Đẩy mạnh xuất khẩu - một trong ba "chân kiềng" quan trọng của nền kinh tế
Là một trong ba "chân kiềng" quan trọng của nền kinh tế, cùng với đầu tư, tiêu dùng, hoạt động xuất khẩu đã nhộn nhịp trên cả đường bộ và đường biển, báo hiệu sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam.
May hàng xuất khẩu tại công ty may Hồ Gươm, Mỹ Hào, Hưng Yên. (Ảnh: Trần Việt /TTXVN)
|
Ba động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được Chính phủ xác định trong năm 2024 là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Khởi động những ngày đầu Xuân, một trong ba "chân kiềng" về xuất khẩu đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, hoạt động xuất khẩu đã nhộn nhịp trên cả đường bộ và đường biển báo hiệu sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam.
Tiếp đà thành công từ năm 2023 với 35 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ giao hàng.
Trên cơ sở phân tích về tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, trong phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với khí thế mới, xung lực mới ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng và đặc biệt, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới như UAE, châu Phi, Mỹ La tinh; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Các doanh nghiệp cũng đổi mới sản xuất, bám sát nhu cầu tiêu dùng cũng như cập nhật công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Linh kiện điện tử, dệt may với đột phá mới
Những tín hiệu vui báo hiệu một năm thuận buồm xuôi gió khi ngay trước thời khắc chuyển giao năm cũ, Tân Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trong đêm phát lệnh làm hàng đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tối 9/2 (tức 30 Tết), cảng đón 7 chuyến tàu container, lô hàng được xếp lên tàu Uni Perfect của hãng tàu Ever Green tải trọng 19.308 tấn, sức chở gần 1.618 teu là lô hàng sản phẩm linh kiện điện tử. Tổng sản lượng xếp dỡ khoảng 7.500 teus (tương đương 105.000 tấn hàng).
Thống kê cho thấy trong tháng 2/2024, mảng điện thoại, linh kiện tiếp tục thể hiện là điểm sáng nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,58 tỷ USD, tăng hơn 66% so với tháng 1.
Bộ Công Thương nhìn nhận nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới.
Công ty TNHH Sankoh Việt Nam góp phần tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan...
Đặc biệt, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác có tiềm năng của EU như Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia…. Đồng thời, mặt hàng này cũng tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Với việc tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới, từ đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện sẽ tạo nên doanh thu kỷ lục trong những năm tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam tháng 9/2023, tuyên bố chung của Việt Nam và Mỹ cho thấy, hai bên sẽ hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực khoa học-công nghệ.
Ngành bán dẫn của Việt Nam được cho là đang đứng trước cơ hội thu hút dòng vốn lớn từ Mỹ, trong bối cảnh hai nước vừa xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Là một trong 4 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong tháng 2/2024, dệt may Việt Nam cũng có sự khởi đầu thuận lợi và tiếp tục đường đua xuất khẩu.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy mặt hàng này đã lọt Top 4 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 28,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả đó là nhờ sự phục hồi của doanh nghiệp từ cuối năm 2023 khi đơn hàng dần tăng trở lại bởi nhu cầu may mặc dịp lễ, Tết.
Nhận định từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho thấy, hiện nay, thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như Canada, Australia, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. Vì thế, Vinatex sẽ tiếp tục tiến hành liên kết doanh nghiệp sản xuất sợi, dệt, vải để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, tới đây May 10 sẽ chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng.
Bên cạnh đó, May 10 tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn và hợp lý; tập trung phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm... để làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh.
Nông sản Việt đón tin vui
Mở hàng cho những đơn hàng mới, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết Công ty vừa giao xong lô gạo thơm đi EU và mới có đơn hàng xuất khẩu sang Malaysia. Vì vậy, trong ngày 17/2, công ty phải đóng 30 container và ngày 19/2 (tức ngày mùng 10 Tết) đã đóng tiếp 20 container nữa là đủ hơn 1.000 tấn gạo cho Malaysia.
