HSBC: Việt Nam khởi đầu năm 2024 bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế vững vàng
HSBC cho biết sau năm Quý Mão đầy thử thách, bối cảnh của Việt Nam được dự báo sẽ tốt lên trong năm Giáp Thìn khi xuất khẩu tăng mạnh 42% trong tháng 1.
Ngày 07/02, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC công bố báo cáo "Vietnam at a glance: 'Bắt mạch' người tiêu dùng", cho thấy Việt Nam tiếp tục chứng xuất khẩu tăng mạnh 42% nhờ ngành hàng điện tử.
Xuất khẩu tăng vọt
Các chỉ số kinh tế gần đây
|
Mặc dù chịu tác động bởi hiệu ứng cơ sở, rõ ràng thương mại của Việt Nam vẫn tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi. Xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc là 42% so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử. Sắp tới, số lượng đặt hàng trước dòng điện thoại Samsung Galaxy S24 mới ở mức cao cũng phần nào giúp tình hình thêm lạc quan. Tuy nhiên, sự lạc quan không chỉ giới hạn trong ngành hàng điện tử khi xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng cao trên diện rộng. Những ngành hàng đã phải hứng chịu tình cảnh trì trệ trong năm 2023 như dệt may, máy móc và đồ gỗ đã bắt đầu tăng trưởng đáng kể trở lại. Dẫu vậy, HSBC cho rằng vẫn cần cẩn trọng trong giai đoạn phục hồi thương mại sơ khởi này.
Thật vậy, PMI tháng 1 cho thấy sự lạc quan một cách thận trọng nhất định. Điều đáng khích lệ là chỉ số PMI chính cuối cùng cũng trở lại mức trên 50, mặc dù không nhiều, lần đầu tiên trong vòng năm tháng. Đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng mạnh nhưng vẫn chưa đủ để kích thích các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng. Đặc biệt, tình hình giao hàng bị chậm càng khiến áp lực chi phí của nhà sản xuất tăng lên, nhắc nhở không quên mối rủi ro do gián đoạn Biển Đỏ vẫn còn kéo dài.
Thêm nữa, lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, trong đó lạm phát chính trong tháng 1 giảm nhẹ xuống 3.4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát năm 2024 của chính phủ là 4-4.5%, vẫn còn những rủi ro tăng lạm phát đáng chú ý không thể xem nhẹ.
Một nguyên do là Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những biển động trên thị trường hàng hóa thế giới. Trong khi lạm phát vận tải đã ổn định trong những tháng gần đây, lạm phát "nhà ở và vật liệu xây dựng" bao gồm lạm phát điện, đã chứng kiến giá cả tăng cao, khả năng còn tăng thêm nữa. Xét cho cùng, những căng thẳng về nguồn cung năng lượng trong nước và chi phí đầu vào gia tăng đã buộc Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện lần nữa trong năm nay, sau hai đợt tăng giá hồi tháng 11/2023 và tháng 5/2023, để tháo gỡ những khó khăn tài chính cho Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Bên cạnh năng lượng, giá thực phẩm tiếp tục cần đặt trong tầm ngắm, đặc biệt là do những diễn biến của hiện tượng El Niño ở Đông Nam Á. Giá gạo trong nước của Việt Nam đã tăng cùng với giá gạo thế giới, đẩy lạm phát gạo lên. Mặc dù gạo chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong rổ hàng hóa tính Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam (chưa tới 3.7%) và giá thịt heo tiếp tục giúp kiểm soát lạm phát thực phẩm, thực phẩm thiết yếu cũng là một điểm quan trọng đối với dự báo lạm phát.
Nhìn chung, tháng 1 thực sự là một khởi đầu "hanh thông" cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam mặc dù cần thận trọng với những rủi ro liên quan.
Hân hoan bước sang năm mới Giáp Thìn
Sau một năm Quý Mão đầy thử thách, bối cảnh của Việt Nam được dự báo sẽ tốt lên trong năm Giáp Thìn. HSBC nhận định Việt Nam đã khởi đầu năm 2024 bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế vững vàng. Kể cả khi đã tính tới hiệu ứng cơ sở, xuất khẩu đã bật trở lại với tốc độ đáng kinh ngạc, minh chứng bằng kim ngạch thương mại ổn định.
“Mặc dù vậy, chúng ta cần cẩn trọng với mức độ phục hồi nói chung vì cỗ máy xuất khẩu cần tiếp sức thêm bằng tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi đó, lạm phát nhìn chung vẫn trong vòng kiểm soát nhưng rủi ro tăng giá vẫn còn đó, từ tiềm năng tăng giá điện đến giá gạo vẫn tăng,” chuyên gia HSBC lưu ý.
Mặc dù vẫn cần chú ý nhiều đến chu kỳ xuất khẩu quan trọng, điều quan trọng không kém là phải đánh giá được nhu cầu trong nước. Hiện nhu cầu trong nước đang phải chịu áp lực gia tăng nhưng dự kiến sẽ cải thiện, dấu hiệu ban đầu chính là một số cổ phiếu trong lĩnh vực tiêu dùng đang phục hồi.
Trên thực tế, Việt Nam có tỷ trọng tiêu dùng lớn chiếm hơn 50% GDP. Gia tăng với tốc độ bình quân hàng năm là 7.5% trước đại dịch, tiêu dùng cá nhân đã giảm sút đáng kể từ khi xảy ra dịch bệnh, ngoại trừ giai đoạn mở cửa trở lại trong năm 2022. Đặc biệt, tăng trưởng tiêu dùng cá nhân đã giảm một nửa trong năm 2023, phản ánh tác động rõ rệt của tình hình kinh tế chậm lại đối với các hộ gia đình.
Một phần nguyên nhân là do hiệu ứng biến động giá trị tài sản do lĩnh vực bất động sản suy yếu theo chu kỳ, phần khác là do những thay đổi lớn trong hành vi người tiêu dùng kể từ đại dịch. Người tiêu dùng có xu hướng cảnh giác với những biến động kinh tế, do vậy gia tăng khuynh hướng tiết kiệm.
Điều này càng được đảm bảo khi nhìn vào thị trường lao động Việt Nam. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp 2.3%, tỷ lệ tăng trưởng việc làm chậm lại trong năm 2023 và vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Rõ ràng, Việt Nam đang hồi hộp mong chờ sự phục hồi mang tính chu kỳ trong thương mại toàn cầu, vốn là niềm hy vọng chính cho thị trường việc làm. Điều may mắn là lĩnh vực điện tử gần đây đã chứng kiến một số dấu hiệu tích cực, cho thấy giai đoạn đen tối nhất của lĩnh vực thương mại đã trôi qua. Tuy nhiên, mỗi ngành mỗi khác bởi sự phục hồi diễn ra không hoàn toàn đồng đều. Những ngành vốn cung cấp nguồn việc làm lớn như dệt may và da giày lại chưa hoàn toàn thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Châu Á vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi của quá trình phục hồi thương mại bởi cần thêm bằng chứng để thấy được một sự phục hồi ổn định bền vững nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Một tin vui đối với Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn trong lĩnh vực du lịch cũng hết sức quan trọng đối với thị trường lao động, hỗ trợ cho những lao động làm việc trong ngành dịch vụ. Nhờ những chính sách thuận lợi gia hạn thời gian lưu trú miễn thị thực cho du khách nước ngoài đến từ một số quốc gia và cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước từ giữa tháng Tám, Việt Nam đón khoảng 12.6 triệu lượt khách quốc tế, vượt khá xa mục tiêu ban đầu là 8 triệu khách.
Triển vọng thuận lợi thậm chí thúc đẩy Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2024 là 17-18 triệu khách nước ngoài, gần đạt mức cao kỷ lục của năm 2019, nhắm tới tổng doanh thu là 840,000 tỷ đồng (8% GDP), vượt mức của năm 2019. Dựa trên xu hướng trước đây, điều này đồng nghĩa du lịch quốc tế trong năm 2024 có khả năng sẽ đạt khoảng 4% GDP, tương đương mức bình quân trước đại dịch của châu Á.
Hàn Đông
FILI
|