Cần Thơ: Nhiều hạn chế sau 5 năm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất dự án đầu tư ngoài ngân sách
Thực hiện Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày 07/8/2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ, ngày 07/12/2018, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất dự án đầu tư ngoài ngân sách ở thành phố Cần Thơ nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sau 05 năm triển khai, thành phố chưa ghi nhận trường hợp đề xuất được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND.
Quy định về hỗ trợ lãi suất dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Nhằm thu hút đầu tư, huy động hiệu quả nguồn lực từ xã hội, từ khu vực kinh tế tư nhân trong đầu tư và phát triển thành phố, cũng như trên cơ sở phân cấp tại Điều 6 Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày 07/8/2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ : “Thành phố được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách thành phố”.
Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố đã ban hành Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách Nhà nước; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, tại Điều 2 Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND quy định cụ thể một số nội dung về chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách Nhà nước như sau:
- Về nguyên tắc hỗ trợ, các dự án được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ theo quy định thì chỉ được lựa chọn để hưởng một chính sách hỗ trợ tốt nhất.
- Về lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất: (i) Du lịch cộng đồng; (ii) Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; (iii) Phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp tại các quận, huyện; (iv) Các chợ xã xây dựng và nâng chất nông thôn mới, không gắn với đầu tư khu dân cư nông thôn; (v) Các dự án bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây.
- Về mức hỗ trợ lãi suất theo quy mô dự án: (i) Đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 50 tỷ đồng, mức hỗ trợ lãi suất không quá 03 tỷ đồng/dự án; (ii) Đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng, mức hỗ trợ lãi suất không quá 05 tỷ đồng/dự án; (iii) Đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên, mức hỗ trợ lãi suất không quá 15 tỷ đồng/dự án.
- Về tỷ lệ hỗ trợ lãi suất theo địa bàn: (i) Đối với các dự án đầu tư trên địa bàn các huyện: Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ được hỗ trợ 90% lãi suất, nhưng không vượt quá mức tối đa theo mức hỗ trợ lãi suất theo quy mô dự án; (ii) Đối với các dự án đầu tư trên địa bàn các quận: Ô Môn, Cái Răng, Thốt Nốt, Bình Thủy được hỗ trợ 75% lãi suất, nhưng không vượt quá mức tối đa theo mức hỗ trợ lãi suất theo quy mô dự án; (iii) Đối với dự án đầu tư trên địa bàn quận Ninh Kiều được hỗ trợ 50% lãi suất, nhưng không vượt quá mức tối đa theo mức hỗ trợ lãi suất theo quy mô dự án.
- Về thời gian hỗ trợ lãi suất vay vốn: Không quá 05 năm kể từ ngày giải ngân lần đầu và không vượt quá thời hạn vay vốn của chủ đầu tư thể hiện trên hợp đồng tín dụng với các tổ chức tài chính - tín dụng cho vay.
- Về điều kiện hỗ trợ lãi suất: (i) Đúng đối tượng, thuộc danh mục dự án được hỗ trợ lãi suất do UBND thành phố ban hành; (ii) Các chủ đầu tư có vay vốn tại các tổ chức tài chính - tín dụng (bao gồm cả Quỹ Đầu tư phát triển thành phố) để thực hiện dự án và sử dụng vốn vay đúng mục đích; (iii) Các dự án đầu tư phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực hoạt động; (iv) Chủ đầu tư phải hoàn trả vốn gốc và lãi theo phân kỳ đã quy định của hợp đồng tín dụng. Ngân sách không thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các dự án vay vốn trả một lần khi đến hạn. Trường hợp các chủ đầu tư thực hiện cơ cấu lại khoản vay thì các hợp đồng tín dụng ký mới phải có các điều khoản về thời gian ân hạn, trả nợ gốc và mức lãi suất không làm phát sinh tăng vượt mức dự kiến được hỗ trợ của hợp đồng ban đầu và dự án được duyệt. Trường hợp các điều khoản về trả nợ gốc, lãi suất, thời gian ân hạn làm phát sinh tăng số vốn hỗ trợ từ ngân sách so với hợp đồng ban đầu thì ngân sách hỗ trợ theo các điều khoản của hợp đồng ban đầu.
Nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai
Từ khi Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND được ban hành, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai như: Công văn số 1032/UBND-KT ngày 03/4/2019 về phân công nhiệm vụ cụ thể các sở ngành; Công văn số 3506/UBND-KT ngày 18/11/2020 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các chính sách hỗ trợ; hướng dẫn, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng tiếp cận và được hưởng chính sách. Đồng thời, phân công nhiệm vụ các Sở, ngành trong thẩm định hồ sơ đề nghị, trình UBND thành phố theo quy định; thực hiện các nội dung trong dự toán kinh phí chi hỗ trợ hàng năm, các thủ tục thanh quyết toán theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành lồng ghép công tác tuyên truyền, thông tin các nội dung hỗ trợ của Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND vào các nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành của doanh nghiệp của từng ngành, từng địa phương; kết hợp tuyên truyền vào nội dung các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, kỹ năng điều hành doanh nghiệp, nghiệp vụ tài chính doanh nghiệp, nghiệp vụ thuế…
Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND được ban hành và có hiệu lực đến nay, chưa ghi nhận trường hợp đề xuất được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND. Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều nhận thức rõ được sự khó khăn của ngân sách nhà nước, do đó không đặt nặng mong muốn được hỗ trợ tài chính từ các nguồn ngân sách nhà nước, mà đa số nhà đầu tư đều mong muốn thành phố có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư hơn nữa về thủ tục hành chính, đặc biệt là các nội dung liên quan đến ưu đãi về đất đai, tiếp cận tín dụng để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng cho rằng còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào các lĩnh vực được hỗ trợ, cụ thể: quy mô dự án bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây có mức đầu tư cao; việc đầu tư các chợ xã không gắn với đầu tư khu dân cư nông thôn, hiệu quả thấp nên các nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa quan tâm. Đồng thời, các quy định chặt chẽ về điều kiện hỗ trợ được xây dựng dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn của dự án; theo đó, yêu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải công khai các thông tin về các khoản tín dụng tại các tổ chức tài chính – tín dụng. Do đó, các doanh nghiệp vì muốn đảm bảo bí mật kinh doanh nên không muốn công khai hồ sơ dự án của mình để được hưởng chính sách theo quy định.
Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền chưa hiệu quả. Mặc dù thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai, công bố để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, đăng ký kịp thời để được xem xét hưởng các chính sách hỗ trợ nhưng công tác thông tin tuyên truyền, triển khai còn gián đoạn, chưa liên tục, nên có nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được hết quy định của Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND. Thậm chí còn ghi nhận trường hợp nhầm lẫn giữa chính sách hỗ trợ lãi suất vay với chính sách cho vay. Điều này dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp ít quan tâm đến việc lập hồ sơ đề xuất hưởng các chính sách hỗ trợ.
Thứ tư, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND chưa thật sự bao quát. Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND chỉ hỗ trợ những đối tượng là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể trong nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và loại trừ các dự án, doanh nghiệp có vốn đầu tư có nguồn gốc từ nhà nước, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án có nhiều hơn 01 nhà đầu tư đề xuất thực hiện và các dự án thay đổi chủ đầu tư. Qua đó, chưa thu hút hiệu quả đa dạng các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố.
Thứ năm, chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục để hưởng chính sách hỗ trợ. Mặc dù đã được ban hành và có hiệu lực hơn 05 năm, nhưng UBND thành phố và các Sở, ngành chưa xây dựng và ban hành được những quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục hành chính, hồ sơ, biểu mẫu phục vụ cho việc đề xuất hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND. Do đó, dẫn đến những khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp muốn tiếp cận chính sách này.
Thứ sáu, hiện nay, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng dẫn đến không tiếp cận được chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND; bởi lẽ, quy định tại Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND chỉ hỗ trợ, cấp bù lãi suất khi nhà đầu tư vay được vốn của các tổ chức tín dụng. Theo đó, một số nguyên nhân làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng như: (i) Năng lực hoạt động, quản trị và lập kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, dẫn đến các phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, hiệu quả; các tổ chức tài chính – tín dụng khó kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp, khó đánh giá hiệu quả các phương án sản xuất kinh doanh; (ii) Tài sản đảm bảo, thế chấp của doanh nghiệp có giá trị thấp, thiếu hoặc không đủ giấy tờ xác nhận về tài sản đảm bảo; (iii) Một số doanh nghiệp mặc dù đủ điều kiện vay vốn nhưng lại chưa có nhu cầu do còn gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm; (iv) Chế độ báo cáo thống kê, kế toán của doanh nghiệp chưa theo chuẩn mực gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi thẩm định. Cụ thể, sổ sách kế toán của các doanh nghiệp chưa được ghi chép nghiêm chỉnh và trung thực dẫn đến việc cung cấp sổ sách kế toán cho cán bộ tín dụng thẩm định chủ yếu mang tính hình thức gây khó khăn khi phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp, gây khó khăn khi tổ chức tài chính – tín dụng xem xét cho vay.
Hiện nay, sau khi được Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phối hợp với các Sở, ngành và cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND. Song song đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, ban hành các hướng dẫn mang tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị định số 103/2018/NĐ-CP.
Đinh Tấn Phong - Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ
FILI
|