Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, nhiều loại vật tư, thiết bị điện trong vụ án tại EVN Bình Thuận và Tập đoàn Tuấn Ân bị nâng khống giá, thậm chí tới 300%.
Chiều 02/01, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, với phương châm xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, Bộ Công an đã tích cực “thăm khám, điều trị một số bệnh nan y” trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, Bộ Công an đã điều tra nhiều vụ án lớn như vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu, vụ FLC, vụ SCB... và hiện nay đang chuyển sang lĩnh vực điện, xăng dầu, đá cát sỏi.
Ông Xô chỉ ra vụ án xảy ra tại EVN Bình Thuận và CTCP Tập đoàn Tuấn Ân là điển hình việc chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay nhau nâng giá. Trong vụ án này, chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt tay nhau để nâng giá vật tư, thiết bị điện. Nhiều vật tư, thiết bị điện được nâng giá từ vài chục đến vài trăm phần trăm, có những vật tư được nâng giá lên 300%.
Điều này là một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện, làm thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng. Nâng giá điện và cộng vào giá thành nên giá điện bị tăng làm người tiêu dùng thiệt thòi. Theo chúng tôi, loại "virus phát tán biến thể" này tương đối phổ biến ở một số địa phương. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ có vaccine để điều trị virus này.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 01/02. Ảnh: VGP
|
Liên quan vụ án xăng dầu xảy ra tại Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết quá trình điều tra xác định Hải Hà Petro đã gây thiệt hại 15 tỷ đồng, gây thất thoát khoảng 300 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Tại Xuyên Việt Oil, cơ quan điều tra đang phong tỏa 17 tài khoản cá nhân, trên 4 tỷ đồng và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng với 54 nhà đất đứng tên cá nhân, 6 nhà đất tên công ty.
"Vụ án xảy ra tại Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil là điển hình của vi phạm quy định về xuất nhập khẩu xăng dầu, quản lý sử dụng Quỹ bình ổn", tướng Xô nhận xét.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó, Hải Hà Petro - đầu mối xăng dầu có trụ sở tại Thái Bình - đã sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng. Đến cuối tháng 11/2023, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối này là 612 tỷ đồng.
Xuyên Việt Oil thành lập năm 2005, có trụ sở tại TPHCM cũng có nhiều vi phạm về xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu. Hai đơn vị đầu mối này bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép vào tháng 8/2023 và tháng 1/2024 và Tổng cục Hải quan dừng thông quan xăng dầu.
Theo Người phát ngôn Bộ Công an, dù Tết đang cận kề nhưng cơ quan điều tra quyết tâm đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án, với tinh thần công tâm, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhằm ngăn chặn tội phạm, triệt để thu hồi tài sản thất thoát lãng phí cho Nhà nước và nhân dân.
Tùng Phong
FILI