Thứ Hai, 25/03/2024 11:02

Bán đất bán xe để sinh tồn, tài sản của Garmex còn lại gì?

Thanh lý, nhượng bán các tài sản là một trong những cách mà Garmex Sài Gòn đang “gồng mình” để duy trì hoạt động. Vấn đề được các đầu tư quan tâm là tài sản của thương hiệu may mặc gần 50 tuổi này còn những gì?

Trước lựa chọn mang tính "sống còn” do tình hình không có đơn hàng, CTCP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) đã quyết định cắt giảm nhân sự, thu hẹp hoạt động, tiết giảm chi phí để giảm thiểu thiệt hại. Trong “tâm thư” mới công bố, Garmex thừa nhận từ tháng 5/2023 đến nay, Công ty đã tạm ngừng sản xuất, kinh doanh chính, bao gồm sản xuất may trang phục và tủ vải. 

Garmex Sài Gòn tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp May TPHCM, ra đời năm 1976, vốn là một doanh nghiệp quốc doanh và cổ phần hóa năm 2004. Giai đoạn cổ phần hóa của Garmex Sài Gòn cũng chính là thời kỳ vàng son của ngành dệt may Việt Nam, đón cơ hội sau khi hiệp định thương mại song phương với Mỹ có hiệu lực từ 2001.

Nhờ đó, GMC nhanh chóng vươn lên trở thành đơn vị dệt may xuất khẩu hàng đầu tại TPHCM. Tập trung phát triển sau cổ phần hóa, Công ty mở rộng mạng lưới với 9 xí nghiệp gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên, Tân Phú, Tân Xuân, len Bình Tân, giặt Bình Chánh (TPHCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.

Khác với nhiều doanh nghiệp chủ yếu may theo phương thức CMT (chỉ thực hiện cắt may và nhận phí gia công), GMC đã sớm chuyển đổi sang phương thức FOB cấp 1 (mua nguyên liệu từ nhà cung cấp do bên đặt hàng chỉ định, cắt may và chuyển trả lại thành phẩm).

Tại thời điểm cổ phần hóa năm 2004, doanh thu của GMC gồm 40% may theo phương thức CMT và 60% may theo phương thức FOB cấp 1. Sau đó, Công ty đã từng bước gia tăng tỷ trọng FOB cấp 1, giảm tỷ trọng CMT trong cơ cấu doanh thu. Đến năm 2015, GMC chỉ may theo phương thức FOB cấp 1.

Doanh thu của GMC chủ yếu từ các thị trường xuất khẩu (chiếm trên 90% doanh thu qua các năm), nội địa chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Sản phẩm chủ lực của Công ty là áo khoác, quần áo thể thao… xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và EU.

Giai đoạn 2012 - 2017, dù tốc độ tăng trưởng doanh thu chững lại do tình hình đơn từ 2 khách hàng lớn (Columbia và Decathlon) giảm, Công ty vẫn thu đều đặn trên 1 ngàn tỷ đồng/năm.

Thời kỳ đỉnh cao năm 2018, doanh thu của GMC tăng mạnh 27% so với năm 2017 và lần đầu vượt mốc 2 ngàn tỷ đồng - cao nhất lịch sử hoạt động, nhờ các khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do lo ngại ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại.

May theo phương thức FOB cấp 1 nên GMC sẽ mua vải từ nhà cung cấp do bên đặt hàng chỉ định. Do đó, lợi nhuận gộp của Công ty không phụ thuộc vào biến động giá vải trên thị trường, mà GMC và bên đặt hàng sẽ thỏa thuận trước một mức biên lợi nhuận theo phần trăm trên giá trị hợp đồng ký kết, khoảng 16 - 17%/năm; riêng biên lãi gộp năm 2018 đạt 17.8%.

Các Hiệp định CPTPP và các FTA đã được ký kết trước là bàn đạp cho ngành dệt may phát triển ra thị trường thế giới và sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với mặt hàng dệt may, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng, do phải nhập khẩu đến 70% nguyên liệu đầu vào. GMC cũng không ngoại lệ. Nguồn nguyên liệu, phụ liệu của Công ty chủ yếu từ Trung Quốc, chưa đáp ứng quy tắc xuất xứ của một số hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - vốn là một trong những thị trường xuất khẩu chủ đạo của Công ty.

Còn nhớ, trước đó, GMC đã sớm có sự chuẩn bị để đón đầu EVFTA bằng cách hợp tác với Công ty TNHH Dệt Tường Long để tạo chuỗi khép kín, đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA.

Đó là vào năm 2017, GMC hợp tác với Công ty TNHH Dệt Tường Long (công ty tư nhân chuyên sản xuất vải jean) để thành lập Công Ty TNHH Sài Gòn Tường Long tại tỉnh Bình Dương với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Garmex góp 51% và Công ty TNHH Dệt Tường Long góp 49%.

