Vàng thế giới lập đỉnh 1 tuần khi căng thẳng ở Trung Đông leo thang
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 1 tuần vào ngày thứ Sáu (12/01), khi sự leo thang trong xung đột ở Trung Đông thúc đẩy hoạt động mua vào kim loại trú ẩn an toàn, trong khi lạm phát giá sản xuất tại Mỹ giảm đã thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất sớm hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/01, hợp đồng vàng giao ngay tiến 1% lên 2,048.21 USD/oz, sau khi tăng tới 1.7% vào đầu phiên.
Vàng hầu như đi ngang trong tuần này, nhưng đã nối dài mức giao dịch trên 2,000 USD/oz lên gần 1 tháng. Hợp đồng vàng tương lai cộng 1.6% lên 2,051.60 USD/oz.
Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc không kích khắp Yemen để trả đũa lực lượng Houthi vì các cuộc tấn công tàu ở Biển Đỏ mà các máy bay chiến đấu được Iran hậu thuẫn thực hiện như một đáp trả đối với cuộc chiến ở Gaza. Iran lên án các cuộc tấn công, cảnh báo rằng nó sẽ gây ra “sự bất an và bất ổn” trong khu vực.
Bart Melek, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại TD Securities, nhận định: “Sự gia tăng rủi ro địa chính trị đang thúc đẩy giá vàng tăng, đồng thời, Fed có thể sẵn sàng để bắt đầu điều tiết chính sách tiền tệ thắt chặt của mình”.
Dữ liệu chỉ số giá sản xuất PPI của Mỹ giảm, cũng là một yếu tố tác động quan trọng đối với giá vàng.
Giá sản xuất PPI của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12/2023 trong bối cảnh chi phí hàng hoá như nhiên liệu diesel và thực phẩm giảm, cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, dữ liệu vào ngày 11/01 cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 12/2023.
Theo công cụ CME Fedwatch, nhà đầu tư nhận thấy xác suất 80% Fed sẽ hạ lãi suất trong tháng 3/2024, cao hơn dự báo 70% khả năng trước khi có báo cáo PPI.
Được xem là kênh trú ẩn an toàn, vàng có xu hướng tăng giá trong thời gian bất ổn, trong khi lãi suất thấp hơn cũng thúc đẩy sức hấp dẫn của tài sản không đem lại lợi suất.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|