Chủ tịch VINA SME: "Giờ lãi suất đã hạ, tại sao nợ cũ vẫn giữ nguyên lãi suất cũ?"
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINA SME) đã có những chia sẻ về khó khăn của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa
|
Ông Thân chia sẻ: "Chúng tôi có một liên kết chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Gần 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc vào nguồn vốn rất lớn, có thể nói là số một. Nhưng có thể đánh giá rất cao Ngân hàng Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề này".
Vì vậy, ông kiến nghị: Thứ nhất, dứt khoát phải giải quyết bài toán thừa tiền, ngân hàng thừa tiền mà không cho vay được mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn có tiền để vay mà không vay được.
Theo ông Thân, đây là một mâu thuẫn đã được đề cập đến trong rất nhiều hội nghị rồi. NHNN cũng họp với Hiệp hội rất nhiều rồi nhưng vẫn chưa có giải pháp. Ông Thân cho rằng, việc hạ thấp điều kiện cho vay là không thể, vì điều này vi phạm luật quốc tế, vi phạm đảm bảo an toàn đồng vốn, cho nên phải tìm phương pháp khác.
Thứ nhất, ngân hàng không phải là cơ quan duy nhất có thể để cho doanh nghiệp vay. Theo ông Thân, chúng ta có rất nhiều nguồn, ví dụ chính sách tài khóa của Việt Nam hiện nay có những gói cho vay 1%. Đại diện VINA SME đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể phát huy tối đa hiệu quả của những gói này. Có như vậy doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung mới có thêm những nguồn để tiếp cận vốn.
Thứ hai là các quỹ, đây là công cụ ý nghĩa để có thể giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ kiều kiện vay vốn ngân hàng. Ông Thân đề nghị phải phát huy tối đa các quỹ này để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ví dụ Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ sáng tạo, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ…
Ông đánh giá rất cao Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách. Do đó, Chủ tịch VINA SME đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phối hợp với ngành ngân hàng, Bộ Tài chính để hoàn thiện thể chế pháp lý cho vấn đề này.
Về lãi suất cho vay, ông Thân đề nghị ngành ngân hàng phải tăng cường kiểm tra; thành phần Ban kiểm tra nên có thêm đại diện các hiệp hội, ví dụ Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hiệp hội có liên quan cùng tham gia thành viên trong Ban kiểm tra; kết quả kiểm tra cần được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Về nợ cũ của doanh nghiệp, "giờ lãi suất đã hạ, tại sao nợ cũ vẫn giữ nguyên lãi suất cũ? Tôi là người tiên phong đi vay, giờ tôi vẫn phải chịu nợ cũ? Đáng lẽ tôi phải được hưởng ngay lãi suất mới", ông Thân nêu vấn đề và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp "rắn", để các ngân hàng điều chỉnh các khoản nợ cũ của doanh nghiệp xuống bằng mức mới.
Thứ ba, về kích cầu tiêu dùng, ông Thân cũng đề nghị sớm có giải pháp triển khai phát triển kinh tế ban đêm để vừa phát triển du lịch, vừa tăng sự hấp thụ từ nội địa.
Cuối cùng, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đề nghị các ngân hàng kiểm tra chặt chẽ việc cho vay của các chi nhánh, không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho khách hàng.
Hà Lễ
FILI
|