Thứ Năm, 29/02/2024 09:02

Bất chấp khó khăn, sàn chứng khoán có 137 doanh nghiệp lãi kỷ lục trong năm 2023

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, trong bối cảnh thế giới chống chọi với cuộc chiến lạm phát và nhiều bất ổn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vẫn có lãi kỷ lục.

GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính tăng 5.05% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt trên 10.2 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3.25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4.5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

137 doanh nghiệp báo lãi kỷ lục

Năm 2023, có đến 137 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCoM) báo lãi kỷ lục. Trong đó, 13 doanh nghiệp sở hữu mức lãi vượt 1 ngàn tỷ đồng, bao gồm: ACV, MCH, FPT, VRE, FOX, GMD, QNS, KBC, PNJ, VOC, SSH, DHGBMP.

137 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán báo lãi kỷ lục năm 2023 (Đvt: Tỷ đồng)

Dù nhận định thị trường vận tải hàng không quốc tế phục hồi chưa đạt kỳ vọng, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) vẫn lãi kỷ lục trong năm 2023 và đứng đầu về mức lãi trong danh sách. Cụ thể, ông trùm cảng hàng không Việt Nam ghi nhận lần lượt hơn 20 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần và gần 8.6 ngàn tỷ đồng lãi ròng, tăng 45% và 21% so với năm trước.

ACV cho biết, trong năm 2023, đã phục vụ 113.5 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt 32.6 triệu lượt khách, tăng 173% so với năm 2022. Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1,207 ngàn tấn. Tổng hạ - cất cánh đạt 710 ngàn lượt chuyến.

Ông lớn ngành công nghệ thông tin của Việt Nam là CTCP FPT (HOSE: FPT) cũng tham gia “câu lạc bộ” lãi kỷ lục năm 2023 khi doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 24,288 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2022. Động lực từ khối công nghệ đã giúp FPT lãi ròng gần 6.5 ngàn tỷ đồng, tăng 22%.

Kết quả trên có được là nhờ các thị trường trọng điểm của khối công nghệ vẫn giữ được đà tăng trưởng như thị trường Nhật Bản tăng hơn 43% doanh thu, bất chấp sự mất giá của đồng Yên, do nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.

Lĩnh vực bất động sản là năm bội thu của nhóm khu công nghiệp. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) lãi kỷ lục từ chính hoạt động cốt lõi là cho thuê đất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

Doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp năm 2023 của KBC tăng đột biến lên hơn 5,247 tỷ đồng, gấp 8 lần năm trước. Nhờ đó, KBC lãi xấp xỉ 2 ngàn tỷ đồng, tăng 31%.

Trường hợp của CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) cho thấy lãi ròng vượt ngàn tỷ đồng không phải nhờ doanh thu thuần tăng trưởng mà nhờ lợi thế về chi phí giá vốn.

BMP được hưởng lợi từ hệ sinh thái của ông lớn ngành nhựa Thái Lan là Tập đoàn SCG, sở hữu gián tiếp BMP thông qua Nawaplastic Industries (nắm 54.99% vốn BMP tại cuối năm 2023). Bên cạnh đó, Công ty còn có khả năng tăng nhập PVC từ DGC khi nhà máy Đức Giang Nghi Sơn đi vào hoạt động, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung nguyên liệu, theo báo cáo của Chứng khoán KBSV công bố vào tháng 10/2023. Nhờ đó, biên lãi gộp 2023 ở mức 41%, cao hơn so với mức 34% năm trước, giúp nâng cao lợi nhuận.

Khác với các doanh nghiệp kể trên, động lực dẫn đến mức lãi kỷ lục của Gemadept (HOSE: GMD) không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ hoạt động tài chính.

Trong quý 2/2023, GMD đã chuyển nhượng toàn bộ 84.66% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư bao gồm CTCP Container Việt Nam (Viconship, HOSE: VSC), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy, Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng và ông Nguyễn Đình Hưởng. Qua đó, GMD ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính hơn 1,840 tỷ đồng.

Với nguồn doanh thu tài chính đột biến trên, GMD khép năm 2023 với mức lãi ròng kỷ lục gần 2,222 tỷ đồng, gấp 2.2 lần so với năm 2022, dù doanh thu thuần gần như đi ngang.

