Được thanh toán nhanh và ứng trước mạnh tay, doanh nghiệp đầu tư công dồi dào tiền mặt
Nhờ Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cuối năm, nhiều doanh nghiệp xây lắp đã cải thiện khá nhanh về doanh thu đồng thời ghi nhận những khoản ứng trước mạnh tay giúp cho tiền mặt tại số doanh nghiệp tăng vọt.
Theo số liệu tổng hợp từ 7 doanh nghiệp (C4G, CTD, DPG, FCN, HHV, LCG, VCG), tổng doanh thu thuần trong quý 4/2023 đạt hơn 14,450 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng nhiều quý trở lại đây.
Dù mức lợi nhuận không có sự tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế cũng đã trở lại mức cao nhất của năm 2023, cho thấy yếu tố mùa vụ vẫn ảnh hưởng mạnh tới kỳ báo cáo do Chính phủ phải chạy đua giải ngân cuối năm và các công ty tìm cũng phải nỗ lực tăng khối lượng công việc nhiều nhất có thể để đạt được mục tiêu năm tài chính.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, nhiều doanh nghiệp cũng hoạt động đa ngành nên sự cải thiện của mảng xây lắp có thể cũng bị triệt tiêu bớt đi ảnh hưởng tích cực trong kết quả lợi nhuận.
HHV là trường hợp nổi bật nhất khi vượt cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu hợp nhất của HHV vượt kế hoạch 8%, đạt 2,686 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế vượt 7% kế hoạch, đạt 362 tỷ đồng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại đều chưa thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Theo thứ tự sau HHV, lần lượt, LCG thực hiện 80% kế hoạch lợi nhuận, DPG thực hiện 73%, CTD thực hiện 69%, C4G thực hiện 46%, VCG thực hiện 40% và FCN chỉ thực hiện 8%.
Dù vậy, vẫn cần ghi nhận những nỗ lực giải ngân từ Chính phủ và sự khẩn trương của các doanh nghiệp để giúp cho doanh thu hạch toán có bước tiến lớn trong quý 4/2023.
Theo báo cáo gần nhất từ Bộ Tài chính, ước thanh toán đến hết ngày 31/01/2024 (thời hạn giải ngân vốn năm 2023) là 662,588 tỷ đồng, đạt gần 83% kế hoạch và đạt 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (711,559tỷ đồng).
Không chỉ được nhận thanh toán nhanh, nhiều doanh nghiệp còn được ứng trước mạnh tay từ người mua trong quý 4/2023. Đó là các trường hợp của FCN được ứng thêm hơn 920 tỷ đồng, LCG và VCG cùng được ứng thêm hơn 700 tỷ đồng, DPG được ứng thêm hơn 200 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Theo thống kê, tổng giá trị người mua trả tiền trước tại 7 công ty xây lắp kể trên đạt 10,220 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 8 quý trở lại đây. Nhờ đó, tổng lượng tiền mặt cũng được ghi nhận tăng vọt lên tới gần 8,800 tỷ đồng, trong đó CTD nắm giữ tiền và các khoản tương đương tiền nhiều nhất (hơn 2,800 tỷ đồng). Kế đến là VCG có tiền mặt là 2,282 tỷ đồng, tăng gần 80% so với quý 3/2023.
Còn LCG lại là doanh nghiệp ghi nhận tiền mặt tăng đột biến tới 8.5 lần so với quý 3/2023 lên 670 tỷ đồng.
Theo thuyết minh BCTC quý 4/2023 của LCG, các khoản ứng trước được ghi nhận thêm trong quý đáng chú ý nhất từ Ban quản lý dự án 7 (+200 tỷ đồng) và Sở GTVT Hưng Yên (+502 tỷ đồng), chủ đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong – Nha Trang và gói thầu tại Dự án Vành đai 4.
Đây sẽ là nguồn vốn đối ứng rất quan trọng để giúp LCG cùng các doanh nghiệp có thêm năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời gian tới.
Theo thống kê của Mirae Asset Vietnam, các doanh nghiệp niêm yết đã có thêm nhiều dự án trúng thầu nửa cuối năm 2023. Đứng đầu về tổng giá trị trúng thầu trong cả năm 2023 là VCG (68 nghìn tỷ đồng) và C4G (24 nghìn tỷ đồng).
Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, năm 2024 vẫn sẽ là một năm quyết liệt hành động từ Chính phủ qua đó giúp giá trị ký mới của các doanh nghiệp Xây lắp tiếp tục được ghi nhận thêm. Trong phiên họp đầu năm Giáp Thìn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt mục tiêu cả nước dành 657,000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.
Quân Mai
FILI
|