chịu ảnh hưởng rất nhiều, giá nguyên vật liệu tăng cao so với trước. Chi phí vận chuyển cũng đã tăng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE
|
Qua đại dịch, sự thay đổi trong cơ cấu làm việc, và xu hướng công nghệ cho phép nhiều bên làm việc từ xa về chi tiêu, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và doanh nghiệp.
Về chính sách, có những chính sách thiếu nhất quán, có thêm các quy hoạch mới nhưng chậm triển khai. Đơn cử là QHĐ8 đã phê duyệt gần 1 năm, nhưng kế hoạch triển khai vẫn chưa thống nhất, giá điện chưa có.
Thủ tục hành chính vẫn gây khó khăn, vẫn chậm, vẫn có sự đùn đẩy giữa các cơ quan, phản hồi cũng rất chậm, gây phiền toái trong hoạt động doanh nghiệp.
Về thuế, không phải ai đóng cũng như ai. Những doanh nghiệp niêm yết như REE khi đã ra báo cáo chuẩn xác thì phải thực hiện các nghĩa vụ, từ thuế cho đến đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Trong đó, có thủ tục hoàn thuế VAT. REE có một dự án điện gió kịp giá FIT, hoạt động và đóng thuế đầy đủ, nhưng thủ tục hoàn thuế thì lại chậm vì nhiều lý do mà theo Chủ tịch REE là “không xác đáng”.
REE xác định phải kinh doanh theo khuôn khổ pháp luật, không vượt khỏi ranh giới; tiếp tục định hình mục tiêu hành trình kinh doanh. Càng lúc khó khăn, càng phải quan tâm điều này để giữ vững vị thế cạnh tranh.
Sản phẩm, dịch vụ của REE xác định hướng đến “xanh”, về chu trình kinh tế tuần hoàn. Mọi hoạt động của REE đang hướng về nó. REE bắt đầu quy trình thoái vốn khỏi PPC, tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực điện sạch, sử dụng năng lượng hợp lý, tiết kiệm nhất.
Các toà nhà xây mới đều đạt chuẩn Lead platinum, đảm bảo câu chuyện phát triển xanh.
Về câu chuyện kinh doanh, bất động sản và xây dựng 2-3 năm gần đây rất khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính. Năm qua, có nhiều sự vụ gây ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của khối tư nhân. Có nhiều dự án đầu tư công, nhưng giải ngân lại hạn chế, như TP.HCM quý 1/2024 đặt mục tiêu giải ngân 10%, thì chỉ làm được 2-3%. Không đạt tiến độ xây dựng thì không thể giải ngân, do năng lực nhà thầu và nhiều lý do khác.
Tỷ lệ nợ nhà thầu cao. Ngay cả REE, nợ phải thu cũng lên tới 1.5 ngàn tỷ.
Bất động sản văn phòng, tại Thủ Thiêm có một số văn phòng bắt đầu hoàn thiện và đưa vào cho thuê, gây cạnh tranh cho văn phòng của REE.
Sau dịch bệnh, xu hướng làm việc và công nghệ cho phép nhiều bên làm việc từ xa. Xu hướng này cũng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại mô hình kinh doanh của mình. REE sử dụng năng lượng tái tạo cho toà nhà, các công nghệ tuần hoàn nước, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp đa quốc gia tới đây làm việc vì họ theo đuổi kinh tế tuần hoàn.
BĐS nhà ở năm qua chưa ghi nhận doanh thu. Nhìn chung, luật đất đai, nhà ở mới năm nay sẽ rất thay đổi, không dễ dàng lấy được đất của dân. REE rất mừng, vì không thể một bên quá lợi, 1 bên thiệt hại được. Quy trình cấp phép cũng đang kéo dài, theo bà Mai Thanh.
Về năng lượng, thuỷ văn năm vừa qua kém hơn. Năm 2023 dự báo có Elnino, nhưng thực tế nó không hoàn toàn xảy ra, chủ yếu là ở miền Bắc. Giá thị trường điện giảm từ 1,602 đồng xuống 1,584 đồng (1.12%), vận hành thị trường điện không nhất quán với sự thay đổi của Qc và hệ số alpha.