67 doanh nghiệp lỗ kỷ lục

Ngược với những doanh nghiệp kể trên, cũng có nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán phải lỗ kỷ lục trong năm 2023 do nhiều yếu tố, đa phần là doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ.

67 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán lỗ kỷ lục năm 2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Tiêu biểu trong các doanh nghiệp lỗ kỷ lục là CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) khi lỗ ròng gần 880 tỷ đồng, phần lớn là do trích lập dự phòng nợ xấu (hơn 500 tỷ đồng).

Hoạt động kinh doanh của SMC bắt đầu gặp khó khăn từ nửa cuối năm 2022 khi cuộc khủng hoảng bất động sản nổi lên; cùng với đó là sự suy yếu của cả nền kinh tế.

Với một doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại thép xây dựng cao như SMC (khoảng 40%), tình trạng công trình đứng và công nợ chồng chất chưa thu hồi được đã giáng đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, nhu cầu chung của nền kinh tế cũng chững lại khi thu nhập người dân giảm sút. 2 mảng còn lại là sản xuất thép và gia công cũng không quá khả quan.

Nói về khó khăn trong năm 2023, không thể không nhắc đến lĩnh vực bất động sản. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, dù nhiều luật mới được thông qua nhưng vẫn cần thời gian để thị trường dần hấp thụ. Do đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành lỗ, thậm chí là lỗ kỷ lục trong năm qua.

CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) là một trong những doanh nghiệp nổi bật của nhóm này khi doanh thu âm đến 37 tỷ đồng do giá trị bất động sản bị trả lại hơn 85 tỷ đồng. Hệ quả là Công ty khép lại năm 2023 với mức lỗ kỷ lục 374 tỷ đồng. Trên thực tế, kết quả kinh doanh năm qua của LDG chịu nhiều ảnh hưởng từ vụ việc tại khu dân cư Tân Thuận - xây dựng trái phép 500 căn biệt thự, bên cạnh đó là xáo trộn cấu trúc thượng tầng khi cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bị bắt do liên quan đến vụ án.

Một doanh nghiệp bất động sản cũng phải lỗ lịch sử là CTCP DRH Holdings (HOSE: DRH) khi không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh bất động sản lẫn bán hàng. Kết quả DRH lỗ ròng 95 tỷ đồng trong năm 2023 (năm trước lãi chưa đến 100 triệu đồng). Đây là mức lỗ cao nhất của DRH kể từ khi niêm yết.

Khi thị trường khó khăn, không chỉ chủ đầu tư mà cả đơn vị môi giới bất động sản cũng chịu chung số phận. CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS) chỉ đạt gần 2 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2023, giảm hơn một nửa so với năm trước.

Nguyên nhân nằm ở việc doanh thu từ dịch vụ bất động sản như môi giới giảm mạnh, chỉ còn gần 648 tỷ đồng, trong khi năm trước là hơn 2.3 ngàn tỷ đồng; cộng với khoản lỗ từ công ty liên doanh liên kết hơn 107 tỷ đồng, DXS lần đầu lỗ kể từ khi niêm yết với hơn 168 tỷ đồng.

Số lượng nhân viên của DXS tại ngày 31/12/2023 chỉ còn 2,275 người, giảm gần 32% so với đầu năm.

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   TRT: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng dự kiến để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2024 (15/02/2024)

>   L44: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng dự kiến đê thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2024 (15/02/2024)

>   DRC đã khắc phục gần 3 tỷ tiền thuế, lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ vào cuối tháng 4 (15/02/2024)

>   PCC: Báo cáo quản trị công ty năm 2023 (15/02/2024)

>   Chứng khoán TVB có lãi 63 tỷ đồng năm 2023, giá cổ phiếu tăng "dựng đứng" phiên đầu năm Giáp Thìn (15/02/2024)

>   PGB: Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chuyển địa điểm Phòng giao dịch Huỳnh Tấn Phát - Chi nhánh Sài Gòn (15/02/2024)

>   TTP: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 (15/02/2024)

>   HIO: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (15/02/2024)

>   “Ván bài ngửa” của Coteccons khi thâu tóm hai doanh nghiệp hạ tầng (15/02/2024)

>   HBD: Nghị quyết Hội đồng quản trị (15/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật