Làm sao thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế?
Tại Toạ đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, các chuyên gia đã có những chia sẻ cũng như đề xuất các giải pháp để có thể thu hẹp sự chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng quốc tế theo Công điện 1426 do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 27/12/2023.
Không khuyến khích người dân mua bán vàng miếng, tích trữ vàng miếng
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, việc chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn gây ra hậu quả không tốt cho thị trường và người dân cũng không được hưởng lợi khi phải mua với giá vàng trong nước rất cao.
Ông Nguyễn Thế Hùng: Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân mua bán vàng miếng, tích trữ vàng miếng là rất đúng đắn - Ảnh: VGP/Quang Thương
|
Khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì xuất khẩu cũng không được, bởi vì từ năm 2012 đến nay sau khi có Nghị định 24, việc xuất khẩu vàng dưới 90% mới không phải chịu thuế, còn trên 90% phải chịu thuế. Vừa rồi có thay đổi từ 95% trở lên mới chịu thuế xuất khẩu là 1%. Nhưng có thể thấy là mức thuế 1% giá xuất khẩu vàng trang sức thì chi phí rất lớn với các doanh nghiệp và cũng không thể xuất được, chưa nói tới việc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì càng không thể xuất được.
Theo tổng kết của Hội đồng Vàng Thế giới thì nhu cầu thực tế có những thời gian Việt Nam nhập cao nhất 60 tấn vàng, còn nhu cầu hiện nay (không tính để sản xuất vàng miếng) ít nhất cũng cần 20 tấn vàng nhập khẩu mỗi năm. Nhưng từ năm 2012 đến nay, Việt Nam không nhập khẩu một lượng vàng nào cả theo con đường chính thống. Chính vì thế nên không thể cản được việc buôn lậu và hậu quả của nó là chảy máu ngoại tệ. Nhà nước không kiểm soát được nhưng đồng thời các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức cũng gặp rủi ro trong việc mua bán vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường.
Vừa rồi có rất nhiều vụ án buôn lậu vàng lớn đã bị phát hiện, nhưng đó chỉ là những vụ lớn thôi, còn rõ ràng hiện nay do Việt Nam không khai thác được vàng nên câu hỏi đặt ra là số vàng lưu thông trên thị trường hiện nay và số nguyên liệu đó nguồn từ đâu? Còn nếu tính đến nguồn từ các doanh nghiệp thực hiện phân kim để có vàng nguyên liệu mà sản xuất ra thì chiếm tỷ lệ rất thấp (chỉ khoảng 3-4 tấn mỗi năm).
Hơn nữa, Việt Nam đang làm một quy trình ngược, tức là mua vàng tiêu chuẩn quốc tế 9999 về sản xuất ở Việt Nam để nội địa hóa bằng vàng SJC và nếu mình có nhu cầu xuất khẩu vàng nguyên liệu ra nước ngoài thì vàng SJC đó lại không được công nhận là vàng tiêu chuẩn quốc tế mà phải coi như vàng nguyên liệu. Một doanh nghiệp có vàng trang sức xuất khẩu mà chuyển đổi để xuất khẩu đi thì phải chịu chi phí rất lớn, trung bình từ 12-15 USD cho 1 ounce.
“Rõ ràng chúng ta nhập vàng về để sản xuất ra vàng miếng là không nên và cũng không nên khuyến khích việc tiêu thụ vàng miếng. Còn nhu cầu của dân, ở các nước ví dụ ngay tại các nước khác chung quanh chúng ta như Lào, người dân không có khái niệm vàng miếng, người ta chỉ mua vàng trang sức 9999 hoặc 999 làm trang sức hay của hồi môn thôi, họ không mua để tích trữ như ở Việt Nam.
Chính vì thế, tôi thấy chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân mua bán vàng miếng, tích trữ vàng miếng là rất đúng đắn và chúng ta cần phải bám sát theo chủ trương này để có biện pháp. Tức là khi nhập khẩu vàng không phải để phục vụ sản xuất vàng miếng và khi người dân không quan trọng việc mua vàng 9999 hay vàng miếng, vàng trang sức nữa thì rõ ràng sẽ không có chênh lệch.”, ông Hùng nhận định.
Ông Hùng cũng cho biết hiện nay giá vàng trang sức 9999 trên thị trường vẫn chênh lệch so với giá thế giới khoảng 2.5-3 triệu đồng bởi vì không có nguồn cung, mà trong lịch sử chưa có việc này.
“Tôi nghĩ rằng Nhà nước cần xem xét để giúp các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, có đầu ra hẳn hoi. Những doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt về vàng trang sức như SJC, DOJI hoặc PNJ thì nên khuyến khích tạo điều kiện để họ có nguồn nguyên liệu chính thống phục vụ cho sản xuất cung ứng cho thị trường. Như vậy sẽ thu hẹp được khoảng cách giữa giá vàng nguyên liệu, giá vàng 9999 với giá quốc tế. Và khi cho nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng trang sức thì Nhà nước quản lý rất dễ bởi có đầu ra rất rõ rồi. Không cho sản xuất vàng miếng mà chỉ sản xuất vàng trang sức thôi thì rõ ràng sẽ thu hẹp được khoảng cách giữa giá vàng nguyên liệu và giá vàng trang sức hiện nay với giá vàng quốc tế.”, ông Hùng lý giải.
Cần gia tăng quỹ dự trữ vàng
Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt tham gia Tọa đàm theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/Quang Thương
|
Cũng theo chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt, công điện 1426 yêu cầu không để tình trạng chênh lệch giá vàng miếng giữa thị trường trong nước và giá vàng quốc tế ở mức cao chính là chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế.
Ông Đạt cho biết trước và sau Nghị định 24/2012, ở Việt Nam có hai loại chênh lệch giá vàng.
Trước hết là chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu 24K (tức là vàng 9999) với giá vàng thế giới và chênh lệch giữa giá vàng SJC so với giá vàng 9999. Số liệu thống kê cho thấy, giá vàng nguyên liệu 24K của Việt Nam so với giá vàng thế giới không có chênh lệch nhiều. Sự không chênh lệch này diễn ra trong cả 12 năm vừa qua (khi Nghị định 24 ban hành đến nay). Ví dụ, giá vàng thế giới đang ở khoảng 2,030 USD/ounce, không kể thuế và phí thì tương đương mức giá vàng ở trong nước vào khoảng 62 triệu đồng/lượng. Giá vàng 24K của Việt Nam, tính cả thuế và phí nữa, sẽ ở mức 64-65 triệu đồng/lượng.
“Tôi nghĩ đây là một mức giá hợp lý. Vấn đề đáng nói là công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý việc chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC là quá cao; và như các nhà kinh tế cũng như báo chí thường nói, giá vàng SJC hiện nay “một mình một chợ”. Lúc giá vàng SJC lên đỉnh điểm 80 triệu thì mức chênh lệch khoảng 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Đây là một điều rất bất hợp lý.
Để giảm sự chênh lệch giữa vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế hiện nay đang ở mức rất cao thì công điện cũng chỉ rõ nguyên tắc là phải điều hành theo cơ chế thị trường, phải khơi thông cung - cầu. Và đặc biệt, thị trường vàng trong nước phải liên thông, bảo đảm phù hợp với biến động của giá vàng thế giới.
Theo tôi, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải độc quyền vàng miếng SJC thì cần gia tăng Quỹ dự trữ vàng và sẵn sàng tăng cung vàng miếng một khi giá vàng SJC cao hơn bất thường so với giá vàng thế giới để bình ổn giá.”, ông Đạt khuyến nghị.
Khang Di
FILI
|