Chỉ có hai doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 01/2024
Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày công bố thông tin 31/01/2024, có hai đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ từ hai doanh nghiệp trong tháng 1/2024 với tổng giá trị 1,650 tỷ đồng, giảm gần 98% so với tháng 12/2023.
*Kỷ lục gần 66 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 12
Tuy tổng giá trị phát hành TPDN riêng lẻ trong tháng 1/2024 khá khiêm tốn, nhưng cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước, khi đó chỉ có duy nhất CTCP Đầu tư Phan Vũ phát hành thành công 110 tỷ đồng trái phiếu.
Nhìn xa về giai đoạn cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt đạt tổng giá trị phát hành 2,942 tỷ đồng và 39,516 tỷ đồng, tổng giá trị phát hành trong tháng 1/2024 đã giảm đáng kể.
Nhóm ngân hàng thương mại chưa có đợt phát hành nào trong tháng 1/2024, đối lập hoàn toàn so với tháng 12/2023 phát hành kỷ lục 62 đợt với giá trị gần 55,000 tỷ đồng.
Trong khi đó, hai đợt phát hành với tổng giá trị 1,650 tỷ đồng trong tháng 1/2024 tới từ hai doanh nghiệp là CTCP Đầu tư và Phát triển Vận tải, và Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận.
Doanh nghiệp công bố huy động thành công TPDN riêng lẻ tháng 1/2024
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: HNX, người viết tổng hợp
|
Cụ thể, ngày 26/01, CTCP Đầu tư và Phát triển Vận tải phát hành lô trái phiếu TRACH2427001 giá trị 450 tỷ đồng – gấp hơn 4 lần vốn điều lệ của Công ty. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 6.5%/năm; là loại không chuyển đổi, có kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Đầu tư và Phát triển Vận Tải thành lập ngày 30/06/2006, vốn điều lệ hơn 112.6 tỷ đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Công ty có trụ sở tại số 65 phố Cảm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Công ty là bà Nguyễn Hương Giang. Ngoài ra, bà Giang còn đang là người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp như CTCP Ví điện tử A+, CTCP Ataka Việt Nam và Văn phòng Đại diện CTCP Ataka Việt Nam.
Được biết, trước bà Giang là ông Nguyễn Quý Lâm đảm nhiệm các chức vụ tại Đầu tư và Phát triển Vận Tải. Cả hai cá nhân này cùng Ataka Việt Nam đều có liên quan đến nhóm công ty tên “đậm chất Nhật”. Hồi cuối tháng 12/2023, nhóm này đã tất toán toàn bộ 25,000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành trong giai đoạn 2017-2019, trong đó CTCP Hakuba tất toán 30 lô, CTCP Yamagata 36 lô, CTCP Azura 54 lô và Ataka 50 lô.
*Nhóm công ty tên “đậm chất Nhật” ồ ạt mua lại lượng lớn trái phiếu trước hạn
Chiếm đa số nguồn vốn huy động từ TPDN riêng lẻ trong tháng 1/2024 là Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận (BOT Ninh Thuận) với giá trị 1,200 tỷ đồng, kỳ hạn 9.75 năm và lãi suất 10.5%/năm.
Đây là lô trái phiếu “ba không” gồm không bảo đảm, không chuyển đổi và không kèm chứng quyền, được phát hành và hoàn tất trong cùng ngày 29/01/2024. Đây cũng là lô trái phiếu duy nhất mà BOT Ninh Thuận đang lưu hành.
BOT Ninh Thuận thành lập ngày 25/07/2014, vốn điều lệ ban đầu hơn 422 tỷ đồng; hoạt động chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Tháng 7/2020, Công ty tăng vốn lên hơn 599 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay. Trụ sở chính của Công ty đặt tại số 477-479 An Dương Vương, phường 11, quận 6, TPHCM.
Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Công ty hiện là ông Huỳnh Thái Hoàng (sinh năm 1972). Ông Hoàng còn là Người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng Ninh Thuận.
BOT Ninh Thuận là công ty con do CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) sở hữu 100% vốn, đồng nghĩa trở thành công ty con gián tiếp của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HOSE: CII). BOT tỉnh Ninh Thuận được thành lập nhằm mục đích triển khai dự án mở rộng tuyết tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Phan Rang (Ninh Thuận).
*BOT Ninh Thuận huy động 1,200 tỷ đồng trái phiếu, bên mua là công ty mẹ CII
Trong diễn biến khác, dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho thấy, đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi mã CII42301 ra công chúng của CII đã kết thúc vào ngày 25/01.
Theo đó, 4,033 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua 22.8 triệu trái phiếu (tỷ lệ 80.14%), 73 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mua 70,734 trái phiếu (tỷ lệ 0.25%), và 24 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua 5.3 triệu trái phiếu (tỷ lệ 18.66%).
Tổng số trái phiếu được phân phối thành công là 28.13 triệu trái phiếu, chiếm 99.05% lượng chào bán (28.4 triệu trái phiếu). Sau khi trừ đi các chi phí, CII thu về 2,812 tỷ đồng.
Số tiền thu được, CII sẽ đầu tư trái phiếu do BOT Ninh Thuận phát hành (1,200 tỷ đồng), đầu tư trái phiếu do Công ty Xa lộ Hà Nội hơn 523 tỷ đồng, còn lại dùng để thanh toán cho hai lô trái phiếu CIIB2024009 (500 tỷ đồng) và CIIB2124001 (590 tỷ đồng).
Như vậy, nhà đầu tư đã mua lô trái phiếu do BOT Ninh Thuận Phát hành cũng chính là công ty mẹ CII.
Trong tháng 01/2024, Tập đoàn VINGROUP – CTCP (HOSE: VIC) cũng kết chúc đợt chào bán 2,000 tỷ đồng trái phiếu mã VHC2326002 ra công chúng với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 15%/năm cho năm đầu tiên và sau đó thả nổi với mức bù 4.5% cao hơn lãi suất tham chiếu. Nhà đầu tư mua gồm 2 tổ chức trong nước (số lượng mua chiếm 99.7%) và 9 cá nhân trong nước (0.3%). Đây là đợt chào bán thứ hai trong tổng số ba đợt, với tổng tiền cần huy động là 60 ngàn tỷ đồng của VIC.
Sắp tới, một số doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu chủ yếu là các ngân hàng thương mại như HDBank, VietBank và hai doanh nghiệp trong ngành bất động sản gồm Vingroup và Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HOSE: DIG), tổng giá trị phát hành dự kiến hơn 10,000 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích thị trường trái phiếu mới nhất, CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) kỳ vọng thị trường trái phiếu sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024 trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi. Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, môi trường lãi suất thấp, cũng như các quy định pháp lý rõ ràng sẽ thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư.
Thế Mạnh
FILI
Kỷ lục gần 66 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 12
Kỷ lục gần 66 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 12
|