"Trái ngọt" sau hơn thập kỷ chờ đợi của Vinafood 2
Từ vị thế một trụ cột trong xuất khẩu nông sản, Vinafood 2 liên tiếp làm ăn thua lỗ trong nhiều năm kéo dài. Phải đến năm 2023, Doanh nghiệp mới có lãi lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Ảnh minh họa
|
Quý 4/2023, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood 2, UPCoM: VSF) đạt 4,366 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 33% so với cùng kỳ, chính thức đứt chuỗi tăng trưởng doanh thu 3 quý liên tiếp trước đó. Biên lãi gộp thu hẹp xuống 7%, từ mức 8% cùng kỳ.
Kỳ này, dù doanh thu tài chính giảm xuống 53 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính giảm đến 65%, đạt mức 45 tỷ đồng. Tương tự, chi phí bán hàng giảm mạnh từ 398 tỷ còn 184 tỷ đồng, chỉ có chi phí quản lý tăng lên 100 tỷ đồng (gấp 4 lần cùng kỳ).
Sau cùng, Vinafood 2 lãi ròng 20 tỷ đồng, gấp gần 9 lần cùng kỳ. Đây là quý có lợi nhuận cao nhất của Doanh nghiệp trong 6 quý vừa qua, kể từ quý 3/2022.
Kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2023 của Vinafood 2
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VSF, người viết tổng hợp
|
Lãi quý 4 tăng đột biến kéo theo lãi ròng cả năm 2023 đạt 23.5 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ 9 tỷ đồng năm 2022. Đây là năm đầu tiên, Vinafood 2 có lãi trở lại sau 11 năm.
Từ năm 2013, Doanh nghiệp chìm ngập trong thua lỗ, trong đó lỗ nặng nhất hơn 1,485 tỷ đồng năm 2018. Cũng trong năm 2018, Tập đoàn T&T Group của bầu Hiển bỏ ra 1,250 tỷ đồng đầu tư vào Vinafood 2 và trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu 25%.
Dù có sự tham gia của T&T, hiệu quả kinh doanh của Vinafood 2 chưa thể "lột xác" ngay tức thì. Thực tế cho thấy Doanh nghiệp vẫn lỗ chồng lỗ đến tận năm 2022 và mới có lãi trở lại năm 2023. Tính tới ngày 31/12/2023, Vinafood 2 còn khoản lỗ lũy kế hơn 2,778 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng của Vinafood 2 từ năm 2013 đến nay
(Đvt: Tỷ đồng)
|
Trên bảng cân đối kế toán, tại cuối năm 2023, tổng tài sản của Vinafood 2 đạt 5,606 tỷ đồng, giảm gần 3,000 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng giảm mạnh còn 550 tỷ đồng (giảm 64%). Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm hơn 1,400 tỷ đồng xuống mức 616 tỷ đồng.
Ngược lại, giá trị hàng tồn kho đạt 1,328 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Ngoài ra, Doanh nghiệp ghi nhận gần 1,290 tỷ đồng nợ xấu.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả khoảng 3,142 tỷ đồng, giảm gần 3,000 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ vay tài chính ngắn hạn giảm tới gần 1,200 tỷ xuống còn 1,393 tỷ đồng, chủ yếu là vay từ Công ty mẹ hơn 808 tỷ đồng (giảm 52%); khoản phải trả dài hạn khác cũng giảm 50%, đạt mức 610 tỷ đồng.
Từ khi giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 4/2018, giá cổ phiếu VSF chỉ lình xình quanh mệnh 10,000 đồng/cp, thậm chí có thời điểm xuống mức 3,000 đồng/cp. Bắt đầu từ cuối tháng 7/2023, theo đà tăng của giá gạo, cổ phiếu VSF đã bứt phá mạnh mẽ với nhiều phiên tăng kịch trần. Chỉ sau hơn 2 tuần, thị giá cổ phiếu này tăng đến 300%, thanh khoản cũng cải thiện lên hàng chục ngàn cổ phiếu/ngày.
Kết phiên 29/01/2024, thị giá VSF dừng ở mức 39,600 đồng/cp, tăng hơn 700% sau 1 năm và cách 7% từ đỉnh lịch sử 42,500 đồng/cp (phiên 04/01)
Giá cổ phiếu VSF trong 1 năm qua
|
|
Thế Mạnh
FILI
|