Bị đồn đóng cửa vì doanh số liên tục giảm, nhà sách Fahasa đang kinh doanh ra sao?
Bị tung tin thất thiệt về việc đóng cửa vì doanh số giảm, lãnh đạo nhà sách Fahasa cho rằng hành động này nhằm câu view của một số tài khoản mạng xã hội. Vậy thực tế hoạt động kinh doanh của Fahasa những năm qua ra sao?
Một số thông tin đăng tải nhà sách đóng cửa trên Facebook. Nguồn: FHS
|
Hành vi tung tin lừa đảo
Ngay sau đó, CTCP Phát hành Sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa, UPCoM: FHS) lên tiếng đính chính thông tin sai lệch này.
Trong thông báo phát đi ngày 03/03, FHS tuyên bố đây là hành vi tung tin lừa đảo với mục đích thu hút người xem trang để dẫn đến quảng cáo những hoạt động khác của cá nhân chủ các tài khoản mạng xã hội này.
FHS cảnh báo rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Công ty, đồng thời cho biết sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp bao gồm báo cáo đến các cơ quan quản lý Nhà nước và công an.
“Công ty Fahasa thông qua thông báo này chính thức thông tin đến quý khách hàng, đối tác, nhà cung cấp,… về việc hiện nay Công ty Fahasa vẫn đang và sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, tình hình kinh doanh những tháng đầu năm 2024 có kết quả tốt, doanh thu tăng trưởng, hệ thống 120 nhà sách trên toàn quốc liên tục phục vụ đông đảo khách hàng” - thông cáo của FHS cho hay.
Sáng 11/03 , FHS đã có buổi thông tin về tình hình hoạt động của Công ty, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Thuận nhận định các hành vi giả mạo, đăng tải thông tin sai sự thật "không cố tình chống phá Fahasa" nhưng lợi dụng vào uy tín, chất lượng của doanh nghiệp để câu “like, view” nhằm trục lợi vào các mục đích khác.
FHS tổ chức buổi gặp mặt về tình hình hoạt động của Công ty. Nguồn: FHS
|
Lãi ròng cao kỷ lục, mỗi ngày thu 11 tỷ đồng
Dù kinh tế khó khăn, FHS vẫn khép lại năm 2023 bằng khoản lãi ròng kỷ lục 56 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022 trong khi doanh thu đi ngang. Đơn vị chủ nhà sách Fahasa ghi nhận 4 ngàn tỷ đồng doanh thu, tương đương 11 tỷ đồng/ngày. Biên lãi gộp năm 2023 lên tới 24.6%, tiếp tục được cải thiện so với năm trước đó, đồng thời cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Lãi ròng của FHS từ năm 2013 đến nay |
|
Giải thích về điều này, FHS cho biết nhờ khai thác được nhiều hàng hóa mới từ các nhà cung cấp trong và ngoài nước, tổ chức các chương trình kinh doanh hiệu quả cùng việc quản trị tốt chi phí hoạt động giúp gia tăng lợi nhuận.
Nhìn lại thập niên qua, lãi ròng FHS liên tục tăng trong giai đoạn 2013 – 2023, đến nay đã gấp 4 lần so với thời điểm 10 năm trước dù bị chững lại trong hai năm 2020 và 2021 do đại dịch COVID-19, tương đương mức tăng trưởng bình quân gần 15%/năm. Trong giai đoạn này doanh thu tăng 167%, từ khoảng 1.5 ngàn tỷ đồng lên 4 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên biên lãi ròng từ mảng phát hành, kinh doanh sách vẫn rất thấp, chỉ quanh quẩn ở mức 1% do chi phí bán hàng lớn, trong đó dành hơn một nửa cho nhân viên bán hàng.
Đơn cử trong năm 2023, FHS chi 848 tỷ đồng cho chi phí này, chiếm hơn 86% con số lãi gộp. Đồng nghĩa, 100 đồng kiếm được sau khi trừ giá vốn thì phải chi 86 đồng cho hoạt động bán hàng. Tỷ trọng này cũng đang ở mức thấp trong nhiều năm qua phần nào nói lên hoạt động kinh doanh đang mang lại hiệu quả nhất định.