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Thống kê cho thấy năm 2023, xuất khẩu gạo sang khối thị trường EU đạt gần 104.000 tấn gạo, cao hơn con số hạn ngạch là 80.000 tấn/năm với giá trị thu về 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Hiện tại, 1 tấn gạo hữu cơ xuất khẩu vào châu Âu có giá hơn 1.500 USD/tấn. Không chỉ bán giá cao mà hạt gạo Việt Nam còn định vị được thị trường khi chủ động quyết định bán cho ai và bán với mức giá nào.
Là một trong những điểm sáng của bức tranh xuất khẩu, nhiều khả năng trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ tăng thêm 30%. Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm xuất khẩu của sầu riêng và giá mặt hàng này khả năng duy trì ở mức tốt bởi dư địa tại thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, nguồn cung các nước như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia... dù tăng nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu của quốc gia tỉ dân này.
Cùng đó, các loại trái cây đặc sản khác như xoài, chuối, thanh long, dừa tươi... cũng đón nhận tin vui khi có nhiều đơn hàng ngay trong tháng đầu năm lên đường đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia...
Khởi động cho những đơn hàng năm mới, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu càphê nông sản Meet More cho hay ngày 15/2 vừa qua, Meet More đã đưa hàng ra cảng Cát Lái xuất khẩu đến thị trường Australia.
Cụ thể, 2 container loại 40 feet, mỗi container chứa khoảng 18 tấn càphê nông sản các loại như càphê nhàu, càphê khoai môn, càphê xoài, càphê muối… sẽ cập bến tại Australia khoảng 18 ngày sau đó. Ngoài ra, đơn vị cũng đang khẩn trương làm 1 container đi vào thị trường Hoa Kỳ ngay trong tháng này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, những đơn hàng đều được ký kết cuối năm 2023 và đầu năm 2024, sau đó xuất khẩu ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện nay, công nhân đã trở lại nhà xưởng, bắt tay vào hoàn thành đơn hàng để kịp tiến độ giao hàng.
Đối với xuất khẩu thủy sản, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Đáng lưu ý, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng từ 10-15% so với năm 2023, nhất là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.
Trong khi ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu có diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Cân bằng, đa dạng thị trường
Dự báo từ giới phân tích cho thấy, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư không đồng đều, rủi ro gia tăng. Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu đạt mục tiêu kế hoạch 6% đề ra trong năm 2024 rất cần vai trò quan trọng của xúc tiến thương mại và hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng với doanh nghiệp.
Giới phân tích cũng lưu ý việc cân bằng và đa dạng hóa giữa thị trường, khách hàng và chủng loại sản phẩm cung ứng để duy trì khách hàng và thị trường truyền thống; tránh “bỏ trứng vào 1 giỏ” khi thị trường gặp khó khăn. Hơn nữa, doanh nghiệp cần ở tâm thế sẵn sàng để đón cơ hội cũng như linh hoạt ứng phó thách thức với chính sách phù hợp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận định xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới. Vì vậy, ông Lâm đề xuất các cơ quan chức năng cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.
Để đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng ngân sách quốc nội (GDP) khoảng 6-6,5%, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay ngành công thương xác định việc đẩy mạnh xuất khẩu tiếp tục là chân kiềng quan trọng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện những mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có sự khó khăn và thách thức. Do đó, Bộ Công Thương sẽ chú trọng đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động tham mưu khai thác cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn.
Việc này nhằm đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là những lĩnh vực nước ta đang có nhu cầu, lợi thế.
Chẳng hạn như công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, khai thác chế biến khoáng sản, chip và chất bán dẫn.
Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường thực thi hiệu quả giải pháp kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước để phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.
Mặt khác, Bộ cũng tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên. Hơn nữa, tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp những FTA với đối tác còn tiềm năng ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ....
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu bền vững./.
Uyên Hương
Vietnamplus
|