Kinh doanh tích cực trong quý 4 nhưng Cao su Sao Vàng vẫn cách xa mục tiêu năm
CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) công bố BCTC quý 4/2023, chuyển sang lãi ròng hơn 13 tỷ đồng, từ mức lỗ hơn 9 tỷ đồng cùng kỳ. Kết năm 2023, SRC lãi ròng hơn 29 tỷ đồng, tăng 6%, nhưng mới thực hiện hơn 37% kế hoạch.
Quý 4/2023, SRC ghi nhận doanh thu thuần hơn 488 tỷ đồng, tăng đến 129% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu bán hàng hóa cao gấp 23 lần lên hơn 284 tỷ đồng, vượt qua hoạt động bán thành phẩm để trở thành mảng có đóng góp lớn nhất về doanh thu.
Chi phí SG&A ở mức 33.6 tỷ đồng, tăng 15% nhưng không tạo ra nhiều áp lực cho lợi nhuận khi tỷ lệ trên doanh thu thuần giảm mạnh từ 13.7% còn 6.9%, nhờ doanh thu tăng mạnh.
Sau cùng, SRC chuyển sang lãi ròng hơn 13 tỷ đồng từ mức lỗ hơn 9 tỷ đồng ở quý 4/2022. Kết thúc năm 2023, SRC ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt gần 1,198 tỷ đồng và hơn 29 tỷ đồng, tăng 31% và 6% so với năm trước.
So với kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 79 tỷ đồng được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, SRC mới thực hiện hơn 37%.
Kết quả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của SRC nhìn chung tích cực hơn so với 2 doanh nghiệp săm lốp khác là CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) và CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, HOSE: CSM). Tuy nhiên, lại kém hơn về việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2023, trong đó CSM thực hiện được 58% kế hoạch lợi nhuận, còn DRC là 93%.
Trong năm 2022, SRC cũng từng gây thất vọng khi không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.
* Casumina thực hiện chưa đến 60% kế hoạch lợi nhuận 2023
* Giá nguyên liệu và chi phí tài chính giảm, lãi ròng quý 4 của DRC tăng 19%
* Gây thất vọng trong năm 2022, SRC đặt mục tiêu lãi 2023 gấp gần 3 lần
Kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế năm 2023 của SRC
Đvt: Tỷ đồng
|
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của SRC ghi nhận gần 1,347 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn tăng 125% lên hơn 366 tỷ đồng (chiếm 27% tổng tài sản), đến từ việc phát sinh thêm khoản phải thu đối với khách hàng là CTCP Thương mại và XNK Việt. Chiều ngược lại, hàng tồn kho giảm 29% còn 229 tỷ đồng.
Một khoản mục đáng chú ý là đầu tư tài chính dài hạn gần 511 tỷ đồng, dù không thay đổi nhiều so với đầu năm nhưng chiếm đến 38% tổng tài sản. Phần lớn trong danh mục là khoản đầu tư vào Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn và CTCP Sao Vàng - Hoành Sơn, 2 pháp nhân đều do ông Phạm Hoành Sơn (Chủ tịch HĐQT SRC) làm người đại diện pháp luật.
Nguồn: BCTC quý 4/2023 của SRC
|
Trong diễn biến gần đây, từ ngày 29/11-1/12/2023, một công ty khác cũng do ông Phạm Hoành Sơn làm đại diện pháp luật là CTCP Tập đoàn Hoành Sơn đã mua hơn 7.2 triệu cp SRC, qua đó nâng sở hữu lên hơn 14 triệu cp, tương ứng 50.22% vốn, vượt qua Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) để trở thành cổ đông lớn nhất tại SRC.
* Vượt qua Vinachem, một doanh nghiệp liên quan Chủ tịch nắm hơn 50% vốn SRC
Về cơ cấu nguồn vốn, dư nợ phải trả tăng 19% lên 621 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản, trong đó có đến 471 tỷ đồng nợ vay.
Huy Khải
FILI
|