Năm 2023, lợi nhuận kỷ lục giúp FHS đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức cao, gần 30% và liên tục đi lên trong 2 năm gần nhất, đồng thời vượt trội hơn giai đoạn 10 năm trước đây (trung bình dưới 20%).
Lãi gộp và chi phí bán hàng của FHS từ năm 2013 đến nay |
|
Mô hình kinh doanh của FHS tập trung gần như toàn bộ vào tài sản ngắn hạn, chiếm gần 94% tổng tài sản, ghi nhận 1.3 ngàn tỷ đồng cuối năm 2023. Đối ứng với số tài sản này ở bên kia bảng cân đối chủ yếu tập trung vào 1 ngàn tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, chiếm 83% tổng nợ.
Một nửa tài sản ngắn hạn đến từ hàng tồn kho (697 tỷ đồng). Phần lớn còn lại là dành cho đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (435 tỷ đồng).
FHS hầu như không đi vay nợ hoặc vay rất ít. Trong 10 năm qua, đơn vị chủ nhà sách Fahasa chỉ vay nhiều nhất khoảng hơn 20 tỷ đồng năm 2019, không đáng kể nếu so với doanh số thu được.
Vay và trả nợ của FHS từ năm 2013 đến nay |
|
Quy mô vượt xa đối thủ, liên tục mở thêm nhà sách mới
Được thành lập từ những năm 70, đến nay Fahasa vẫn duy trì là chuỗi nhà sách lớn nhất với mạng lưới sở hữu 120 cửa hàng tại hầu hết tỉnh thành trên toàn quốc. Quy mô về chuỗi cũng như doanh số của FHS cũng vượt xa các đối thủ. Chẳng hạn, CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) đơn vị chủ quản của nhà sách Phương Nam chỉ đang có khoảng gần 50 nhà sách (thống kê từ website) cùng doanh thu và lãi ròng năm 2023 lần lượt 660 tỷ đồng và 11.7 tỷ đồng.
Hay CTCP Mỹ thuật và Truyền thông (HNX: ADC) sở hữu chuỗi 12 cửa hàng ADCBook, chủ yếu tại Hà Nội (thống kê từ website). Doanh thu cả năm 2023 của ADC bằng 1/10 FHS, khoảng 431 tỷ đồng cùng mức lãi 14.2 tỷ đồng.
Hiện tại, đơn vị trực thuộc của FHS gồm Trung tâm sách Nguyễn Huệ, Trung tâm sách Xuân Thu, Trung tâm sách Phú Nhuận, Trung tâm sách Gia Định, Trung tâm sách Fahasa Hà Nội, Trung tâm thương mại điện tử fahasa.com, Trung tâm Công nghệ, Xí nghiệp In – VPP – bao bì.
CTCP Văn hóa Thương mại Bình Dương, công ty con do FHS nắm 74.04% vốn cũng sở hữu 11 nhà sách, tập trung phần lớn ở Bình Dương, Tây Ninh…
Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Thuận tại buổi khai trương nhà sách Fahasa Kiên Giang ngày 06/03 mới đây. Nguồn: FHS
|
Đến cuối năm 2023, cổ đông lớn nắm lên tới 74% vốn của FHS, riêng ông Thuận đang nắm 37.8%; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Thu Huyền sở hữu 5.15%.
Ngoài ra, 30.5% vốn được quản lý bởi Nhà nước thuộc Tổng Công ty Văn Hóa Sài Gòn, trong đó Thành viên HĐQT Phạm Thị Thu Ba đại diện 15%, Thành viên HĐQT Phạm Thanh Việt đại diện 14.5%.
Bản đồ hệ thống chuỗi nhà sách Fahasa. Nguồn: FHS
|
Tử Kính
FILI
|