Lỗ thêm 900 tỷ đồng năm 2023, Thép SMC chìm sâu trong khủng hoảng và phải gấp rút bán tài sản
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) nối dài chuỗi ngày khủng hoảng với khoản lỗ ròng 330 tỷ đồng trong quý 4/2023.
Trong 3 tháng cuối năm, SMC ghi nhận doanh thu thuần hơn 3,200 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ, nhưng lỗ ròng tới 330 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính đến từ khoản chi phí quản lý doanh nghiệp gần 330 tỷ đồng, chủ yếu là do trích lập dự phòng nợ xấu 300 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 4/2023 của SMC
Đvt: Tỷ đồng
Nhìn kỹ hơn, bức tranh kinh doanh của SMC cũng có vài điểm tích cực, với lãi gộp 49 tỷ đồng, khả quan hơn so với mức lỗ gộp 368 tỷ đồng của cùng kỳ và cũng khá hơn 2 quý trước. Đồng thời, công ty cũng tiết giảm các khoản chi phí, trong đó chi phí tài chính giảm 23% và chi phí bán hàng giảm 35%.
Cả năm lỗ gần 900 tỷ đồng
Luỹ kế cả năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần gần 13,800 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ; lỗ ròng gần 880 tỷ đồng, phần lớn là do trích lập dự phòng nợ xấu (hơn 500 tỷ). Chuỗi ngày khủng hoảng của SMC dường như vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Trên thực tế, việc làm ăn của SMC đã đi xuống từ nửa cuối năm 2022 khi cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu nổi lên, cùng với đó là sự giảm tốc của cả nền kinh tế.
Với một doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại thép xây dựng cao như SMC (khoảng 40%), tình trạng công trình đứng và công nợ chồng chất chưa thu hồi được đã giáng đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, nhu cầu chung của nền kinh tế cũng chững lại khi thu nhập người dân giảm sút. Hai mảng còn lại là sản xuất thép và gia công cũng không quá khả quan.
Chưa thu hồi được nợ xấu
Chưa hết, tình trạng thu hồi công nợ của SMC cũng gặp bế tắc.
Cuối tháng 12/2023, nợ xấu của SMC giữ nguyên ở mức gần 1,300 tỷ đồng, trong đó 98% là nợ ngắn hạn. Phần lớn đến từ các công ty bất động sản có liên quan tới Novaland. Đến nay, SMC đã trích lập dự phòng hơn hơn 570 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2023, SMC còn hơn 1,150 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn. Nợ ngắn hạn hơn 4,700 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn gần 2,500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 800 tỷ đồng, trong đó lỗ luỹ kế hơn 160 tỷ.
Với việc hoạt động trong mảng cần xoay tiền nhanh như thương mại, việc thiếu vốn sẽ gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của SMC.
Nỗ lực huy động thanh khoản
Trong bối cảnh đó, SMC phải gấp rút bán tài sản để huy động thanh khoản và củng cố tình hình tài chính.
Gần đây nhất, công ty thương mại thép này đã đăng ký bán toàn bộ 13 triệu cp NKG sau 7 năm nắm giữ. Nếu bán thành công, họ sẽ thu về 325 tỷ đồng (xét trên mức giá đóng cửa ngày 30/01).
Trước đó, công ty cũng quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2 và SMC Bình Dương.
* Thép SMC muốn bán toàn bộ 13 triệu cp NKG sau gần 7 năm nắm giữ
Vũ Hạo
FILI
|