Một trong những ngân hàng ngầm lớn nhất của Trung Quốc nộp đơn phá sản
Trước khi gục ngã vì cuộc khủng hoảng bất động sản, gã khổng lồ Zhongzhi Enterprise Group đã từng quản lý khối tài sản hơn 140 tỷ USD.
Ngày 05/01, một tòa án ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã chấp nhận đơn xin phá sản của Zhongzhi Enterprise Group.
Zhongzhi cho biết họ rõ ràng không có khả năng trả nợ. Một báo cáo gửi tới nhà đầu tư trong tháng 11/2023 cho thấy Zhongzhi nợ tới 460 tỷ Nhân dân tệ (64.3 tỷ USD), trong khi tài sản chỉ ở mức 200 tỷ Nhân dân tệ.
* Sau bất động sản, đến lượt ngành quỹ tín thác 2,900 tỷ USD của Trung Quốc gặp rắc rối
Toà nhà trụ sở của Zhongzhi
|
Đây là một trong những vụ phá sản lớn nhất tại Trung Quốc và sẽ càng gây thêm áp lực lên tâm lý vốn đã mong manh của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Hiện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn với cú trượt dài của thị trường bất động sản, nhu cầu nội địa yếu ớt và hoạt động xuất khẩu ảm đạm. Chỉ số chứng khoán chuẩn của Trung Quốc cũng trượt dốc 3 năm liên tiếp.
Trên thực tế, các dấu hiệu rắc rối của Zhongzhi lần đầu xuất hiện vào tháng 7/2023, khi Zhongrong International Trust – công ty tín thác hàng đầu có liên quan với Zhongzhi – trễ hạn thanh toán đối với hàng chục sản phẩm đầu tư do họ phát hành ra.
Sau đó, vào tháng 11/2023, các cơ quan chức trách Trung Quốc cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự nhắm vào mảng quản lý tài sản của Zhongzhi, sau khi công ty này cho biết đang thiếu 36.4 tỷ USD thanh khoản và nói rằng họ đang “mất khả năng thanh toán trầm trọng”.
Gục ngã vì khủng hoảng bất động sản
Ra đời năm 1995 và có trụ sở đặt tại Bắc Kinh, Zhongzhi đã phát triển thành gã khổng lồ với quy mô hơn 1 ngàn tỷ Nhân dân tệ tài sản ở thời kỳ đỉnh điểm.
Zhongzhi có 6 doanh nghiệp thành viên là công ty tài chính được cấp phép, gồm công ty tín thác Zhongrong International Trust và 5 công ty quản lý tài sản, cùng 4 công ty quản lý gia sản - theo dữ liệu từ website công ty. Zhongzhi cũng nắm cổ phần kiểm soát trong nhiều doanh nghiệp niêm yết ở khắp các lĩnh vực từ linh kiện bán dẫn tới chăm sóc sức khoẻ và tiêu dùng.
Những ngân hàng ngầm như Zhongzhi thường thu hút tiền gửi của người dân rồi cấp vốn vay và đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hoá cơ bản.
Những năm gần đây, trong khi các đối thủ của Zhongzhi cắt giảm rủi ro, thì Zhongzhi cùng với các công ty con - nhất là Zhongrong International Trust - vẫn tiếp tục cấp vốn vay cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn và thâu tóm tài sản của những công ty nặng nợ như Evergrande Group.
Xing Zhaopeng, Chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc, chia sẻ các tài sản cốt lõi của Zhongzhi và Zhongrong phần lớn đều có liên quan tới bất động sản – vốn có rủi ro vỡ nợ cao. “Zhongrong không thể thu hồi vốn trong bối cảnh bất động sản khủng hoảng. Vì vậy, họ phải bán tài sản với giá chiết khấu lớn”.
Chính cuộc khủng hoảng bất động sản đã khiến Zhongzhi lâm vào cảnh khủng hoảng thanh khoản và phải phá sản.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|