Thanh toán tiền điện chậm do EVN thiếu nợ nhà máy cao vì EVN thua lỗ. EVN lỗ, nhưng giá điện lại tăng không tương xứng. Ở đây, dù giá điện tăng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhưng một thực tế là Nhà nước không thể bao tất cả được.
Gần đây có chủ trương từ Bộ Công thương cho phép EVN chủ động tăng giá điện mỗi 3 tháng. Phải hiểu rằng giá đầu vào tăng, giá bán lẻ phải tăng. Mà những sự tăng này đều phải được kiểm toán độc lập từ các đơn vị lớn.
QHĐ8, kế hoạch thực hiện chưa phê duyệt. Cuối quý 1 mới có quy hoạch rõ ràng hơn.
Về nước và môi trường, đây là khối tương đối ổn định. Sản lượng và giá bán theo điều kiện hợp đồng mua bán, nhưng đôi khi chưa áp dụng nhất quán. Ngoài ra, quy trình cấp phép đầu tư rất chậm.
Còn nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh năm 2024
Tổng Giám đốc Huỳnh Thanh Hải tiếp tục trình bày về một số chỉ tiêu có được trong năm 2023. Về mảng điện, ông Hải cho rằng, không còn nhiều room trên thị trường, nên giá mảng điện trên thị trường sụt giảm. Đáng kể nhất là nhu cầu điện giảm vì sản lượng tại các nhà máy FDI đi xuống. Đây là ảnh hưởng lớn, khiến mảng điện không đạt kỳ vọng.
Mảng cơ điện lạnh, REE phải dự phòng nên thua lỗ (do không thu được nợ đúng hạn). Nhiều dự án cũng bị đình trệ dẫn đến nợ nhà thầu.
Về bất động sản, mảng cho thuê văn phòng đạt doanh thu hơn 1 ngàn tỷ, tăng 1.2%, lãi sau thuế tăng 4%, lên 537 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy đi xuống hơn 22%, do nhiều bên trả mặt bằng vì khó khăn kinh tế.
Mảng phát triển bất động sản giảm 60% lợi nhuận, còn 25 tỷ đồng. Dự án bất động sản gặp nhiều vướng mắc về nghiệm thu hạ tầng, xin giấy phép… REE hy vọng sẽ ghi nhận toàn bộ doanh số bán hàng của mảng này vào năm 2024.
Mảng nước và môi trường, sản lượng nước phân phối tăng 5.2%, đạt 281 tỷ đồng. Doanh thu giảm hơn 56%, còn 67 tỷ đồng, còn lãi sau thuế đạt 324 tỷ đồng, thấp hơn 4.4%. Nhìn chung, mảng nước năm qua hoạt động ổn định, đạt lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều khó khăn.
Tổng Giám đốc Huỳnh Thanh Hải
|
Năm 2024, theo TGĐ Huỳnh Thanh Hải, còn một số khó khăn tại các mảng kinh doanh của REE. Cụ thể, các nhà máy thuỷ điện đang đối mặt với tình trạng thiếu nước, đặc biệt ở miền Trung. Miền Bắc hy vọng có nước tốt. Khó nhất là vấn đề vận hành, vì phải tuân theo điều động của BCT và EVN. Hệ số alpha tăng lên tới 98%, nghĩa là chỉ còn 2% để tham gia thị trường. REE được cấp sản lượng Qc hàng tháng (sản lương điện hợp đồng) với hệ số 98%, nghĩa là toàn bộ số này phải theo giá hợp đồng, chỉ dư 2% vào thị trường. Do vậy, dự kiến lợi nhuận mảng điện sẽ đi xuống khoảng 7% trong năm nay. REE cũng đã cố gắng đề xuất với Bộ Công Thương, nhưng chưa có khả quan.
Mảng cơ điện lạnh dự kiến tăng lợi nhuận với các hợp đồng lớn từ nhiều dự án. Tuy vậy, khả năng đến 2025 mới đạt kỳ vọng. Năm nay chủ yếu tập trung vào mua bán, chuẩn bị cho năm sau.
