Doanh nghiệp sản xuất khởi đầu lạc quan nhưng khó khăn vẫn còn phía trước
Hoạt động tại các nhà máy của nhiều doanh nghiệp có khởi đầu lạc quan với lượng người lao động trở lại công việc nhộn sau kỳ nghỉ Tết. Đơn hàng sản xuất những tháng đầu năm tăng hơn cùng kỳ năm trước, nhưng theo các doanh nghiệp khó khăn thách thức phía trước ngày càng lớn hơn.
Các nhà máy nhộn nhịp với lượng người lao động trở lại công việc đông đủ sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền vừa qua. Ảnh minh họa: DNCC
|
Trở lại guồng sản xuất sau kỳ nghỉ Tết
Không khí sản xuất tại nhà xưởng sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Đức Thiện ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) những ngày này nhộn nhịp hẳn lên khi lượng công nhân quay trở lại làm việc đông đủ sau khoảng 1 tuần nghỉ Tết.
Ông Lê Hà Trọng Châu, Giám đốc sản xuất của doanh nghiệp, cho biết hơn 150 người lao động của nhà máy công ty đang khẩn trương làm việc để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu kéo dài đến tháng 6 tới. So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng chủ yếu xuất đi thị trường Mỹ của công ty năm nay đã tăng được khoảng 10%.
“Tình hình đơn hàng những tháng đầu năm tăng trở lại là động lực để chúng tôi có thể kỳ vọng năm nay hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thuận lợi và khởi sắc hơn sau một năm đầy thách thức và khó khăn. Hy vọng kinh doanh năm nay tăng được 20-30% so với năm ngoái”, ông Châu chia sẻ.
Không riêng Công ty Đức Thiện, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ khác cũng cho biết đơn hàng sản xuất rục rịch trở lại.
Tại tọa đàm giới thiệu Hội chợ quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO 2024) vào ngày 20-2, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, từ cuối năm 2023 và tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã ghi nhận các tín hiệu khả quan với hơn 1 tỉ đô la.
Tương tự với ngành dệt may, một số doanh nghiệp cho biết, đơn hàng đang rục rịch trở lại sau một năm sụt giảm do người tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu lớn siết chặt chi tiêu.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, gần như toàn bộ lực lượng lao động của công ty đã quay trở lại làm việc tại nhà xưởng nhằm kịp đơn hàng cho khách hàng ở Mỹ, Singapore, Campuchia, Malaysia…
“Hiện đơn hàng sản xuất của chúng tôi ký với khách hàng để người lao động có thể làm việc đến hết tháng 4 tới. Con số này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu của công ty năm nay là tăng trưởng 15%.”, ông Quang Anh cho hay
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ số sản xuất của ngành dệt may tháng đầu năm khá khả quan. Trong đó, dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%; sản phẩm vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%…so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp hoạt động các ngành sản xuất khác như cơ khí, điện tử thừa nhận, nhờ đơn hàng tăng nhẹ trở lại so với cùng kỳ năm ngoái nên lực lượng lao động quay trở lại làm việc ổn định ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp lương thực – thực phẩm đang cho thấy sự nhộn nhịp với việc gia tăng sản xuất hiện nay. Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây, cho biết kể từ mùng 6 Tết đến nay, nhân viên tại doanh nghiệp đã phải tăng ca liên tục để sản xuất đơn hàng. Doanh nghiệp cũng đang tuyển thêm 50 công nhân thời vụ để tăng sản xuất.
“Hiện tại, chúng tôi đã có đơn hàng cho cả năm, thậm chí còn không đủ bán. Doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu khoảng 800-1.000 container trong năm nay và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn 300%”, bà Giàu chia sẻ.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) cũng cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp ngành lương thực – thực phẩm liên tiếp nhận được những đơn hàng xuất khẩu mới. Nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đủ để sản xuất đến tháng 3 và 4, thậm chí có doanh nghiệp ổn định được đến tháng 6.
“Lạm phát toàn cầu đang giảm, tồn kho nhóm hàng này trên thế giới cũng giảm nên các đối tác quay lại đặt hàng. Nhiều doanh nghiệp đã tuyển thêm lao động để kịp thời đáp ứng đơn hàng xuất khẩu”, bà Chi chia sẻ.
Các doanh nghiệp cho rằng thông thường tháng đầu năm xuất khẩu có giá trị khá thấp nhưng năm nay lại tăng trưởng cho thấy có nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam.
