210 người thân ông Trịnh Văn Quyết trong vai trò thứ yếu, lệ thuộc tiếp tay vụ FLC Faros
Bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) xác định các đối tượng vi phạm với vai trò thứ yếu, lệ thuộc, là nhân viên làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì từ việc làm của họ. Do đó, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo kết luận điều tra bổ sung từ C01, có 210 đối tượng thuộc CTCP Xây dựng Faros (FLC Faros, OTC: ROS) và các công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) là người thân trong gia đình của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có liên quan đến hành vi “Thao túng chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ năm 2016-2022, 187 cá nhân đã đứng tên đại diện pháp luật, nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái FLC và các công ty liên quan, là người thân, bạn bè của Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết, thuộc ban kế toán FLC).
Những người này có hành vi ký các chứng từ (ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, giấy nộp tiền, séc) để bà Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền ra vào tài khoản của ROS và nhiều công ty khác nhau, tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản để giúp ông Quyết cùng đồng phạm hạch toán kế toán, hợp thức việc thu hồi công nợ, các khoản đầu tư cũ, tạo các khoản công nợ, đầu tư tài chính mới nhằm che giấu số vốn góp khống trước khi niêm yết cổ phiếu ROS.
Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Che giấu tội phạm” quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, C01 xác định các cá nhân khi ký chứng từ kế toán không biết các giao dịch chuyển tiền chỉ là thủ đoạn tạo dòng tiền chạy qua các tài khoản chứ không phải giao dịch kinh tế có thật. Các cá nhân này cũng không biết rõ tổng thế, toàn bộ dòng tiền liền mạch mà chỉ thực hiện ở từng khâu đơn lẻ trong phạm vi từng giao dịch của từng doanh nghiệp.
Bản thân các đối tượng không được trao đổi, không biết, không tham gia vào việc lập hồ sơ góp vốn khống tại ROS, không biết mục đích ký các chứng từ là để hợp thức che giấu số vốn góp khống nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu, lệ thuộc, là nhân viên làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì từ việc làm của họ.
Do đó, C01 không xem xét xử lý hình sự đối với 187 cá nhân nêu trên.
23 đối tượng còn lại là nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái FLC, cũng là người thân, họ hàng trong gia đình ông Quyết, được xác định có hành vi giúp sức cho Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Những người này có hành vi cho bà Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân để làm hồ sơ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng, sau đó giao cho Huế quản lý, sử dụng để thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, theo đề nghị của Huế, cả 23 cá nhân đều ký khống sẵn các chứng từ (giấy nộp tiền, giấy rút tiền, uỷ nhiệm chi) mang tên họ để Huế sử dụng thực hiện các giao dịch ngân hàng nhằm thanh toán mua bán cổ phiếu.
C01 xác định hành vi của 23 cá nhân nêu trên có dấu hiệu tội “Thao túng thị trường chứng khoán ” nhưng tham gia thực hiện với vai trò thứ yếu, lệ thuộc; khi thực hiện không hiểu rõ bản chất là để giúp sức cho Quyết và Huế thực hiện hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, cũng không được hưởng lợi ích vật chất.
Xét tính chất mức độ hành vi vi phạm, phân hóa, C01 không xem xét trách nhiệm hình sự mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính.
* Nguyên Tổng giám đốc FLC đang bỏ trốn đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết lừa đảo thế nào?
* Cách lãnh đạo HOSE giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng
Châu An
FILI
|