Tái cơ cấu khoản nợ ngàn tỷ giúp Đạm Hà Bắc lãi đậm, ngược dòng cả năm 2023
Khoản thu nhập khác hơn 1.8 ngàn tỷ đồng đã giúp CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) lội ngược dòng trong quý 4, đồng thời kết thúc năm 2023 với lãi sau thuế hơn 861 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Đạm Hà Bắc trong quý 4 và cả năm 2023
|
Trên thực tế, bức tranh kinh doanh của DHB trong quý 4 vẫn khá u ám. Doanh nghiệp báo doanh thu đạt gần 1.2 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, nhưng giá vốn tăng tới 47% lên hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Sau khấu trừ, lãi gộp còn 65 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 83%.
Chỉ tiêu biến động đáng chú ý nhất của DHB trong kỳ là chi phí tài chính, giảm 38% còn 136 tỷ đồng. Với việc các khoản chi phí chiếm tỷ trọng khá lớn, DHB vẫn lỗ thuần 154 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 85 tỷ đồng).
Tưởng có một quý thua lỗ, điều bất ngờ là DHB ghi nhận hơn 1.8 ngàn tỷ đồng lợi nhuận khác (cùng kỳ khoảng 450 triệu đồng). Theo thuyết minh, đây là số tiền thu được từ đề án tái cơ cấu khoản vay tại Ngân hàng Phát triển. So sánh với BCTC quý 3/2023, nợ phải trả tại quý 4 giảm hơn 1.8 ngàn tỷ đồng. Trong đó, phải trả lãi vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại quý 4 giảm hơn 1.7 ngàn tỷ đồng, và phát sinh thêm gần 1.2 ngàn tỷ đồng vay dài hạn tại ngân hàng này.
Doanh nghiệp chưa có giải trình chi tiết về khoản thu nhập trên, nhưng nhiều khả năng đã được xóa lãi trong đề án tái cơ cấu khoản nợ ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Cũng nhờ số tiền trên, DHB lãi sau thuế hơn 1.6 ngàn tỷ đồng trong quý 4, gấp 19 lần cùng kỳ. Đồng thời, DHB lội ngược dòng cả năm 2023 với doanh thu hơn 4.4 ngàn tỷ đồng, giảm 31% so với năm trước và lãi sau thuế 861 tỷ đồng, bằng 50% năm trước (Doanh nghiệp lỗ 788 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023). So với kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, Doanh nghiệp thực hiện được 96% mục tiêu doanh thu và hơn 92% kế hoạch lãi trước thuế.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trên bảng cân đối kế toán, Doanh nghiệp có tổng tài sản 6.7 ngàn tỷ đồng vào cuối quý 4/2023, giảm 11% so với đầu năm, trong đó 1.2 ngàn tỷ đồng là tài sản ngắn hạn (giảm 14%). Doanh nghiệp nắm giữ gần 340 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, hơn đầu năm 41%. Phải thu ngắn hạn từ khách hàng giảm 30%, còn hơn 200 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 606 tỷ đồng, giảm 28%.
Phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn giảm khoảng 50% so với đầu năm, ghi nhận gần 3.3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm mạnh còn 374 tỷ đồng, giảm gần 80% so với đầu năm. Phải trả ngắn hạn khác giảm tới 40% (tương ứng hơn 1.7 ngàn tỷ đồng), còn 2.4 ngàn tỷ đồng, chính là khoản lãi vay phải trả đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp còn dư nợ ngắn hạn với Vietinbank, số tiền 274 tỷ đồng, hơn đầu năm 28%.
Sơ qua về khoản vay của DHB và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hợp đồng cho vay được ký kết từ tháng 9/2008 với hạn mức hơn 4.1 ngàn tỷ đồng, nhằm đầu tư vào “Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc”. Đáng chú ý, đây là 1 trong 12 dự án bị Chính phủ đánh giá là chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.
Khoản vay trên được hạch toán lãi vay vào bảng cân đối của DHB kể từ năm 2015, cũng là thời điểm Doanh nghiệp chứng kiến chuỗi thua lỗ kéo dài. Ngoại trừ năm 2021 lãi nhỏ giọt và lần lãi đậm năm 2022 nhờ cơn sốt hàng hóa toàn cầu, các năm còn lại DHB đều lỗ nặng, với nguyên nhân do gồng gánh chi phí tài chính mỗi năm tới hàng trăm tỷ đồng.
Chi phí lãi vay nói trên cũng bào mòn vốn chủ của DHB. Đến cuối quý 3, vốn chủ sở hữu của DHB âm hơn 1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ số tiền 1.8 ngàn tỷ đồng do tái cơ cấu nợ, vốn chủ của DHB tăng lên 614 tỷ đồng khi hết năm 2023, đồng thời giảm bớt được lỗ lũy kế còn 2.1 ngàn tỷ đồng (đầu năm lỗ lũy kế gần 3 ngàn tỷ đồng).
Với các "thành tích" như trên, cổ phiếu DHB cũng chịu nhiều án phạt. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DHB đang bị cảnh báo và nằm trong diện hạn chế giao dịch. Thị giá DHB kết phiên 22/01 ở mức 9,200 đồng/cp.
Gồng gánh chi phí lãi vay khiến DHB lỗ liên tục, âm vốn chủ |
|
Châu An
FILI
|