Thứ Ba, 20/02/2024 07:34

Tăng lương không để giá cả 'leo thang'

Từ 1/7 tới, chính sách tiền lương được điều chỉnh tăng cho người lao động. Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi nhà nước kiểm soát được lạm phát, không để giá cả "leo thang".

Sợ lương tăng, giá cả "leo thang"

Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp thêm 6% mỗi tháng, bình quân 238.000 đồng từ ngày 1/7 tới.

Mức lương tối thiểu tháng được đề xuất tăng 200.000-280.000 đồng tùy từng vùng. Nếu được thông qua, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 là 3,45 triệu. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng.

Việc tăng lương tối thiểu vùng nếu được thực hiện từ ngày 1/7 sẽ đồng bộ với cải cách tiền lương khu vực công.

Cụ thể, từ ngày này, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hưởng lương hưu chính thức được áp dụng mức lương tăng mới.

Trong đó, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức hiện hành. Lương hưu cũng được điều chỉnh tăng 12,5% và 20,8% đối với nhiều đối tượng.

Lương tăng là niềm vui lớn cho người lao động, nhưng một vấn đề được nhiều người quan tâm, liệu khi lương tăng, giá cả có tăng theo?

Chị Nguyễn Thị Mai (40 tuổi), công nhân tại một công ty sản xuất thiết bị điện ở khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, việc lương tối thiểu tăng 6% từ 1/7 với cá nhân chị không đem lại nhiều giá trị vì mức tăng thấp. Trong khi mức lương thực nhận của chị vốn đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

(Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng)

Điều khiến những lao động như chị Mai lo lắng là cứ mỗi lần tăng lương, giá cả lại tăng theo, nhất là các mặt hàng thiết yếu. 

“Tăng lương để bù trượt giá, đảm bảo mức sống cho người lao động, nhưng khi lương chưa tăng thì các mặt hàng thiết yếu đã "rục rịch" tăng theo. Nếu nhà nước không có chính sách kiểm soát thì cuộc sống của những người làm công ăn lương chỉ thêm khó khăn”, chị Mai nói.

Ông Lê Đình Sâm (64 tuổi), một cán bộ ngành y tế về hưu cho biết, theo lộ trình từ 1/7 tới, lương hưu sẽ được điều chỉnh tăng. Với mức lương hưu hiện nay 6 triệu đồng/tháng, nếu được điều chỉnh tăng thêm 8% (theo đề xuất của BHXH Việt Nam), từ tháng 7 tới mỗi tháng ông Sâm được nhận gần 6,5 triệu đồng.  

Theo ông Sâm, mức tăng thêm này chỉ có giá trị khi giá cả các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm (gạo, thịt cá, rau) và chi phí tiêu dùng (xăng, điện, nước… ) được kiểm soát.

“Giá cả thị trường vẫn luôn chạy trước lương của người lao động, nhất là lương hưu, lương của cán bộ công chức. Khi lương điều chỉnh một mà giá tăng lên 2-3 lần thì đời sống sẽ khó khăn hơn. Do vậy, nhà nước cần có chính sách bình ổn giá để việc tăng lương đem lại nhiều ý nghĩa cho người lao động”, ông Sâm bày tỏ.

Kiểm soát không để tăng giá quá cao

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá và lương có quan hệ với nhau hết sức chặt chẽ. Khi lương tăng, giá cả hàng hoá ổn định thì tiền lương tăng mới có giá trị với người lao động. Vì vậy, nhà nước phải kiểm soát được lạm phát, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Chuyên gia lao động - tiền lương Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho biết, mức lương được điều chỉnh tăng theo chỉ số tiêu dùng (CPI). Thực tế, tình hình giá cả tăng theo lương đã hạn chế hơn so với những lần điều chỉnh trước.

Trước đây, hàng hóa khan hiếm. Khi lương cơ sở tăng, hàng hoá cũng “tát nước theo mưa” để tăng giá. Thế nhưng, hiện nay có mặt hàng tăng, mặt hàng giảm, nhà nước cũng đang nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Trên thực tế, Chính phủ đã sớm đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, Ban chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý và chủ động, bám sát diễn biến thị trường; thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Trong đó, chú trọng việc xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, việc thông báo sớm lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng cũng cần được chú trọng để tránh bị động trong phối hợp chính sách.

Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu…

Đồng thời sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có những cú sốc bất ngờ xảy ra.

Vũ Điệp

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Thủ tướng ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước (19/02/2024)

>   GDP danh nghĩa khác GDP thực như thế nào? (15/03/2024)

>   Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu đẩy nhanh điều tra các vụ án tham nhũng (16/02/2024)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2024: 8 động lực cho tăng trưởng (15/02/2024)

>   Nghị quyết 02/NQ-CP: Tạo động lực thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp (15/02/2024)

>   Thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại trong năm 2024 (14/02/2024)

>   Việt Nam sẽ sớm vươn mình trở thành một trong những "con rồng kinh tế dũng mãnh" (14/02/2024)

>   Nghị quyết 01 của Chính phủ là động lực và "chìa khóa” cho tăng trưởng năm 2024 (12/02/2024)

>   Ngành sản xuất có thêm động lực tăng trưởng ngay từ đầu năm (12/02/2024)

>   Hoàn thành làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán trong tháng 3/2024 (11/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật