Lãi ròng 2023 của Bảo hiểm Bảo Long “giậm chân tại chỗ”
Lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm gần như đi ngang ở mức 236 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động tài chính giảm 12% còn 120 tỷ đồng, dẫn đến Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) có lãi ròng 2023 gần 89 tỷ đồng, xấp xỉ năm trước.
Trong quý 4/2023, BLI ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm 8% so cùng kỳ năm trước còn gần 364 tỷ đồng, nhưng chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm mạnh hơn (giảm 16%) còn gần 99 tỷ đồng nên doanh thuần kinh doanh bảo hiểm thoát cảnh đi lùi, xấp xỉ cùng kỳ với gần 335 tỷ đồng.
Chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm 12% (do tổng chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 38% còn 89 tỷ đồng) giúp lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm cao gấp 4.9 lần cùng kỳ, lên gần 52 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động tài chính có lợi nhuận tăng 70% so với cùng kỳ lên hơn 31 tỷ đồng, cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 29% còn gần 58 tỷ đồng giúp BLI thoát lỗ trong quý 4, chuyển từ lỗ hơn 42 tỷ đồng cùng kỳ sang có lãi ròng gần 21 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023, hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lãi thuần lùi nhẹ 1% xuống 236 tỷ đồng, do chi phí bồi thường tăng trong khi doanh thu phí bảo hiểm gốc mảng xe cơ giới, hỏa hoạn, sức khỏe con người giảm.
Cùng với đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 12% còn 120 tỷ đồng (do lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm đến 98%).
Lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm chỉ giảm nhẹ và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7% giúp lợi nhuận ròng của BLI đi ngang so với năm trước, ở mức gần 89 tỷ đồng.
Năm 2023, BLI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 91 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện năm 2022. So với kế hoạch, BLI vượt 12%.
Tổng tài sản của BLI tính đến cuối năm 2023 đạt gần 2,329 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm, chủ yếu do tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn giảm gần 188 tỷ đồng, từ 273 tỷ đồng xuống còn hơn 85 tỷ đồng, tỷ lệ giảm tương đương 69%.
Khoản tiền gửi không kỳ hạn giảm do BLI mang tiền đi gửi tại Công ty mẹ - Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và cổ đông lớn - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Trong đó, BLI tăng tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi tại SCB lên mức hơn 1,105 tỷ đồng, tương đương tăng gần 231 tỷ đồng.
Tài sản doanh nghiệp bảo hiểm này phần lớn là đầu tư tài chính, gồm chứng khoán kinh doanh, tiền gửi và đầu tư trái phiếu. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 6% so với đầu năm, còn 758 tỷ đồng. Đáng chú ý, đầu tư tài chính dài hạn gấp gần 4 lần, lên 182 tỷ đồng (do tăng mạnh tiền gửi kỳ hạn dài từ 6 tỷ đồng lên 182 tỷ đồng).
Nợ phải trả hơn 1,492 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm, chủ yếu nằm ở khoản dự phòng nghiệp vụ hơn 981 tỷ đồng, giảm 16%.
Khang Di
FILI
|