Chứng khoán toàn cầu lập kỷ lục, nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường đã tới vùng nguy hiểm
Thị trường chứng khoán toàn cầu lập kỷ lục trong tuần này khi cơn sốt xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI) châm ngòi cho tâm lý phởn phơ ở các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảm thấy lo ngại cơn sốt có thể sắp tới hồi kết khi định giá đã lên tới mức quá cao.
Nguy hiểm cận kề
Oliver Bäte, CEO của Allianz – công ty đang quản lý khối tài sản trị giá 1.85 ngàn tỷ USD, cảnh báo “thị trường đang ở vùng rất nguy hiểm”.
“Chúng tôi rất cẩn trọng về một số mức định giá ở lĩnh vực công nghệ”, ông nói trên chương trình “Squawk Box Europe” của CNBC trong ngày 23/02.
Những báo cáo tài chính mới từ các công ty châu Âu cùng với tác động tích cực từ kết quả kinh doanh “bom tấn” của Nvidia đã giúp chứng khoán châu Âu nối dài đà tăng trong ngày 23/02. Trong đó, Stoxx 600 khép phiên ở mức kỷ lục. Các chỉ số DAX của Đức và CAC của Pháp cũng lập kỷ lục.
Ở châu Á-Thái Bình Dương, Nikkei 225 của Nhật Bản cũng lên mức cao nhất mọi thời đại 39,098.68 điểm, vượt mức kỷ lục 38,915.87 điểm xác lập trong năm 1989.
Trên Phố Wall, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng liên tiếp lập kỷ lục mới.
AI đối mặt bài kiểm tra thực tế
Những bước tăng phi mã của chứng khoán toàn cầu diễn ra giữa cơn cuồng nhiệt về AI cùng với các tác động của nó tới nền kinh tế toàn cầu.
Cổ phiếu Nvidia đã tăng 16% và vốn hóa thị trường tăng thêm 277 tỷ USD trong ngày 23/02 sau khi công bố kết quả kinh doanh bùng nổ.
Trong quý kết thúc vào ngày 31/01/2024, Nvidia ghi nhận doanh thu gấp hơn 3 lần cùng kỳ và lãi ròng gấp hơn 8 lần nhờ nhu cầu chip AI tăng vọt. Mức tăng vốn hóa 277 tỷ USD trong 1 phiên cũng là mức cao nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ.
Trong ngày 23/02, Bill Winters, CEO của Standard Chartered, cho hay đà tăng gần đây chủ yếu đến từ cơn sốt về AI và công ty của ông cũng hưởng lợi rất nhiều từ công nghệ này. Trước đó, Standard Chartered vừa ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 18% và thông báo chi 1 tỷ USD để mua lại cổ phiếu quỹ.
Cơn sốt kéo dài đến bao giờ?
Trong bối cảnh hưng phấn đó, Philippe Ferreira, Phó Trưởng phòng kinh tế và chiến lược tài sản tại Kepler Cheuvreux, lại cảm thấy hoài nghi liệu cơn cuồng nhiệt AI sẽ kéo dài bao lâu.
“Trong năm nay, nhiều khả năng chủ đề AI sẽ đối mặt với bài kiểm tra thực tế (reality check) ở cấp độ từng công ty”, ông nói. “Các giao dịch xoay quanh AI có thể kéo dài thêm đôi chút, nhưng dường như đang dần tiến tới những mức kỹ thuật quan trọng có thể dẫn tới hành động chốt lời”.
Trong tuần này, giới đầu tư ở Mỹ rót vốn vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu công nghệ, từ đó đẩy Dow Jones và S&P 500 lên kỷ lục mới. Nasdaq Composite cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong 1 năm qua, với mức tăng gần 3% trong ngày 22/02.
Với ông Ferreira, “cột mốc 18,300 điểm của Nasdaq Composite có thể là điểm dẫn tới hành vi chốt lời”.
Còn với nhà quản lý quỹ Bäte của Allianz, rất nhiều rủi ro vẫn còn đang hiện hữu lĩnh vực công nghệ. “Nếu là nhà đầu tư tổ chức, bạn cần phải cẩn trọng đôi chút”, ông nói.
“Hiện đang có quá nhiều rủi ro trong môi trường đầu tư, có nhiều hoài nghi về thị trường tín dụng và bất động sản”, ông nói. “Mọi thứ đang trở nên rất nguy hiểm”.
Ở bên kia bán cầu, đà tăng của chứng khoán Nhật Bản cũng khiến một số nhà đầu tư cảm thấy lo ngại. Aoifinn Devitt, Giám đốc đầu tư tại Moneta, chia sẻ cú bứt phá gần đây dường như đã kéo sự chú ý của nhà đầu tư ra khỏi các yếu tố cơ bản của thị trường.
“Tôi cảm thấy lo ngại khi chứng khoán Nhật Bản tăng quá nhanh và quá mạnh, trong khi một số yếu tố cơ bản xoay quanh yếu tố dân số và lịch sử giảm phát vẫn chưa thực sự thay đổi quá nhiều”, bà chia sẻ.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|