Lỗ thêm 960 tỷ năm 2023, Pomina chìm đắm trong khủng hoảng, kế hoạch tái cấu trúc bị hoài nghi
Pomina (HOSE: POM) vẫn đắm chìm trong bóng tối và chưa biết khi nào mới có thể gượng dậy.
Gần đây, quá trình tái cấu trúc cũng bị cản trở khi kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư Nhật Bản bị tạm ngừng. Tuy nhiên, trong giải trình mới nhất, Pomina cho biết đã tìm được nhà đầu tư mới.
* Pomina bất ngờ dừng kế chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei
* Lâm vào vòng xoáy khủng hoảng, Pomina họp bất thường để công bố kế hoạch tái cấu trúc
Gánh nặng lãi vay khổng lồ
Trong 3 tháng cuối năm, Pomina chứng kiến doanh thu giảm sốc 82% so với cùng kỳ, còn 333 tỷ đồng. Tuy vậy, công ty lãi gộp 22 tỷ đồng, khá hơn tình cảnh lỗ gộp 242 tỷ đồng của cùng kỳ.
Tuy vậy, công ty lại phải gánh chi phí lãi vay tới 215 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Pomina còn có thêm khoản lỗ khác 148 tỷ đồng trong quý 4/2023.
Đây là hai lý do chính khiến hãng thép này lỗ ròng 313 tỷ đồng trong quý 4/2023, tệ hơn so với quý trước đó và đánh dấu 7 quý lỗ ròng liên tiếp.
Kết quả kinh doanh quý 4/2023 của Pomina
Đvt: Tỷ đồng
Lỗ ròng 2,200 tỷ đồng trong 7 quý
Luỹ kế cả năm 2023, Pomina ghi nhận doanh thu thuần giảm 75% so với cùng kỳ, về gần 3,300 tỷ đồng; lỗ ròng 960 tỷ đồng. Như vậy, tính trong 7 quý vừa qua, hãng thép này đã lỗ ròng gần 2,200 tỷ đồng.
Theo Pomina, nhà máy thép Pomina 3 vẫn đang ngừng hoạt động nhưng vẫn phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Ngoài ra, tình hình bất động sản đang đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép sụt mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao.
* Pomina: Cú trượt dài của hãng thép một thời lớn mạnh
Thiếu vốn trầm trọng
Sau giai đoạn lỗ nặng và gánh chi phí lãi vay cao, Pomina lâm vào cảnh thiếu vốn trầm trọng và có khoản nợ quá hạn hơn 3,100 tỷ đồng (trong đó 2,200 tỷ đồng nợ vay và hơn 900 tỷ phải trả người bán).
Trong khi đó, trên bảng cân đối kế toán, cuối năm 2023, Pomina chỉ còn hơn 10 tỷ đồng tiền mặt, hơn 1,600 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn tại cuối năm 2023. Ở phần tài sản dài hạn, công ty có hơn 5,800 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, chủ yếu là chi phí xây dựng lò cao và lò EAF.
Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn gần 8,000 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn gần 5,500 tỷ đồng.
“Đã tìm được nhà đầu tư mới”
Do đó, công ty thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để huy động vốn, bao gồm chuyển nhượng một phần vốn tại công ty TNHH Pomina 3, vay vốn tại ngân hàng BIDV và phát hành riêng lẻ 70 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược Nansei của Nhật Bản với giá 10,000 đồng/cp.
Tuy nhiên, gần đây hãng thép này bất ngờ ngừng kế chào bán riêng lẻ 70 triệu cp. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi liệu Pomina có đủ vốn để tái cấu trúc hay không.
Tuy vậy, trong giải trình về kết quả kinh doanh quý 4/2023, Pomina cho biết “đã tìm được nhà đầu tư mới. Mọi thủ tục đang chờ phê duyệt tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 15/03/2024. Sau đó, Công ty sẽ đưa nhà máy Pomina 3 vào hoạt động trở lại, dự kiến là vào đầu quý 2/2024”.
Vũ Hạo
FILI
|