Cổ phiếu Vihafood sắp ra khỏi diện cảnh báo
Mới đây, HNX quyết định đưa cổ phiếu Vihafood ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 13/03/2024 sau khi được kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với BCTC năm 2023.
Một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm gạo của FHN. Nguồn: FHN
|
Cụ thể, quyết định này được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra trên cơ sở xem xét BCTC năm 2023 của CTCP Xuất Nhập khẩu Lương thực Thực phẩm Hà Nội (Vihafood, UPCoM: FHN), theo đó đã được Công ty TNHH Kiểm toán VACO chấp nhận toàn phần.
Đến nay vừa tròn một năm kể từ khi HNX đưa cổ phiếu FHN vào diện cảnh báo do BCTC năm của tổ chức này nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên theo quy định.
Theo BCTC từ năm 2020-2022 của FHN, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với 2 vấn đề. Đầu tiên, giá trị các bất động sản do Công ty nhận được từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh phát sinh từ năm 2020 trở về trước, số tiền hơn 53 tỷ đồng nhưng chưa được ghi nhận là thu nhập tại thời điểm nhận bàn giao mà được ghi nhận trên mục “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn” và thực hiện phân bổ vào thu nhập khác theo thời gian sử dụng hữu ích ước tính của tài sản.
Giải trình về việc này, FHN cho biết, thực tế tại các thời điểm nhận bàn giao bất động sản, Công ty không có dòng tiền để ghi nhận vào thu nhập và chia cổ tức.
Do đó, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng trong kế toán, FHN ghi nhận giá trị của các bất động sản nhận bàn giao vào khoản mục “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn” và được phân bổ vào thu nhập khác theo thời gian sử dụng hữu ích ước tính của các tài sản (từ 25 – 40 năm), bởi Công ty nhận được sản phẩm là nhà cửa, vật kiến trúc là tài sản cố định, không nhận giá trị bằng tiền.
Đồng thời, toàn bộ giá trị của các bất động sản nhận được, FHN đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định và được biên bản thanh tra thuế năm 2021 xác nhận.
Vấn đề thứ 2 cũng gần tương tự, liên quan đến giá trị lợi thế khai thác quyền sử dụng đất góp vốn vào CTCP Phân phối – Bán lẻ VNF1, số tiền hơn 14 tỷ đồng chưa được Công ty ghi nhận vào thu nhập tại thời điểm góp vốn mà được trình bày trên khoản mục “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn”.
Ông Nguyễn Văn Hương, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Phân phối - Bán lẻ VNF1 phát biểu trong buổi lễ khai trương Trung tâm Phân phối và Bán hàng lương thực online tại thành phố Tuyên Quang. Nguồn: Vinafood1
|
FHN cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2022, Phân phối – Bán lẻ VNF1 lỗ lũy kế 76 tỷ đồng và chưa năm nào chia cổ tức cho các cổ đông, đồng thời Công ty đã phân bổ một phần lợi thế khai thác bất động sản này vào thu nhập số tiền 7.8 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho rằng số dư 6.3 tỷ đồng về lợi thế khai thác bất động sản tại khoản mục “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn” cuối năm 2022 sẽ được dùng để bù đắp với chi phí dự phòng khoản đầu tư tài chính tương ứng với tỷ lệ góp vốn vào Phân phối – Bán lẻ VNF1 các năm tiếp theo, để đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh thường niên của đơn vị và quyền lợi của cổ đông. Đồng thời, FHN cũng đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định đối với khoản góp vốn này.
Tuy nhiên, trên BCTC năm 2023 của đơn vị này hiện đã thực hiện điều chỉnh hồi tố, qua đó ghi nhận toàn bộ phần giá trị còn lại của lợi thế khai thác quyền sử dụng đất góp vốn vào Phân phối – Bán lẻ VNF1 và giá trị còn lại của bất động sản nhận được theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh của các năm về trước vào "Lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối năm trước".
FHN cũng đã từng nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục thuế thành phố Hà Nội hồi tháng 10/2021 do khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Khi đó Công ty bị xử phạt 7.8 triệu đồng tiền thuế TNDN đồng thời bị yêu cầu nộp đủ số tiền thuế 39.1 triệu đồng bị thiếu cùng 3.2 triệu đồng tiền chậm nộp.
Chi tiết điều chỉnh hồi tố trên BCTC năm 2023 của FHN. Nguồn: FHN
|
Tử Kính
FILI
|