Dầu khí quý 4: Đi xuống từ nền cao
Kết thúc quý 4, nhóm ngành xăng – dầu – khí đa phần đón nhận kết quả sụt giảm. Theo thống kê từ VietstockFinance, trong số 34 doanh nghiệp trong ngành công bố BCTC, có 12 cái tên báo lãi tăng trưởng, 12 doanh nghiệp báo lãi giảm, và tới 10 “gương mặt” thua lỗ.
Nhóm ông lớn bước xuống từ nền cao, vượt xa kế hoạch năm
Nhóm 4 ông lớn trong ngành - gồm PLX, OIL, GAS và BSR, chỉ mình BSR đón nhận kết quả tích cực.
Kết quả quý 4 của các ông lớn ngành xăng - dầu - khí
|
Cụ thể, BSR có quý thứ 2 liên tiếp báo lãi tăng, đạt gần 2.3 ngàn tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý 4/2023, tăng trưởng 52%. Nguyên nhân đến từ sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng cao hơn so với cùng kỳ, kéo lợi nhuận quý 4 đi lên.
Tình hình kinh doanh của BSR |
|
Trong khi đó, PVGas (GAS) và Petrolimex (PLX) đồng loạt giảm lãi. GAS đạt 2.7 ngàn tỷ đồng lợi nhuận ròng, đi lùi 16%, còn PLX giảm mạnh tới 45%, lãi ròng chỉ 641 tỷ đồng.
GAS cho biết, việc giá dầu trong quý 4 giảm 5% so với cùng kỳ, cùng sản lượng khí khô tiêu thụ giảm tới 43% đã khiến kết quả kinh doanh trong kỳ đi xuống. Đối với PLX, các lĩnh vực kinh doanh khác gặp nhiều khó khăn (đặc biệt là 2 mảng chiếm tỷ trọng lợi nhuận lớn là kinh doanh nhiên liệu bay cùng vận tải thủy), bị giảm lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá, và không còn thu nhập từ thanh lý tàu biển như quý 4/2022 là các lý do được đưa ra.
OIL thậm chí còn lỗ ròng, nhận khoản lỗ 52 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 234 tỷ đồng) do phải chịu tổn hại từ việc giá dầu giảm sâu trong kỳ.
OIL là cái tên thua lỗ duy nhất trong nhóm 4 ông lớn ngành xăng - dầu - khí |
|
Lũy kế cả năm, bức tranh kinh doanh của nhóm này cũng tương tự, chỉ thay đổi về vị thế. PLX từ chỗ giảm mạnh trong quý 4 nhưng tăng tới 94% lợi nhuận lũy kế so với năm trước, đạt 2.8 ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, cần lưu ý kết quả này thực chất nhờ khoản lãi khủng từ việc thoái vốn khỏi PGB trong quý 3.
Ngoại trừ Petrolimex, 3 cái tên còn lại đều chứng kiến lợi nhuận đi xuống trong năm 2023
|
3 cái tên còn lại – gồm OIL, GAS và BSR đều báo lãi năm sụt giảm. OIL giảm 11% lãi ròng 2023, còn 577 tỷ đồng. GAS và BSR giảm lần lượt 22% và 42%, tương ứng đạt 11.6 ngàn tỷ đồng và 8.5 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự đi xuống của GAS và BSR này phần lớn do mức nền quá cao của năm cũ, thời điểm 2 doanh nghiệp đạt kỷ lục về lợi nhuận. Ngoài ra, do đã dự báo trước và đặt mục tiêu khiêm tốn, kết quả của 4 ông lớn đều vượt xa kế hoạch năm. Trong đó riêng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, PLX vượt 22%, OIL vượt 31%, GAS vượt 80%, và BSR thậm chí vượt tới 5 lần kế hoạch.
Phân hóa
Kết quả kinh doanh của nhóm xăng – dầu – khí trong quý 4/2023
|
Nhóm doanh nghiệp còn lại, kết quả quý 4 có sự phân hóa rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp lãi hàng trăm tỷ, mức tăng tính bằng lần. Mặt khác, cũng có những cái tên thua lỗ nặng nề.
Nổi bật trong nhóm tích cực là PVD. Trong quý 4, đơn vị khoan dầu của PVN lãi “đậm” với 195 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Mức lãi này cũng góp phần giúp bức tranh kinh doanh lũy kế của PVD sáng hơn rất nhiều so với năm thua lỗ trước đó. Doanh nghiệp kết năm bằng 579 tỷ đồng lãi ròng (năm trước lỗ 103 tỷ đồng), cũng là năm đạt lợi nhuận cao nhất của PVD từ sau năm 2015.
PVD có năm đạt lợi nhuận cao nhất kể từ sau 2015 |
|
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu COM (Comeco) cũng có kỳ kinh doanh tốt với lãi ròng 19 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.5 tỷ đồng), chủ yếu nhờ lãi gộp tăng và hoàn nhập dự phòng rủi ro môi trường. Lũy kế cả năm, COM lãi ròng 34 tỷ đồng, gấp 27 lần năm trước, và vượt 30% kế hoạch lợi nhuận được ĐHĐCĐ 2023 thông qua.
