FLC nhận thêm 19 quyết định cưỡng chế thuế
CTCP Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) tiếp tục nhận thêm 19 quyết định cưỡng chế thuế, đồng thời phải lên tiếng giải trình về việc chậm nộp BCTC quý 4/2023.
Ngày 23/02, FLC nhận 19 quyết định từ Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với tổng số tiền hơn 91 tỷ đồng. Lý do cưỡng chế là Công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Vào cuối năm 2023, Cục Thuế TP Hà Nội từng ra quyết định cưỡng chế gần 90 tỷ đồng từ các tài khoản của FLC. Riêng khoản nợ thuế quá hạn hơn 678 tỷ đồng tại Cục thuế TP Hà Nội, tỉnh Quảng Bình, Chi cục thuế TP Hạ Long, Sầm Sơn - Quảng Xương và tiền thuê đất tại Ban quản lý Khu kinh tế Quy Nhơn, FLC bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
Trước đó, đầu tháng 10/2023, Cục thuế TP Hà Nội ra 19 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của FLC. Tổng số tiền cưỡng chế gần 82 tỷ đồng.
Tại cuối năm 2022, FLC cũng nhận 16 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục thuế TP Hà Nội với tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 76 tỷ đồng, cùng lý do Tập đoàn có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Về tình hình hoạt động, ngày 20/02/2024, FLC đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường 2024 lần 2, sau lần 1 bất thành ngày 02/01 với lý do tỷ lệ tham dự không đủ điều kiện.
Tại đây, cổ đông FLC đã thông qua nhiều nội dung như miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát; báo cáo kết quả tái cơ cấu và kế hoạch kinh doanh 2024; thay đổi địa chỉ trụ sở chính Công ty…
*Kết quả tái cấu trúc FLC: Giảm 60% nhân sự, trả 4.4 ngàn tỷ đồng nợ vay
Chậm nộp BCTC quý 4/2023, FLC nói gì?
FLC vừa có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm nộp BCTC quý 4/2023. Công ty cho biết các BCTC kiểm toán năm 2021 chưa được phát hành do Tập đoàn và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên về ý kiến kiểm toán trên BCTC riêng và BCTC hợp nhất năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021.
Do đó, FLC chưa thể phát hành các BCTC kiểm toán năm 2021, 2022 và 4 quý của năm 2023. Công ty cho biết đang nỗ lực phối hợp cùng đơn vị kiểm toán thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và công bố thông tin theo quy định.
Sau khi các BCTC năm 2021; 2022; quý 1, 2 và 3/2023 được phát hành, FLC sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán BCTC quý 4/2023 và công bố thông tin theo quy định.
Tuy BCTC quý 4/2023 chưa được công bố nhưng theo thông tin từ doanh nghiệp, tổng giá trị tài sản hiện hữu của FLC đạt hơn 21,000 tỷ đồng.
Trong diễn biến liên quan, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và 50 người khác vừa bị đề nghị truy tố trong vụ án thao túng chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty, đơn vị liên quan.
Trong đó, Cơ quan chức năng đề nghị truy tố 4 bị can thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và 3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc UBCKNN, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Đây là diễn biến sau 2 tháng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) điều tra bổ sung vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm.
*Đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ thao túng TTCK liên quan đến Tập đoàn FLC
Thế Mạnh
FILI
|