Bất động sản, mảng cho thuê cố gắng duy trì tỷ lệ lấp đầy 97-98%. Đây là điều rất cần cố gắng, vì nhiều bên đã trả mặt bằng. Toà E.town 6 dự kiến cuối tháng 4 đưa vào khai thác. Diện tích cho thuê 36 ngàn ha, cho tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%.
Mảng phát triển bất động sản, mục tiêu bán hết sản phẩm trong năm nay, ghi nhận toàn bộ doanh thu.
Mảng nước, đã đưa vào vận hành dự án Sông Đà, nhưng chưa đàm phán xong giá nước. Giá vẫn là từ trước đây, nên sẽ ghi nhận vào chi phí vận hành cao cho năm nay, dẫn đến lợi nhuận giảm. Các năm sau sẽ tốt hơn, sau khi đàm phán được giá nước.
Thảo luận:
REE có dự định IPO mảng điện hay không?
Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh: Hiện tại thì không. Đó là một khía cạnh thôi. Chúng tôi cần thêm vốn, nhưng cũng chưa có kế hoạch IPO.
Hiện tại, công suất của REE vẫn nhỏ, nếu bỏ nhiệt điện chỉ còn hơn 700 MW, và chúng ta muốn tăng gấp đôi trong giai đoạn tới.
Tiềm năng điện gió lên tới cả trăm GW, để thay thế nhiệt điện cũng cần 20 GW rồi.
Hiệu suất sử dụng điện ở Việt Nam còn thấp, nhỏ hơn Thái Lan, Indo. Việc tăng công suất điện vượt hơn GDP, vì nhiều nhà máy còn sử dụng công nghệ cũ, tiêu thụ rất cao.
Tỷ lệ lấp đầy mảng bất động sản văn phòng cho thuê?
Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh: Năm 2023, chúng ta có tỷ lệ trống khoảng hơn 5%, tương đương 7,000-8,000 m2. Tỷ lệ này tương đương mỗi năm, doanh thu hụt 1.2 triệu USD, là khoảng 30 tỷ đồng. Tính 50% số này là 15 tỷ đồng, vì luôn có tỷ lệ trống. Trung bình, tỷ lệ trống rơi vào khoảng 2%, tức năm qua tăng 3%. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận. 2024 vì thế phải phấn đấu lấp đầy.
Toà Etown.6 hoàn thành chậm hơn các toà nhà trước, nhưng sẽ được xem là “icon” của khu vực etown này, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có vườn cây xanh tầng trệt (không khai thác thương mại tầng này), đảm bảo kinh tế tuần hoàn.
REE có miếng đất khác gần 5,400 m2 bên quận 9, đang trong giai đoạn thiết kế, dự kiến sẽ có diện tích cho thuê văn phòng khoảng 35 ngàn m2. Dự kiến khởi công vào giữa năm 2025, hoàn tất vào 2026, vận hành vào đầu năm 2028.
Về lĩnh vực nhà ở, khu đô thị, đây là lĩnh vực mới của REE, bước vào thông qua đấu giá miếng đất ở Thái Bình. Xây xong hết rồi, nhưng do thời tiết nồm ở miền Bắc vào tháng 3 nên chưa sơn bên ngoài. Nhưng giờ đã có đủ pháp lý bán hàng, cho phép trao giấy sở hữu cho nhà đầu tư ngay lập tức.
Vì sao doanh thu mảng cho thuê dự kiến tăng 3%, lợi nhuận giảm 13.7%?
Chủ tịch Mai Thanh: Dù đã có khách vô, nhưng để ghi nhận doanh thu phải đến quý 3 và quý 4, vì phải cho khách hàng 3 tháng để làm mặt bằng.
Tổng mức đầu tư rơi vào khoảng 1.4 ngàn tỷ đồng. Nếu khấu hao 20 năm, nghĩa là phải khấu hao 70 tỷ mỗi năm. Phải trả lãi ngân hàng nữa, bằng nguồn vốn từ trái phiếu (lãi suất 8%). Lợi nhuận giảm vì như vậy.
Về việc mất cơ hội thi công ở sân bay Long Thành?
Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh: Thực ra việc đàm phán ký hợp đồng tham gia vào sân bay Long Thanh là kéo dài, và chúng ta đã ký được trong tháng 3. Các vị chưa nắm thông tin thôi, chứ thực ra đã có tin vui rồi.
Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) còn kéo dài thời gian thanh toán liên quan đến công nợ của EVN. Trong Tập đoan, các dự án nào chịu ảnh hưởng từ nợ tiền điện từ EVN?
Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh: Khoản nợ của EVN, thường quy định EVN sẽ thanh toán sau 60 ngày khi hóa đơn được chấp nhận, nhưng vừa qua có giai đoạn lên tới 90 ngày. Tùy vào doanh thu nhà máy khác nhau, số nợ EVN giữ lại sẽ nhiều hay ít. Như tại Thủy điện Thác Bà (TBC), doanh thu thấp, phần lớn theo giá hợp đồng, nên nợ trễ hạn cũng không nhiều. Nhưng như VSH, doanh số rất lớn, nợ chậm trả cũng lớn. Tổng nợ đến hạn thanh toán có thời điểm lên tới trên 1 ngàn tỷ.
Năm 2023, mảng nợ thị trường điện EVN giữ lại từ tháng 1 – 5. Cũng có các lý do để EVN giữ lại, nhưng vì các lý do này đã được giải quyết nên EVN cũng cam kết sẽ thanh toán. Khoản nợ tại VSH (chủ yếu ở dự án Thượng Kontum) được kỳ vọng có thể giảm xuống còn 1/2 trong tháng 4.
Thực chất EVN khó khăn về dòng tiền có thể thông cảm. Nhưng nếu không thúc ép thanh toán, EVN cũng không có lý do để thúc ép tăng giá điện bán lẻ, nên đây là một vòng ảnh hưởng. Họ lỗ do mua giá thành cao, mà bán ra lại giá thấp.
Nhà nước đã có thông tư nghị định, các công ty có vốn nhà nước, lợi nhuận làm ra mỗi năm phải trả lại Nhà nước và cổ đông nếu không có dự án đầu tư. Chính nhờ điều này, dòng tiền của REE năm qua cũng rất tốt.
Trong Báo cáo thanh tra Chính phủ về QHĐ7 có 1 số vướng mắc, gồm cả 1 dự án của REE. Ảnh hưởng của sự kiện này như thế nào? Hướng khắc phục ra sao?
Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh: Đó là dự án Phú Là 2. Trong báo cáo, dự án nằm trên khu vực trầm lắng mỏ titanium bên dưới. Thực chất, dự án có giấy phép trước khi có quy hoạch titan. Toàn bộ quá trình xây dựng dự án đều được cấp phép tại địa phương, nên tôi đánh giá đã xây dựng theo đúng khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên khi có quy hoạch titan, nhiều dự án nằm trong quy hoạch này, bao gồm các dự án xây dựng sau đó.
Chúng tôi có thuê một đơn vị đánh giá rủi ro, dự án Phú Là 2 nằm ở “mép” vùng quy hoạch, nên được xem là không quá rủi ro. REE đã tiến hành đúng, thực hiện đúng theo khuôn khổ pháp luật, nên sẽ tiếp tục bảo vệ dự án.
Dự án thuỷ điện Thượng Kontum được đánh giá mang lại hiệu quả ngay khi hoạt động. Dòng vốn đầu tư của dự án là bao nhiêu? Phương án giá điện đang đàm phán?
Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh: Dự án khởi công năm 2011, trao thầu cho một tổng thầu từ Trung Quốc, một tổng thầu có năng lực đào hầm và một nhà thầu khác nữa. Ban đầu nhà thầu tính tiền theo mét tới hoàn thành, nhưng để đào hầm phải làm nhiều công trình phụ. Nhưng khi đào được 20%, họ đòi huỷ vì chi phí quá nặng, và họ cho rằng REE không đủ tiền chi phí. REE chấp nhận huỷ, thu tiền bảo lãnh, nhưng nhà thầu khởi kiện. Ban đầu REE thua, nhưng đã kháng án.
Dự án ngừng 3 năm rồi mới tiếp tục có thể xây dựng, với nguồn vốn 1,000 tỷ từ trái phiếu. Dự án được đánh giá là vô cùng hiệu quả, nhưng vốn bị đội lên rất nhiều.
Châu An
FILI
|