Ngược lại, có những cái tên đi lùi sâu. Như PGD “rơi” 56% lợi nhuận, còn 68 tỷ đồng trong quý 4. Doanh nghiệp cho biết, các khách hàng trong kỳ đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đặc biệt là nhóm liên quan đến bất động sản (gạch men, sắt thép, vật liệu xây dựng…) đã khiến doanh thu giảm sút. Trong khi đó, bức tranh kinh tế toàn cầu chịu áp lực từ lạm phát cao, cùng biến động địa – chính trị làm giá vốn tăng theo thị trường nhiên liệu cũng là nguyên nhân gây tác động mạnh đến kết quả kinh doanh.
PGD chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý 4 |
|
“Trùm xăng dầu” TLP (Thanh Lễ) cũng chỉ đạt 63 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 4, thấp hơn cùng kỳ 53%, với nguyên nhân chủ yếu từ việc doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ. Tuy vậy, 2023 vẫn là năm tăng trưởng mạnh của TLP khi thu lời tới 159 tỷ đồng, gấp 4.6 lần năm trước, cũng là năm đạt lợi nhuận cao nhất kể từ 2013 tới nay.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh cùng khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình giảm sút là nguyên nhân khiến PVS giảm gần 1/2 lợi nhuận tại quý 4, đạt 286 tỷ đồng. Mức giảm này cũng khiến thành quả cả năm của Doanh nghiệp đi xuống, với 866 tỷ đồng lãi ròng (giảm 12% so với 2022). Dẫu vậy, đây vẫn có thể xem là năm thành công của đơn vị này, khi vượt tới 61% kế hoạch lãi sau thuế từ ĐHĐCĐ 2023.
Một số cái tên thậm chí còn thua lỗ. Nặng nhất là “đại gia xăng dầu miền Tây” PSH, lỗ ròng tới 221 tỷ đồng (cùng kỳ lời 42 tỷ đồng). Doanh nghiệp giải thích do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn hàng bán. Nguyên nhân khác là chi phí lãi vay tăng cao cùng khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá. Tuy vậy, cũng cần ghi nhận rằng doanh thu trong quý 4 sụt giảm mạnh tới 67%, còn 734 tỷ đồng cũng là một phần lý do khiến PSH thua lỗ trong kỳ.
Khoản lỗ quý 4 kéo thành quả cả năm của PSH đi xuống |
|
Lũy kế cả năm, PSH vẫn thu lời gần 57 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 237 tỷ đồng), nên có thể xem đây là một năm kinh doanh không tệ của đại gia xăng dầu miền Tây. Bên cạnh đó, dù phải nhận án cưỡng chế thuế tới hơn 1 ngàn tỷ đồng, Doanh nghiệp mới đây đã đón tin vui khi ký kết hợp tác nhận tài trợ tín dụng tới 720 triệu USD với Tổ chức tài chính Acuity Funding (Úc). Một phần không nhỏ trong số tiền này sẽ được giải ngân để PSH xử lý các khoản nợ tồn đọng (ngân hàng, thuế), góp phần giải quyết nhiều vấn đề trước mắt của Doanh nghiệp.
Kỳ vọng gì cho 2024?
Theo MBS nhận định, giá dầu năm 2024 khó vượt mốc 90 USD/thùng. Dự phóng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ dựa trên kịch bản giá dầu trung bình năm 2024 là 85 USD/thùng và ước tính giá dầu trung bình 2023 là 82 USD/thùng.
Đối với mảng khai thác dầu khí, chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn được quan tâm nhiều nhất và nhận rất nhiều kỳ vọng. MBS cho rằng, quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án này chưa thể được phê duyệt trong năm 2023 mà dời sang nửa đầu 2024, nhưng các động thái trao thầu hạn chế để thực hiện một phần công việc trước khi có FID đã cho thấy phần nào nỗ lực đàm phán của các bên liên quan.
Các thông tin về quyết định đầu tư gần nhất hứa hẹn đem lại nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp khu vực thượng nguồn dầu khí, như PVS. Ngoài ra, PVD dù có định hướng cho thuê các giàn khoan tự nâng tại nước ngoài đến hết năm 2024, MBS cho rằng doanh nghiệp vẫn sẽ hưởng lợi từ các dự án trên nhờ đảm nhận khối lượng công việc liên quan đến dịch vụ khoan dầu khí giai đoạn sau 2024.
Đối với nhóm lọc dầu, số liệu vĩ mô trong các tháng gần đây không quá khả quan, đi kèm với cầu tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu không cao như dự kiến và crack spread các sản phẩm này thấp hơn kỳ vọng ngay cả khi nguồn cung thắt chặt. MBS dự phóng các loại crack spread tham chiếu thấp hơn 5% so với dự báo trước đó. Lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn mảng lọc hóa dầu cũng sẽ bị ảnh hưởng, giảm bớt phần tích cực so với các dự phóng trước đây.
Châu An
FILI
|