OGC chuẩn bị thay cấu trúc thượng tầng sau biến động cổ đông lớn
OGC bổ nhiệm ông Phạm Hùng Việt vào vị trí Tổng Giám đốc trong bối cảnh vừa có hàng loạt lãnh đạo nộp đơn từ nhiệm, không lâu sau khi đón chào hai cổ công lớn “trẻ tuổi”.
Bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới, hàng loạt vị trí quan trọng từ nhiệm…
Ngày 08/01, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HOSE: OGC) thông báo bổ nhiệm ông Phạm Hùng Việt vào vị trí Tổng Giám đốc, thay thế bà Phạm Thị Hồng Nhung từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ông Việt cũng sẽ đồng thời đảm nhiệm vai trò người đại diện pháp luật cho OGC.
Ông Phạm Hùng Việt sinh năm 1974, hiện không nắm bất kỳ cổ phiếu OGC nào. Ngoài OGC, ông Việt cũng đang đảm nhiệm chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật CTCP Dịch vụ Thương mại Khoa Việt - doanh nghiệp chuyên bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.
Ngoài bà Nhung, OGC còn thông qua nhiều đơn từ nhiệm của nhiều lãnh đạo khác vì lý do cá nhân, gồm hai Thành viên HĐQT là bà Trần Thị Ngọc Bích, bà Nguyễn Thị Thanh Hường và Thành viên Ban Kiểm soát ông Phạm Trung Hiếu. Sắp tới, OGC sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt việc miễn nhiệm các chức danh và bầu ra nhân sự thay thế, dự kiến tổ chức trong quý 1/2024.
…Sau khi tiếp đón hai cổ đông lớn “trẻ tuổi”
Thay đổi cấu trúc thượng tầng của OGC diễn ra không lâu sau khi Công ty xuất hiện hai cổ đông lớn mới thành lập chỉ vài ngày là CTCP Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam và CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt.
Trong đó, CTCP Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam thành lập ngày 25/12/2023, vốn điều lệ 367 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông Phan Thành Long. Ngày 29/12/2023, Công ty này thông báo đã sở hữu hơn 51.7 triệu cp OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương, tương ứng tỷ lệ 17.24% vốn, trở thành cổ đông lớn từ vị thế không sở hữu cổ phiếu OGC trước đó.
Còn CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt mới thành lập ngày 01/12/2023, vốn điều lệ ban đầu hơn 189 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là bà Đinh Thị Nhi (sinh năm 1994). Đến ngày 08/12/2023, Công ty này trở thành cổ đông lớn của OGC sau khi mua hơn 27 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 9.02% vốn, cũng từ vị thế không sở hữu cổ phiếu nào.
Không riêng OGC, thời gian qua cũng xuất hiện các trường hợp các công ty mới thành lập chưa lâu nhưng sở hữu lượng lớn cổ phiếu các doanh nghiệp trên sàn như CTCP Phát triển Bất động sản Dragon chỉ 2 tuần tuổi nắm 27.6 triệu cp TPB (tỷ lệ 1.25%, lượng cổ phiếu trị giá hơn 480 tỷ đồng) hay CTCP Funderra vài ngày tuổi nhưng chi khoảng 2,390 tỷ đồng để mua thỏa thuận hơn 118.7 triệu cp VIB (tỷ lệ 4.68%).
* Đằng sau giao dịch mua cổ phiếu “khủng” của những doanh nghiệp chỉ vài ngày tuổi
Vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt
Các động thái thay đổi nhân sự và cổ đông trong bối cảnh OGC vẫn phải chống chọi với nhiều thách thức, lỗ lũy kế đến 30/09/2023 gần 2.6 ngàn tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu OGC chưa thể thoát khỏi diện cảnh báo.
Ngược về quá khứ, OGC từng có giai đoạn tăng trưởng tốt trước khi rơi vào khó khăn sau sự kiện ông Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và OGC vướng vào vòng lao lý năm 2014.
Hậu quả là lợi nhuận công ty giảm mạnh ngay trong năm 2014 do chi phí quản lý tăng mạnh, đồng thời ghi nhận lỗ từ thanh lý khoản đầu tư vào Ocean Bank. Cho đến hiện tại, OGC vẫn đang miệt mài tìm lại chính mình.
OGC bắt đầu âm nặng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ năm 2014 |
|
Huy Khải
FILI
|