Khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc bắt đầu gây ảnh hưởng khắp thế giới
Các nhà đầu tư Trung Quốc và chủ nợ của họ đang treo biển “cần bán” đối với bất động sản trên khắp thế giới do nhu cầu huy động tiền mặt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản tại quốc gia này ngày càng sâu sắc. Mức giá cuối cùng họ nhận được sẽ cho biết chính xác mức độ khó khăn mà lĩnh vực bất động sản nói chung đang gặp phải.
Ví dụ, đầu tháng 2, một dự án cao cấp ở trung tâm Mayfair, khu vực cao cấp ở phía tây London, đã bị cơ quan quản lý tiếp quản sau khi không trả được nợ. Phần lớn dự án thuộc sở hữu của hai công ty đầu tư Trung Quốc, Citic Capital và Cindat, và những ngôi nhà sẽ tiếp tục được tiếp thị cho những người mua tiềm năng.
Xa hơn về phía đông ở London, một dự án nhà ở của Country Garden Holdings, công ty bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn, cũng được rao bán chưa tới 100 triệu bảng Anh. Theo một hồ sơ được công bố tháng 12 năm ngoái, công ty này đã phải chịu khoản phí tổn thất 10.3 triệu bảng Anh vào năm 2022.
Trong khi đó, một chi nhánh của công ty bất động sản Greenland Holdings Corp. của Trung Quốc đã gia hạn khoản vay cho một dự án tòa nhà chọc trời ở phía đông London sau khi dự án này vỡ nợ về mặt kỹ thuật vào năm ngoái, một hồ sơ cho thấy.
Chủ tịch Tập đoàn Starwood Capital Barry Sternlicht cho biết vào tuần trước rằng sự sụt giảm trên toàn thế giới do chi phí đi vay tăng cao đã khiến giá bất động sản văn phòng nói riêng giảm hơn 1 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, tổng thiệt hại vẫn chưa được xác định vì có quá ít tài sản bán được, khiến các nhà thẩm định có rất ít dữ liệu để đánh giá.
Số lượng giao dịch bất động sản thương mại đã hoàn tất trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ vào năm 2023, do chủ sở hữu không muốn bán các tòa nhà với giá chiết khấu cao.
Các cơ quan quản lý và thị trường lo lắng rằng ẩn sau tình trạng bế tắc này là những khoản lỗ lớn, chưa thực hiện, có thể gây rắc rối cho cả ngân hàng, vốn đã đẩy mạnh cho vay trong kỷ nguyên tiền rẻ, cũng chủ sở hữu bất động sản.
Giá cổ phiếu của ngân hàng New York Community Bancorp đã chạm mức thấp nhất trong 27 năm trong phiên 06/02 sau thông báo cắt giảm cổ tức và tiền dự trữ, một phần vì tín dụng bất động sản gặp khó khăn. Ngân hàng Trung ương Châu Âu lo ngại các ngân hàng trong khu vực đã quá chậm trong việc định giá các khoản vay và Cơ quan Quản lý Tài chính của Vương quốc Anh sẽ xem xét lại định giá trên các thị trường tư nhân, bao gồm cả bất động sản.
Giờ đây, một loạt tài sản mới ở nước ngoài mà giới đầu tư Trung Quốc từng mua trong suốt thập kỷ qua đều đang bị rao bán. Nguyên nhân là các chủ sở hữu và công ty bất động sản muốn có tiền mặt ngay lập tức để hỗ trợ hoạt động trong nước và trả nợ, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu thua lỗ.
Việc Bắc Kinh kiềm chế hoạt động vay mượn quá mức đã khiến nhiều công ty bất động sản bị thiệt hại, ngay cả những “tay chơi” lớn trên thị trường. Ví dụ, một công ty con của China Aoyuan Group cuối năm ngoái đã bán một lô đất ở Toronto với mức chiết khấu khoảng 45% so với giá mua năm 2021, theo nhà cung cấp dữ liệu Altus Group. Công ty này đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ trị giá 6 tỷ USD.
Năm ngoái, một tòa nhà văn phòng ở London có liên quan tới chủ tịch của Shimao Group Holdings, ông Wing Mau Hui, đã được bán với giá chiết khấu khoảng 15% so với thời điểm mua vào năm 2022, theo các nguồn thạo tin.
Cho đến nay, chỉ một số ít bất động sản của người Trung Quốc ở châu Âu được bán thành công, song khối lượng đang bắt đầu tăng trở lại.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|