Thứ Tư, 10/01/2024 14:23

Giáo sư Võ Tòng Xuân chỉ ra điều gạo Việt khởi sắc mà Thái Lan, Ấn Độ không có

Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới, điều mà gạo Thái Lan, Ấn Độ không có. Để cho ngành gạo Việt Nam phát triển bền vững, đi đường dài cần đa dạng loại gạo, mỗi doanh nghiệp có một vùng nguyên liệu.

"Giá gạo năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao"

Tại tọa đàm “Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo” ngày 09/01, chuyên gia nông nghiệp Việt Nam GS Võ Tòng Xuân nhắc lại sự kiện gạo ST25 lần đầu được nhận giải thưởng gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 tại Philippines, khi đó ông đã khẳng định gạo Việt Nam không thua gạo Thái Lan.

"Lịch sử Việt Nam sản xuất gạo từ năm 1860 và đã xuất khẩu gạo nhưng chủ yếu làm việc với các thương lái trong khu vực chứ không xuất khẩu trực tiếp. Đến hiện tại, có thêm nhiều thương lái của châu Âu, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hong Kong, Ma Cao… họ phân ra gạo xuất khẩu thành hai loại. Một là gạo thơm, hạt dài ngon cơm của Thái Lan; và hai là gạo trắng, ngon cơm.

Gạo trắng của Việt Nam xuất khẩu được khoảng 250 - 300 USD (trên mỗi tấn); còn gạo thơm Thái Lan giá 800 - 900 USD. Vì họ biết Thái Lan sản xuất gạo chỉ một lần/năm là lúa mùa, năng suất không cao đành phải mua giá 800 USD" - GS Võ Tòng Xuân cho hay.

Cũng theo chuyên gia, gạo của Việt Nam hiện tại có thể bán được giá 600 - 700 USD/tấn, thậm chí hơn giá của Thái Lan vì giống lúa mới, giá thấp nhưng gạo vẫn ngon cơm. Gạo ngắn ngày của Thái Lan không thơm như Việt Nam. Đây không hẳn là do Ấn Độ hay Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu mà do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới, điều mà gạo Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó, giá gạo năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao. 

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNXTAR) khẳng định giá gạo Việt Nam hiện tại cao hơn Thái Lan không phải ăn may. 

"Năm 2024, giá gạo có thể tốt hơn khi Việt Nam tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. Bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, chúng ta cũng bị biến đổi khí hậu nhưng ít hơn, có thể tăng sản xuất. Đây không chỉ là cơ hội trời cho, mà cả sức mạnh nội tại.

Giá gạo Việt cao hơn Thái Lan không phải ăn may, mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao", ông Bình cho biết.

Đâu là giải pháp đường dài cho ngành lúa gạo Việt Nam?

Tại tọa đàm, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, trong năm 2023, Chính phủ đã không ra quyết định cấm xuất khẩu gạo trước bối cảnh thị trường quốc tế nhiều căng thẳng chứng minh Việt Nam vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước, tăng xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

Năm 2023, nông dân trồng lúa ở các địa phương đã đạt được lợi nhuận kép khi giá vật tư thấp và giá lúa gạo tăng. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng năm 2024 sẽ không lường trước việc gì.

"Nếu giá gạo có giảm như năm 2021 - 2022 vẫn bảo đảm nông dân có lợi. Tôi mong rằng nếu giá lúa gạo có lên 1,000 USD/tấn, không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng có lãi. Phải làm sao các thành tố trong chuỗi đều có lời, dù chưa được công bằng", ông Tùng kỳ vọng.

Đánh giá tổng quan, ông Tùng cho rằng Việt Nam đã cải thiện bộ giống rất tốt và giống ST25 là một kỳ tích ngàn năm. Và đề án 1 triệu ha chuyên canh chất lượng cao, cơ giới hóa, bộ giống tốt, quy trình sản xuất từ hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP; vấn đề về liên kết… là những giải pháp cho gạo chất lượng.

Trong bối cảnh các nước thiếu gạo, Việt Nam sẵn sàng cung cấp với giá thị trường, nhưng ông Tùng lưu ý rằng nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang sản xuất lúa gạo với nhiều yêu cầu, đảm bảo an ninh lương thực nhưng chưa đảm bảo an ninh thu nhập.

Đặt câu chuyện xuất khẩu gạo, vấn đề chính vẫn là người nông dân, ông Tùng nhấn mạnh dù Việt Nam xuất khẩu gạo 600 USD hay 1,000 USD/tấn, công sức chính vẫn của người nông dân. Ngoài ra, có công sức của doanh nghiệp và cả tài nguyên, cơ sở hạ tầng...

Trong khi đó, ông Võ Tòng Xuân chỉ ra những bất cập xảy ra hiện nay là do các doanh nghiệp tranh mua, tranh bán. Nguyên nhân là Việt Nam không có giá sàn cho gạo xuất khẩu, nên một mặt thương lái bỏ tiền ra đặt cọc giá cao, để đặt mua lúa của nông dân, mặt khác doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu nhưng muốn đi bán gạo và họ mua giá không cao bằng thương lái.

Do không có giá sàn nên doanh nghiệp muốn bán giá này nhưng thương lái quốc tế nói doanh nghiệp kia bán giá thấp hơn. Để giải quyết bài toán này, GS Xuân cho rằng doanh nghiệp nên ký hợp đồng một năm hoặc nhiều năm để có sự chuẩn bị. Việt Nam nhờ không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên lúc nào cũng có lúa, có gạo, giữ chỗ trước trong công ty, ký kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp.

Với những tồn tại hiện nay, chuyên gia này đề xuất cần sắp xếp thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là con đường tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững.

Còn theo ý kiến của ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT TAR, giải pháp lâu dài cho ngành lúa gạo Việt Nam chính là "cánh đồng lớn", tức liên kết doanh nghiệp và nông dân - đôi bên cùng có lợi; đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, triển khai thành công nông dân sẽ có lãi, doanh nghiệp có lời.

Nói về vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, cho rằng Việt Nam là đối tác số một về gạo của Philippines. Gạo Việt Nam có chất lượng và giá cả phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao. Tuy nhiên, đó là lợi thế của những năm trước đây. Hiện giờ giá gạo Việt Nam đang cao nên phải nhìn nhận lại tính cạnh tranh.


Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines

Theo ông Thành, dư địa thị trường Philippines còn lớn để gạo Việt Nam có thể khai thác tiếp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có mối quan hệ lâu năm với đối tác nhập khẩu tại đây và còn gần về vị trí địa lý với Philippines. Do vậy, cần quy hoạch vùng sản xuất theo nhu cầu thị trường, liên kết vùng nguyên liệu. Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cần giữ thị trường Philippines bên cạnh việc mở rộng thị trường mới.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   Năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản sẽ dần phục hồi (08/01/2024)

>   Chủ tịch THACO Trần Bá Dương kể chuyện "sang Lào làm nông", kế hoạch tương lai sẽ làm du lịch sinh thái (08/01/2024)

>   Xuất khẩu gạo thu 4,78 tỷ USD, ngành nông nghiệp còn '2 khoản nợ' đặc biệt (04/01/2024)

>   "Thị trường Việt Nam hấp dẫn, chăn nuôi khép kín là xu thế tất yếu" (04/01/2024)

>   Giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm đáng kể trước năm 2025 (02/01/2024)

>   Xuất khẩu 26 tỷ USD, Việt Nam là trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới (02/01/2024)

>   Mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu sản phẩm trồng trọt trên 26 tỷ USD. (01/01/2024)

>   Thăng trầm giá heo 2023 (02/01/2024)

>   TP.HCM sẽ mua hoa Tết ế của tiểu thương tại Bến Bình Đông để trang trí đường hoa (28/12/2023)

>   Giá ‘vàng đen’ tiếp đà tăng mạnh, Việt Nam xuất khẩu 255.700 tấn (27/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật