Microsoft, Google, TikTok, OpenAI và hàng loạt ông lớn chung tay chống tin giả từ AI
Trong ngày 16/02, nhóm 20 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ cam kết chống lại các thông tin sai lệch mà trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra.
Nhóm này đặc biệt nhắm tới deepfake, một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh, âm thanh hoặc video để tạo ra những nội dung giả mạo và gây hiểu sai cho người xem. Các công ty lo ngại rằng deepfake có thể ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử trong năm nay.
Microsoft, Meta, Google, Amazon, IBM, Adobe và công ty thiết kế chip Arm đều ký vào thỏa thuận. OpenAI (startup đằng sau ChatGPT), Anthropic và Stability AI cũng gia nhập vào nhóm, cùng với các công ty mạng xã hội như Snap, TikTok và X (trước đây là Twitter).
Các công ty đã cam kết sử dụng công nghệ để xác định và xác nhận nguồn gốc của nội dung do AI tạo ra, một nhiệm vụ không hề dễ dàng khi mà các hình ảnh, video, và âm thanh do AI sản xuất có thể rất khó phân biệt với nội dung thực.
Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta Platforms, nhấn mạnh sự quan trọng của việc các công ty đồng lòng hợp tác trong việc ngăn chặn sự lạm dụng của trí tuệ nhân tạo trong các cuộc bầu cử.
Các nền tảng công nghệ đang chuẩn bị cho một năm rất quan trọng với thế giới – giai đoạn có rất nhiều cuộc bầu cử diễn ra và ảnh hưởng tới 4 tỷ người ở 40 quốc gia. Với sự trỗi dậy của các nội dung do AI tạo ra, nhiều người lo ngại AI sẽ bị lợi dụng để tạo ra các thông tin sai lệch về bầu cử. Số lượng deepfake được tạo ra đã tăng 900% so với cùng kỳ, theo dữ liệu từ công ty học máy Clarity.
Những thông tin sai lệch về bầu cử là vấn đề nhức nhối từ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016. Ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công cụ AI tiên tiến, các nhà làm luật lại càng lo ngại hơn.
“Đây là lý do khiến nhiều người lo ngại AI được sử dụng để đánh lừa cử tri trong các chiến dịch tranh cử”, Josh Becker, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ ở California, cho biết trong cuộc phỏng vấn. “Thật vui khi nhìn thấy một số công ty chung tay chống lại tin giả, nhưng giờ tôi chưa thấy đủ chi tiết về thỏa thuận, vì vậy có lẽ cần tới luật để đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng”.
Trong khi đó, các công nghệ phát hiện deepfake vẫn chưa phát triển đủ nhanh để bắt kịp với sự phát triển của AI. Tại thời điểm này, các công ty chỉ mới nhất trí về bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ chế phát hiện (detection mechanisms).
Họ vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề tin giả từ deepfake. Các dịch vụ phát hiện ra văn bản AI tạo ra vẫn còn nhiều sai lệch. Phát hiện hình ảnh và video còn khó hơn.
Mới đây, OpenAI đã ra mắt Sora, một công cụ AI chuyên tạo video. Sora hoạt động tương tự như DALL-E, một công cụ tạo hình ảnh bằng AI của OpenAI. Với Sora, người dùng chỉ cần viết ra khung cảnh mong muốn và Sora sẽ tự tạo ra một đoạn video theo mong muốn đó. Sora cũng có thể tạo ra video từ các bức ảnh tĩnh, mở rộng video hiện có hoặc lấp vào các đoạn khung hình còn thiếu.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|