Hai bên mong muốn sử dụng năng lực riêng của mình để hình thành quy trình sản xuất khép kín, Tường Long lo khâu dệt vải, Garmex lo khâu sản xuất. Tuy nhiên, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, đến tháng 3/2018, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn còn lỗ do năng suất chưa cao nhưng phải đảm bảo tiền lương cho người lao động.

Tường Long đã tạm ngưng kinh doanh từ năm 2021 để tiến hành các thủ tục giải thể và vào năm 2022 chính thức chấm dứt tồn tại. GMC cho biết, đã thực hiện thủ tục phân chia tài sản theo tỷ lệ vốn góp.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu nhen nhóm từ năm 2020 do đại dịch COVID-19. GMC đã phải chuyển đổi nhanh 2 nhà máy Quảng Nam và Tân Mỹ sang gia công trong nước (mặt hàng tủ vải) thay thế đơn hàng FOB giảm. Giai đoạn 2020 - 2021, đơn hàng xuất khẩu của Công ty giảm lần lượt 22% và 47%.

Do năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh, sự thay đổi của GMC không chống đỡ được bối cảnh nhu cầu giảm đột ngột từ nửa cuối năm 2022 và đơn hàng dệt may thu hẹp ở các thị trường chính.

Việc chuyển dịch của ngành dệt may không thể diễn ra một sớm một chiều. Nó vốn dĩ đã có những dự báo dài hạn về các xu hướng thay đổi mang tính toàn cầu, nhưng trên hết là sự chuẩn bị của chính doanh nghiệp trước những biến đổi.

Hệ quả, khi mọi thứ ập đến, Garmex thực sự suy sụp trong năm 2022. Lần đầu tiên trong lịch sử, GMC lỗ 85 tỷ đồng và mất mốc doanh thu ngàn tỷ được duy trì suốt 9 năm, do đơn hàng xuất khẩu giảm đến 93%, đơn hàng gia công cũng chững lại từ tháng 8.

Điều tồi tệ nhất xảy ra vào năm 2023, Garmex thậm chí không có đơn hàng, rơi gần hết doanh thu, còn vỏn vẹn 8 tỷ đồng và lỗ ròng 52 tỷ đồng. Để giảm thiệt hại, Công ty phải tạm ngưng sản xuất, cắt giảm nhân sự từ gần 4,000 người ở thời điểm cuối năm 2021 thì nay xuống chỉ còn 35 người (khoảng 3,775 lao động bị mất việc).

Ban lãnh đạo Garmex cho biết, chỉ giữ lại nhân sự kho của các nhà máy và một số nhân viên nghiệp vụ gián tiếp để bảo quản số lượng hàng lưu kho. Công ty chưa thể tuyển dụng lại lao động cho ngành truyền thống, còn việc đầu tư khôi phục ngành may hay không tùy thuộc vào tình hình thị trường. 

Hơn cả một cuộc chiến sinh tồn, Garmex buộc phải chuyển nhượng, bán tài sản không sử dụng để vượt qua khó khăn. Nhìn từ năm 2020 đến nay, khối tài sản của Garmex vơi đi thấy rõ.

Cuối năm 2023, tổng tài sản của Garmex chỉ còn hơn 419 tỷ đồng, giảm hơn 1/5 so với 1 năm trước và thu hẹp hơn 66% so với năm đỉnh cao của khối tài sản (năm 2020). Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản cố định khoảng 153 tỷ đồng, hàng tồn kho 94 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và tiền gửi giảm mạnh từ 206 tỷ đồng xuống 92 tỷ đồng.

Theo chủ trương của ĐHĐCĐ bất thường vào cuối tháng 9/2023, GMC đã bán thanh lý một số máy móc, thiết bị hư hỏng theo hình thức chào giá cạnh tranh. Đến tháng 12, Công ty tổ chức đấu giá xe ô tô, xe tải, máy thêu, máy giặt, máy sấy công nghiệp nhưng chỉ đấu giá thành công lô máy giặt, máy sấy công nghiệp. Hiện GMC đang tiếp tục thanh lý máy móc, thiết bị, dụng cụ nhà ăn không sử dụng.

Trước tình hình mảng kinh doanh truyền thống bế tắc, lãnh đạo Garmex xác định đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro. Sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM chấp thuận bổ sung ngành nghề kinh doanh mới, Công ty đã hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và chỉ còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động này.

Bên cạnh đó, GMC đẩy mạnh tham gia mảng bất động sản khi ghi nhận khoản đầu tư duy nhất trong năm 2023 vào CTCP Phú Mỹ - công ty liên kết của GMC, đồng thời là chủ đầu tư của dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ khoảng 1.5ha. Lãnh đạo GMC kỳ vọng dự án sẽ mang lại giá trị tiềm năng trong tương lai của Công ty.

Cụ thể, Garmex đã tăng vốn góp tại Công ty Phú Mỹ lên hơn 18 tỷ đồng vào tháng 7/2023 và tiếp tục tăng vốn lên gần 30 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 32.47% vốn khi công ty liên kết này tăng vốn lên 91 tỷ đồng trong tháng 8.

Nhà máy may Tân Mỹ và Công ty Phú Mỹ trong Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hắc Dịch - Ảnh: Google Maps

Công ty Phú Mỹ là chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hắc Dịch có tổng diện tích hơn 29ha, được đưa vào hoạt động tháng 8/2009; tổng vốn đầu tư khoảng 357.2 tỷ đồng. Trong đó, dự án may mặc của Công ty TNHH May Tân Mỹ (công ty con Garmex sở hữu 100% vốn) có diện tích hơn 5ha và tổng vốn đầu tư 106 tỷ đồng. Hiện, May Tân Mỹ có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, năng suất sản xuất 17 chuyền (công suất thiết kế 36 chuyền).

GMC cũng đang sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH Garmex Quảng Nam (vốn điều lệ 86 tỷ đồng). Đơn vị hiện sở hữu chi nhánh nhà máy may Garmex Quảng Nam tại Lô B/B2, cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, tỉnh Quảng Nam diện tích 26ha; năng lực sản xuất 10 chuyền (công suất thiết kế 30 chuyền).

Nhà máy của Garmex Sài Gòn tại Quảng Nam - Ảnh: GMC

Trước đó, năm 2015, nhằm phát triển lên phương thức sản xuất cao hơn là OBM (bán sản phẩm dưới tên thương hiệu riêng), GMC đã nhượng quyền thương hiệu thể thao Gramicci ở Mỹ trong thời hạn 5 năm. So với nhiều thương hiệu thời trang khác tại Mỹ, Gramicci là một thương hiệu nhỏ nhưng có hệ thống phân phối ở 7 tiểu bang của Mỹ và trên mạng Amazon.

Để thuận tiện cho việc quản lý, thông qua Garmex Quảng Nam, GMC đã đầu tư thêm 600,000 USD vốn pháp định để thành lập chi nhánh công ty tại Mỹ (Blue Sài Gòn LLC). Tuy nhiên, Blue Sài Gòn LLC lỗ lũy kế đến 31/12/2018 hơn 2.3 triệu USD. Hiện, GMC đã chấm dứt nhượng quyền thương hiệu Gramicci từ ngày 31/12/2018 và đang giải quyết hàng tồn kho để thu hồi công nợ.

Đầu tháng 12/2023, Blue Saigon LLC được bang California chấp thuận cho giải thể và hiện vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục kê khai thuế tại Mỹ. Sau khi hoàn tất, Garmex sẽ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho phép chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Trong quý 4/2023, GMC thực hiện xong việc thẩm định giá tài sản máy móc, thiết bị, các nhà máy và nhà xưởng ở Quảng Nam; các công cụ, dụng cụ được thanh lý bằng hình thức chào giá cân ký. Trong văn bản lấy ý kiến cổ đông mới đây, Công ty cho biết muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam, tổng diện tích 76,000m2. Mức giá và thời gian chuyển nhượng vẫn chưa xác định.

Số 213 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM - Ảnh: Google Maps

Cuối năm 2023, Garmex còn hơn 13 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu là tiền đất tại 213 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM. Đây là số tiền Công ty đã nộp vào ngân sách Nhà nước theo thông báo định giá quyền sử dụng đất tại đây, hiện đang trong quá trình chờ hướng dẫn tiếp theo từ các cơ quan có liên quan.

Trước đó, năm 2005, GMC đã mua chỉ định lô đất tại 213 Hồng Bàng này với quyền sử dụng đất hơn 106 tỷ đồng. Năm 2008, Công ty ký kết biên bản ghi nhớ với Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM về việc hợp tác khai thác, vận hành dự án trung tâm dịch vụ nghiên cứu ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao y khoa.

Trung tâm gồm 20 tầng, 2 tầng hầm, với diện tích sàn sử dụng 18,900m2, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng; dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào tháng 4/2011 và đưa vào hoạt động tháng 4/2013. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng đã không thể hoàn thành và sau nhiều lần gia hạn hợp đồng hợp tác, 2 bên đã thanh lý hợp đồng từ cuối tháng 12/2015.

Năm 2020, HĐQT GMC thông qua việc đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm tại 213 Hồng Bàng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Lãnh đạo Công ty cho biết, nhà thầu xây dựng yêu cầu trả thêm tiền ngoài hợp đồng xây dựng đã ký. Do đó, Công ty đang phối hợp với luật sư để xử lý.

Theo ghi nhận của người viết, chiều 20/03/2024, Chi nhánh CTCP Garmex Sài Gòn - Trung tâm logistics Hồng Bàng ; địa chỉ 213 Hồng Bàng, quận 5, TPHCM không một bóng người, các phòng đều cửa đóng, then cài. Đặc biệt, tình trạng rác thải sinh hoạt, đồ dùng hỏng bị xả thải ngay ra trước trụ sở, không được dọn dẹp. 

Điều trăn trở của lãnh đạo GMC còn từ việc chưa giải quyết được hàng tồn kho tủ vải với CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL).

Cuối năm 2023, hàng tồn kho của GMC có giá gốc 126 tỷ đồng, phần tồn kho liên quan đến gia công hàng hóa cho Gilimex giá trị 100 tỷ đồng và trích lập dự phòng 36 tỷ đồng. Việc hụt thu từ GIL cũng là một trong những lý do kéo doanh thu Công ty đi xuống.

Trước đó, Gilimex lần đầu xuất hiện tại GMC vào giữa tháng 1/2020 và trở thành cổ đông lớn từ cuối tháng 6/2021. Đây là thời kỳ ăn nên làm ra của thương mại điện tử, nhờ đó Garmex trở thành đối tác gia công của Gilimex và hưởng lợi từ các đơn hàng của Tập đoàn Amazon (Mỹ) - khách hàng chủ lực, chiếm tới 80% doanh thu GIL. Tuy nhiên, từ quý 2/2022, Amazon đột ngột thu hẹp đơn hàng, ngưng hợp tác với Gilimex. Nghiễm nhiên, Garmex cũng liên đới ảnh hưởng và là một trong những yếu tố chính khiến doanh thu Công ty giảm mạnh và bắt đầu thua lỗ.

Đáng chú ý, cả 2 bên đều có liên quan với CTCP Dệt May Gia Định (Giditex). GIL từng sở hữu gần 26% vốn Giditex và ghi nhận là công ty liên kết, trong khi đó Giditex hiện đang sở hữu hơn 10% vốn GMC.

Hai lãnh đạo của GIL gồm Chủ tịch HĐQT Lê Hùng và Thành viên HĐQT Nguyễn Việt Cường đều có mặt trong HĐQT GMC với tư cách đại diện sở hữu của Giditex từ năm 2018. Thời điểm này, ông Lê Hùng còn làm Tổng Giám đốc GMC, trước khi bà Nguyễn Minh Hằng được bầu thay thế từ tháng 9/2022, còn ông Cường vẫn tại vị.

Hiện, GIL đã rút vốn khỏi Giditex, nhưng vẫn là cổ đông lớn của GMC với tỷ lệ sở hữu 7.09%. Cuối năm 2023, BCTC của GIL cho thấy, khoản đầu tư vào GMC có giá gốc 61 tỷ đồng và tạm lỗ 42.5 tỷ đồng.

Trong khi đó, Giditex vẫn đang “miệt mài” đăng ký thoái toàn bộ hơn 3.3 triệu cp, tương đương hơn 10% vốn tại GMC suốt từ đầu tháng 12/2023 đến nay. Ban đầu, Công ty đưa ra mức giá tối thiểu 18,528 đồng/cp nhưng đã hạ xuống 16,675 đồng/cp và trong lần đăng ký giao dịch mới nhất (từ 23/2 - 22/3), giá chỉ còn 15,008 đồng/cp. Nếu hoàn tất thương vụ, Giditex sẽ chính thức “dứt áo ra đi” khỏi Garmex và có thể thu về khoảng 50 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế giá cổ phiếu GMC trên thị trường chứng khoán vẫn quanh quẩn vùng 8,000 - 9,000 đồng/cp trong suốt 3 tháng qua; khối lượng khớp lệnh bình quân chưa đến 9,500 cp/ngày. Hơn nữa, cổ phiếu GMC vẫn thuộc diện cảnh báo theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) từ ngày 4/4/2023.

Ngoài cổ đông lớn là GIL và Giditex, tại cuối năm 2023, GMC đang được Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải nắm giữ 15.86% vốn, CTCP Đầu tư T.T.A nắm 15.19%, CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên - Huế nắm 13.23%.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   SVH: Báo cáo tài chính năm 2023 (21/03/2024)

>   UEM: Báo cáo tài chính năm 2023 (21/03/2024)

>   SVH: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế năm 2023 trước và sau kiểm toán (21/03/2024)

>   THW: Báo cáo tài chính năm 2023 (21/03/2024)

>   PXL: Báo cáo tài chính năm 2023 (21/03/2024)

>   TNS: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (21/03/2024)

>   VNI: Báo cáo tài chính năm 2023 (Công ty mẹ) (21/03/2024)

>   KHD: Báo cáo tài chính năm 2023 (21/03/2024)

>   HTI: BCTC năm 2023 (21/03/2024)

>   DHA: BCTC năm 2023 (21/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật