Chiêu lừa đảo tuy cũ mà mới: Đánh cắp thông tin để ship hàng “rởm” nhặt “bạc lẻ”
Lợi dụng người mua sắm online nhiều trong dịp tết Nguyên đán, kẻ gian đã đánh cắp thông tin khách hàng và ship những gói hàng giá trị nhỏ - chỉ khoảng 30,000 đồng - để “nạn nhân” mất cảnh giác mà nhận hàng của chúng.
Mua sắm online đã trở thành xu hướng khi chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối internet là khách hàng đã có thể sở hữu được món hàng “hợp mắt” ở bất kỳ đâu mà không cần phải bỏ thời gian và công sức đi lại; còn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng tiết kiệm được khoản lớn chi phí thuê mặt bằng và nhân công, giúp tối đa hóa lợi nhuận. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, người Việt dành đến 6.38 giờ mỗi ngày để truy cập internet và 58.2% trong số đó dùng để mua hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, đi đôi với sự tiện lợi, mua sắm online cũng trở thành cơ hội cho những kẻ gian “giăng bẫy” lừa đảo. Đó là tình trạng giả dạng shop quen của người mua hàng rồi ship những món hàng giá trị nhỏ để “nạn nhân” không cảnh giác mà nhận hàng của chúng.
Ship hàng “rởm” nhặt “bạc lẻ”
Những ngày cận tết, các chị em mua hàng online nhiều đã “dính bẫy” của chiêu trò tuy cũ nhưng mới này. Theo đó, lợi dụng lỗ hổng từ các ứng dụng, các đối tượng xấu đã hack được thông tin của người mua hàng để trục lợi.
Chị Thảo My (ngụ TPHCM) kể: “Shipper gọi điện báo tôi có đơn hàng 30 ngàn đồng từ shop quen với nội dung là quà tri ân. Nghĩ đây là quà của shop thân thiết tặng mình và 30 ngàn đồng chắc là tiền ship nên tôi không mảy may nghi ngờ gì. Hơn nữa, do đi làm, tôi không có ở nhà để kiểm tra đơn hàng trong khi shipper phải đứng chờ chỉ để lấy mỗi tiền ship 30 ngàn đồng nên tôi đã nhờ người nhà nhận hàng giúp mình.
Chủ shop thông báo cảnh giác cho khách hàng
|
Sau khi nhận hàng xong, tôi nhắn tin cho chủ shop quen hỏi về việc tặng quà tri ân thì mới biết đó là đơn ảo, chủ shop không hề lên đơn tặng quà như vậy.
Gói hàng bị lừa đảo
|
Biết mình bị lừa, nhưng giá trị chỉ có 30 ngàn đồng nên tôi cũng đành tặc lưỡi cho qua. Khi về mở gói hàng, bên trong là một chiếc móc khóa in dòng chữ “A Di Đà Phật”. Tôi đã lên các trang thương mại điện tử để dò giá thì biết được chiếc móc khóa này giá chỉ 7 ngàn đồng.
Không ngờ là hôm sau, shipper lại gọi điện, báo tôi có một đơn hàng tri ân, cũng chỉ thu phí 30 ngàn đồng từ chính shop đó. Lúc này, tôi đã từ chối nhận hàng và báo với shipper đó là lừa đảo để shipper không nhận ship những đơn như vậy nữa”.
Móc khóa được bán trên các sàn thương mại điện tử
|
Với câu chuyện của chị My, câu hỏi đặt ra là chỉ với 30 ngàn đồng mỗi đơn hàng thì nếu ship “lụi” thành công, sau khi trừ đi phí ship (khoảng 15 - 20 ngàn đồng) và giá vốn chiếc móc khóa (khoảng 7 ngàn đồng) thì kẻ gian có thể thu về được ít nhất là 3 ngàn đồng. Hơn nữa, đối tượng lừa đảo không chỉ giao 1 đơn mà cùng lúc giao từ 3 - 5 đơn cho khách. Nếu có 100 đơn hàng giao thành công thì chúng cũng chỉ thu được 300 ngàn đồng.
Cũng phải nói thêm rằng, nhiều người khá chủ quan trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Hành động để lộ số điện thoại, địa chỉ cá nhân công khai trên các trang mạng xã hội sẽ dễ dàng bị kẻ gian lợi dụng để ship hàng lừa đảo. Thói quen vứt bao bì gói hàng có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại bên ngoài cũng tạo điều kiện cho kẻ gian biết được sở thích mua sắm của người mua, từ đó lên kế hoạch giăng bẫy.
Dính bẫy “lời đường mật”
Ngoài đánh cắp thông tin, các nhóm lừa đảo còn lợi dụng nhu cầu tìm việc làm thêm, gia tăng thu nhập khi dịp tết Nguyên đán đang đến gần.
Dù ông bà ta từ ngày xưa đã có câu thành ngữ “mật ngọt chết ruồi” để nhắc nhở con cháu hãy cẩn thận với những cạm bẫy, vẫn có không ít người nhẹ dạ nhảy vào để rồi nhận lấy “cái kết đắng”.
Đánh vào lòng tham của nhiều người, bọn lừa đảo đăng tuyển cộng tác viên làm online với lời mời hấp dẫn “việc nhẹ lương cao” như chỉ cần xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, giựt đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ được nhận hoa hồng...
Cụ thể, với mỗi lần tương tác, giựt đơn ảo trên các sàn thương mại, “nạn nhân” sẽ được bọn lừa đảo hoàn trả tiền cộng thêm tiền “hoa hồng” từ 10% đến 20% giá trị đơn hàng. Ban đầu, với những đơn lẻ có giá trị từ 15,000 đồng đến 50,000 đồng, “nạn nhân” mua và vẫn được hoàn tiền cùng hoa hồng về tài khoản. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề muốn rút số tiền này về tài khoản, lập tức bọn lừa đảo bảo rằng cần thực hiện thêm những đơn hàng với mệnh giá cao hơn từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng để thêm tiền thưởng mới rút được. Chờ cho “con mồi” nộp số tiền lớn, chúng sẽ “ẵm trọn” rồi biến mất vào hư không.
Ngoài ra, kẻ gian còn giả dạng là người mua hàng “béo bở” khi chốt đơn hàng số lượng lớn (mua hàng tết) và đề nghị thanh toán bằng chuyển khoản qua internet banking. Nhưng thực chất, các đối tượng không chuyển tiền thật, mà sử dụng một số phần mềm tạo dựng biên lai thanh toán giả chuyển tiền và đưa cho người bán xem, để người bán tin mà giao hàng.
Có thể thấy, kẻ gian đã đang và sẽ bày ra trăm phương ngàn kế khác nhau để “giăng bẫy” người nhẹ dạ, cả tin. Để hạn chế tối đa việc rơi vào bẫy, bản thân mỗi người cần nâng cao kỹ năng nhận biết, nhận diện vấn đề cũng như nâng cao tinh thần cảnh giác, đề phòng bằng cách thường xuyên cập nhật các bài viết cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới trên các phương tiện truyền thông.
Trước những lời mời có cánh, phải thật sự tỉnh táo, tìm hiểu thật kỹ và liên hệ thực tế; đặc biệt không được đặt cọc tiền hay chuyển tiền cho một bên thứ ba mà mình không hề biết rõ.
Khang Di
FILI
|