TP HCM dẫn đầu cả nước về số dự án FDI mới trong tháng đầu tiên năm 2024
Với sự sôi động ngay từ những ngày đầu năm 2024, thu hút vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt kết quả ấn tượng trong thời gian tới.
Tiếp nối kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) ấn tượng năm 2023 khi đạt tới 36,6 tỉ USD, ngay từ những ngày đầu năm 2024, các hoạt động ký kết, trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đã rất sôi động.
Thu hút vốn FDI có kết quả tích cực ngay từ tháng đầu tiên của năm 2024
|
Vốn FDI Tăng mạnh từ tháng đầu năm
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tháng 1-2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỉ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỉ USD.
Bên cạnh đó, có 75 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235,4 triệu USD. Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký mới tháng 1-2024 tăng mạnh so với cùng kỳ do tăng số lượng dự án mới. Đáng chú, có dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, với hơn 600 triệu USD, góp phần đẩy dòng vốn này tăng mạnh.
Trong bức tranh thu hút vốn FDI những ngày đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An nổi lên là một điểm sáng khi đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án lĩnh vực công nghệ cao, linh kiện, thiết bị điện tử, năng lượng xanh.
Có thể kể đến các dự án như Nhà máy Radiant Opto - Electronics Việt Nam do Công ty Radiant Opto - Electronics Corporation (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư với mức vốn 120 triệu USD; Dự án Công ty TNHH công nghệ chính xác Luxcase tại Khu công VSIP Nghệ An, tổng mức đầu tư 24 triệu USD, do Công ty Casetek Singapore Pte.Ltd (Singapore) đầu tư.
Thời gian qua, địa phương này tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhờ đó kết quả thu hút vốn FDI liên tục tăng trong năm 2023 và đầu năm 2024.
Tại Vĩnh Phúc, dòng vốn FDI vào địa phương này cũng sôi động từ đầu năm khi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án mới, chấp thuận điều chỉnh vốn cho 5 dự án, với tổng vốn đạt 68,21 triệu USD.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thêm dòng vốn FDI trong tháng đầu tiên của năm 2024 đã "rót" vào 35 tỉnh, thành phố trên cả. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 282 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai.
"Vốn đầu tư của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội"- lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho hay. Nếu xét về số dự án, TP HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới khi chiếm tới 42,1%.
Cần chính sách phù hợp để đón sóng đầu tư
Với sự sôi động ngay từ những ngày đầu năm 2024, kết quả thu hút vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt kết quả ấn tượng trong thời gian tới. Tại cuộc gặp với các nhà đầu tư nước ngoài tối 26-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và nêu rõ quan điểm "các bạn thành công là chúng tôi thành công".
Cần sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước các làn sóng đầu tư mới
|
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư như điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.
Đánh giá về việc thu hút FDI năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho răng bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam sẽ đối mặt với cách thách thức khi tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí trong bản đồ đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thủ tục hành chính "sau đầu tư" như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy,…còn nhiều điểm bất cập, gây ảnh hưởng đến tiến trình thuận lợi hóa môi trường đầu tư.
Để vượt qua các thách thức đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết Chính phủ, các bộ ngành sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu. "Cần sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư"- Bộ trưởng cho hay.
Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan.
Theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, cần đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế - xã hội. "Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về phía địa phương, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh tiếp tục kiên trì với giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư để nâng cao hình ảnh của tỉnh. Tương tự, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thời gian tới sẽ tiếp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh đối với các khu công nghiệp như Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A…để nâng cao tính sẵn sàng trong mời gọi đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chú trọng lắng nghe, giải quyết nhanh nhất vướng mắc cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện hồ sơ, thủ tục. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Cần giữ sự ổn định của môi trường đầu tư
Từ kết quả thu hút FDI năm 2023 và thách thức năm 2024 nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng để tiếp tục đạt kết quả tích cực trong thu hút dòng vốn này, cần giữ sự ổn định của môi trường đầu tư, đặc biệt là các cam kết mà chính quyền đã ký kết và sự ổn định của chính sách.
Cùng với đó, nên lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao,… để chủ động tiếp cận trao đổi, mời gọi vào đầu tư tại Việt Nam.
|
Minh Chiến
Người lao động
|