Anh em, họ hàng của ông Trịnh Văn Quyết lần lượt bị truy tố, bạn học và lái xe riêng cũng "dính đạn"
Trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn FLC, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định có sự cấu kết làm trái của nhiều thành viên trong gia đình, người quen của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.
Bị can Trịnh Văn Quyết
|
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 50 bị can khác trong vụ án thao túng chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty, đơn vị liên quan.
*Đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ thao túng TTCK liên quan đến Tập đoàn FLC
Trong số 50 bị can, có 13 người là em ruột, anh em, cháu trong họ hàng của ông Quyết, nhiều bị can là vợ chồng, bố con. Ngoài ra có hai người bạn và một người lái xe của ông Quyết.
Vụ án này, C01 đề nghị truy tố 51 bị can ở 4 nhóm tội danh. Nhóm 8 bị can bị đề nghị truy tố 2 tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", có cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, cùng hai em gái ruột Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga, anh họ Trịnh Văn Đại, em rể Nguyễn Văn Mạnh (chồng bà Nga), cháu họ Trịnh Tuân và họ hàng Nguyễn Hồng Nhung.
Nhóm 13 bị can bị đề nghị truy tố tội "Thao túng thị trường chứng khoán", có 4 người cháu họ của ông Quyết gồm Đỗ Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Thị Huệ, Trịnh Văn Nam; cùng với chị họ Trịnh Thị Thanh Huyền và họ hàng Nguyễn Quang Trung (chồng bà Nhung).
Nhóm 23 bị can bị đề nghị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", có em họ của ông Quyết là Hoàng Thị Thu Hà, cùng với hai người bạn Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Tiến Dũng và lái xe Trương Văn Tài.
Còn lại 7 người của Vụ Giám sát công ty đại chúng, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Sàn giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" đều không có mối liên hệ với ông Trịnh Văn Quyết.
*Cách lãnh đạo HOSE giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng
Theo kết luận điều tra, đối với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, từ 26/05/2017-10/01/2022, ông Quyết đã chỉ đạo em gái ruột Trịnh Thị Minh Huế cùng cùng đồng phạm thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, qua đó thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tháng 08/2012 ông Quyết đề nghị cấp dưới mua lại mua lại CTCP Giải trí Green Belt với giá 1.5 tỷ đồng nhưng không đưa vào hoạt động ngay. Qua nhiều lần đổi tên, Doanh nghiệp đổi thành CTCP Xây dựng Faros. Từ năm 2014 đến tháng 09/2016, ông Quyết chỉ đạo hai em gái ruột cùng một số người khác là lãnh đạo Công ty Faros 5 lần nộp hồ sơ góp vốn khống hơn 3,100 tỷ đồng.
Với vai trò Chủ tịch HĐQT Faros đầu tiên, ông Doãn Văn Phương (đã bỏ trốn từ tháng 03/2022, xuất cảnh sang Anh) đã chỉ đạo các thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc để ban hành nghị quyết về tăng vốn điều lệ, lập hồ sơ góp vốn khống, hạch toán kế toán, sử dụng vốn góp khống. Cơ quan điều tra xác định ông Phương xuất cảnh sang Vương quốc Anh nên chưa có lời khai.
*Nguyên Tổng giám đốc FLC đang bỏ trốn đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết lừa đảo thế nào?
Một mắt xích quan trọng tại Faros là ông Trịnh Văn Đại (em họ ông Quyết), người được bà Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Faros từ năm 2014, nhưng thực tế bà Huế mới là người quản lý con dấu và điều hành mọi hoạt động.
Mặc dù không tổ chức ĐHĐCĐ nhưng với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc Faros, ông Đại đã ký khống các nghị quyết, hợp đồng, chứng từ, đứng tên cổ đông. Bà Huế sau đó lấy làm căn cứ để nâng khống vốn điều lệ.
Trước khi Faros niêm yết lên HOSE, theo chỉ đạo của bà Huế, ông Đại đã trả lại gần 47 triệu cổ phần đang đứng tên Faros cho Trịnh Văn Quyết. Việc này được hợp thức bằng 5 hợp đồng chuyển nhượng nhưng không phát sinh thanh toán.
Hành vi trên của ông Đại cùng những người liên quan đã giúp sức cho ông Quyết và đồng phạm nâng khống vốn điều lệ của Faros, sau đó niêm yết, bán cổ phiếu để chiếm đoạt hơn 3,600 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tại cơ quan điều tra, Trịnh Văn Đại khai nhận toàn bộ hành vi của mình nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không được hưởng lợi từ hành vi sai phạm của mình, chỉ được hưởng lương 39 triệu đồng/tháng với vai trò là Phó Trưởng phòng Vật tư của Công ty TNHH MTV FLC Land và 41 triệu đồng/tháng với danh nghĩa Phó Tổng Giám đốc Faros.
Trong số 22 người nguyên là lãnh đạo Faros, các công ty thuộc FLC, công ty kiểm toán và người thân của Quyết bị điều tra ở giai đoạn bổ sung đều chỉ thừa nhận sai phạm khi giúp sức nâng khống vốn cho Faros, nhưng phủ nhận cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong nhóm bị đề nghị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", duy chỉ có Cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC Hương Trần Kiều Dung và Phó Tổng Giám đốc Faros Nguyễn Thiện Phú không phản bác cáo buộc, kết luận điều tra.
Ngoài ra kết luận của C01, tới nay có 210 đối tượng thuộc Faros và các công ty trong hệ sinh thái FLC, là người thân trong gia đình Trịnh Văn Quyết có liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Trong đó, xác định nhóm 187 người liên quan tới hành vi lừa đảo.
C01 xác định họ đã ký các chứng từ như ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, nộp tiền, séc, để nhóm ông Quyết làm thủ tục tạo dòng tiền khống. Mục đích của hành vi này để hợp thức, che giấu số vốn góp khống trước khi niêm yết của Faros.
Cơ quan điều tra cho rằng những người trên có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Che giấu tội phạm. Tuy nhiên họ khi ký chứng từ đều không biết rõ bản chất sự việc và chỉ thực hiện ở từng khâu đơn lẻ. Những người này cũng không tham gia vào lập hồ sơ góp vốn, không được trao đổi nên C01 đề xuất không xem xét xử lý hình sự.
*210 người thân ông Trịnh Văn Quyết trong vai trò thứ yếu, lệ thuộc tiếp tay vụ FLC Faros
*Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã sử dụng tiền chiếm đoạt và thu lợi bất chính như thế nào?
Thế Mạnh
FILI
|