Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ước doanh thu 2023 gần 18,000 tỷ, vượt kế hoạch 4%
Theo báo cáo tổng kết của VIMC năm 2023, sản lượng vận tải biển toàn Tổng công ty ước đạt 20.6 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng là 113.5 triệu tấn, mang lại doanh thu 17,964 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch.
Ảnh minh họa
|
Lợi nhuận 2023 ước đạt gần 2.1 ngàn tỷ, đạt 90% kế hoạch
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC, UPCoM: MVN) sáng 04/01, Tổng giám đốc VIMC - Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết trong năm 2023, Doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức.
Kết quả, sản lượng vận tải biển toàn Tổng công ty ước đạt 20.6 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng là 113.5 triệu tấn, mang lại doanh thu 17,964 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch. Lợi nhuận đạt 2,084 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm.
Thị trường diễn biến khó khăn, VIMC và các đơn vị thành viên đã tìm kiếm nhiều giải pháp mới để bù đắp sự sụt giảm của thị trường. Các đơn vị thành viên như CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS), Công ty Vận tải biển VIMC (VLC), CTCP Vận tải Biển Vinaship (UPCoM: VNA) đã triển khai thuê tàu ngoài vào khai thác, giúp tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận.
Đáng chú ý, Vosco mạnh dạn mở rộng hoạt động thương mại nhằm tăng doanh thu, giành được quyền vận chuyển, bước đầu đem lại hiệu quả với doanh thu thương mại đạt 750 tỷ đồng. Doanh thu khối vận tải biển ước đạt 6,261 tỷ đồng (bao gồm doanh thu công ty mẹ), tương đương tăng 22% so với kế hoạch (tăng chủ yếu ở doanh thu của Vosco - tăng 1,382 tỷ đồng).
Ngoài ra, hệ thống cảng biển của VIMC trong năm 2023 tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh ngày một lớn. Các cảng biển tư nhân liên tục ra đời, với sự linh hoạt rất cao trong chính sách giá là lợi thế lớn trong công tác phát triển khách hàng.
Tính đến cuối tháng 12/2023, hệ thống cảng của VIMC gồm 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13,882 m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước, công suất thiết kế hệ thống cảng của VIMC khoảng 60 triệu tấn hàng rời và hơn 6.5 triệu TEU hàng container.
Tổng công ty cũng sở hữu, quản lý đội tàu gồm 59 chiếc, trong đó có 4 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Tuổi tàu trung bình là 20 tuổi. Tổng trọng tải đội tàu khoảng 1.3 triệu DWT, trọng tải bình quân 23,019 DWT/tàu. Đội tàu của VIMC chiếm trọng tải tương đương khoảng 21% đội tàu của Việt Nam.
Năm 2024 mục tiêu lãi 2,169 tỷ đồng, tăng 4%
Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, bối cảnh địa chính trị và kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến không thuận lợi cho ngành hàng hải khiến cạnh tranh khốc liệt không khác gì "một cuộc chiến" và sức mua của thị trường suy giảm.
Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
|
Dự kiến nguồn cung tàu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 khi các hãng tàu bắt đầu nhận bàn giao tàu mới sau 2 năm chờ đóng. Ngược lại, năm 2024, dự báo chỉ có số lượng thấp tàu được đem đi phá dỡ.
Mặc dù vậy, năm 2024, VIMC đặt mục tiêu giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng, tập trung phát triển cảng nước sâu, đội tàu container đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực.
Trong đó, sản lượng vận tải biển năm 2024 dự kiến đạt 15.8 triệu tấn (76% ước thực hiện 2023, do thanh lý, giảm số lượng tàu); sản lượng khối cảng biển: 123.7 triệu tấn (109% ước thực hiện 2023). Mục tiêu doanh thu 17,742 tỷ đồng, bằng 99% ước thực hiện năm 2023 và lợi nhuận đạt 2,169 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Thế Mạnh
FILI
|