Phía trước vẫn còn tiềm ẩn khó khăn
Dù khởi đầu năm mới lạc quan nhưng các doanh nghiệp và giới phân tích vẫn có lo ngại vì đơn hàng sản xuất chưa ổn định, mang tính nhỏ lẻ và ngắn hạn hơn trước khá nhiều. Nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh khó dự đoán, khó khăn thị trường còn kéo dài và thời gian phía trước là đầy thách thức…
Phí vận tải container đến châu Âu, Mỹ… đang tăng cao. Trong ảnh là Một tàu hàng đi qua kênh đào Suez, hướng đến Biển Đỏ – Ảnh: EPA
|
Ông Lê Hà Trọng Châu cho biết dù đơn hàng hiện đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với thời điểm trước dịch Covid-19 thì Công ty Đức Thiện hiện cũng chỉ đạt khoảng 70%.
Hay với ngành hàng da giày, tình hình đơn hàng sản xuất còn khá thấp, chưa hồi phục như những ngành khác… Hiện nay lượng công nhân trở lại công việc vẫn còn thấp.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TPHCM, ngành gỗ nói riêng và các ngành hàng khác xuất khẩu nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức do xung đột giữa các quốc gia ngày càng phức tạp. Điều này ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 cho rằng, năm nay doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải đối diện với những tồn tại nối tiếp của năm 2023 như xung đột chính trị, chiến tranh, căng thẳng Biển Đỏ…
Đáng quan ngại hơn, sự gián đoạn của vận tải liên quan khu vực Biển Đỏ đang làm đội chi phí vận chuyển hàng đi châu Âu và Mỹ…
Hiện nay vấn đề cước phí của hãng tàu sang 2 thị trường lớn nhất của xuất khẩu đồ gỗ là Mỹ và Châu Âu bị gián đoạn khiến việc đáp ứng đơn hàng không kịp thời. Vận chuyển trục trặc khiến cước phí tăng lên hơn gấp đôi, cụ thể là sang Mỹ giá cước trên 4.000 đô la Mỹ/container, áp lực cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu về chi phí đầu vào.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Sadaco, cũng cho rằng tăng trưởng đơn hàng sản xuất hiện nay vì cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu ngành đồ gỗ bị sụt giảm quá sâu. Đơn hàng hiện nay chỉ mang tính nhỏ lẻ, không ổn định và giá bán không tăng. Trong khi đó, chi phí đầu vào và sản xuất tăng lên tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, theo ông Mạnh, xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện đã có nhiều thay đổi khi doanh nghiệp chỉ nhận được đơn hàng theo thời gian ngắn và nhà nhập khẩu yêu cầu cao hơn về mẫu mã, chất lượng của sản phẩm…
“Đơn hàng hiện khác trước rất nhiều, không còn xuất khẩu ồ ạt hàng chục container mà thay vào đó doanh nghiệp tập trung vào hàng mẫu để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Việc làm hàng mẫu khá tốn kém và đòi hỏi nhân sự giỏi cũng là một vấn đề doanh nghiệp phải giải quyết”, ông Mạnh nói.
Hoạt động tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: H.Như
|
Tương tự, dù nhận định ngành lương thực – thực phẩm có tiềm năng tăng trưởng tốt, nhưng theo bà Lý Kim Chi, yêu cầu thị trường của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều thách thức.
“Chúng tôi luôn cảnh báo doanh nghiệp chú trọng chất lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng cường xuất các mặt hàng thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn… theo thị hiếu tiêu dùng trên thế giới”, bà Chi nói.
Cạnh tranh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải tham gia vào chế biến sâu. Một vấn đề quan trọng khác mà doanh nghiệp các ngành cần nỗ lực đạt được là sản xuất xanh, thân thiện môi trường. Hơn nữa, chế tài mà các nhãn hàng, thị trường nhập khẩu lớn đặt ra ngày càng khắt khe hơn.
Tất cả yêu cầu phải đầu tư máy móc, công nghệ… Muốn làm như vậy, doanh nghiệp phải có vốn, trong khi doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa mỏng vốn.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp có chung nhận định, một trong những việc cấp thiết cần chú trọng là duy trì khách hàng truyền thống, cố gắng mở rộng những thị trường mới. Bên cạnh đó, tăng cường đa dạng hóa các kênh bán hàng từ truyền thống và phi truyền thống.
Ngoài ra, việc cải tổ quản lý, giảm chi phí đầu vào, đầu tư cải tiến sản xuất kinh doanh để từng bước “xanh hóa” sản xuất… cũng là những việc làm cần thiết để cạnh tranh và là bước chuẩn bị tốt để khi thị trường phục hồi như trước đây.
“Điều quan trọng với doanh nghiệp lúc này phải thận trọng, bình tĩnh để đưa ra chiến lược kinh doanh có hiệu quả”, ông Điền Quang Hiệp nhận định.
Hùng Lê
TBKTSG
|