Gam màu sáng từ kết quả kinh doanh sơ bộ quý 4
Nếu nhìn vào các kết quả kinh doanh quý 4 đã công bố, gần 40% số công ty thu lãi ròng với mức tăng tổng cộng đến 66% so với cùng kỳ năm trước, có thể nhận thấy tín hiệu tích cực từ nền kinh tế chung đang diễn ra một cách chậm rãi.
Tính đến ngày 22/01, thống kê từ VietstockFinance cho thấy, doanh thu và lãi ròng của 368 doanh nghiệp (đã công bố BCTC ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) trên HOSE, HNX và UPCoM trong quý 4/2023 gần như đi ngang, đạt lần lượt khoảng 97 ngàn tỷ đồng và 6.3 ngàn tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2022, có 140 doanh nghiệp tăng lãi, 30 doanh nghiệp từ lỗ thành lãi, 25 doanh nghiệp giảm lỗ, trong khi đó 117 doanh nghiệp giảm lãi, 34 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ và còn lại 22 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.
Diễn biến kết quả kinh doanh quý 4/2023 của 368 doanh nghiệp so với cùng kỳ
Nguồn: VietstockFinance
|
Cung cấp điện, bất động sản khu công nghiệp “ăn nên làm ra”
Trong nhóm báo lãi tăng, phần nhiều là doanh nghiệp ngành cung cấp điện, có thể kể đến NT2, QTP, KHP, SHP, BHA, GSM, DRL, PIC, SVH, HJS. Lãi ròng nhóm này tăng hơn gấp đôi dù doanh thu chỉ tăng 5%.
Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) có mức tăng ấn tượng nhất. Lãi thu về trong quý 4/2023 gấp 10 lần, đạt 210 tỷ đồng. Sự đột biến này chủ yếu đến từ sản lượng điện thương phẩm trong kỳ tăng 38%, đồng thời chi phí lãi vay cũng giảm mạnh.
Với Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2), dù doanh thu sản xuất điện bị thu hẹp tới 37% nhưng nhờ mức giảm của giá vốn lớn hơn góp phần làm tăng 50% lãi ròng so với cùng kỳ, mang về 240 tỷ đồng.
Tương tự, Thủy điện Miền Nam (HOSE: SHP) tăng 80% lãi ròng nhờ sản lượng điện phát ra cao hơn cùng giảm chi phí lãi vay. Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP) trong kỳ cũng tăng mạnh doanh thu đến từ bán điện nhờ quyết định tăng giá bán lẻ điện từ EVN trước đó, chưa kể các chi phí đều giảm giúp lãi ròng tăng đến 75%, đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng. Do lưu lượng nước trung bình về hồ tăng trong quý 4 nên sản lượng điện sản xuất ra làm tăng doanh thu, nguyên nhân chính giúp lãi ròng Thủy điện Bắc Hà (UPCoM: BHA) tăng gần 8 lần, lên hơn 29 tỷ đồng.
15 doanh nghiệp đứng đầu báo lãi ròng tiếp tục tăng (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Bên cạnh đó, bất động sản khu công nghiệp cũng không thua kém khi có khá nhiều đại diện lớn tăng lãi như VRG, NTC, LHG, SZC, SZG, SZL, SZB, D2D, SZE, HTI, MH3. Tổng lãi ròng nhóm này gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2022 dù doanh thu tăng không đáng kể.
Quý 4/2023, lãi ròng Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: VRG) tăng hơn 4 lần, lên 198 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất 10 năm qua. Kết quả này nhờ ghi nhận 90% giá trị của hai hợp đồng về cho thuê lại đất gắn liền với cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Cộng Hòa, Chí Linh theo phương pháp hạch toán doanh thu một lần. Theo đó, doanh thu của VRG cũng tăng hơn 5 lần, đạt con số 524 tỷ đồng, mức tăng lớn nhất trong nhóm này.
Ngoài ra, ở ngành nhựa, giá nguyên vật liệu quý 4 giảm mạnh so với cùng kỳ, cùng việc giảm chi phí lãi vay đã tạo đà không thể thuận lợi hơn cho Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) lãi tăng 138%, cũng là năm mà NTP lãi lớn nhất trong giai đoạn 2013 – 2023.
Đà thuận lợi cũng cho thấy ở nhóm doanh nghiệp ngành cao su gồm SBR, HRC, TRC, BRC, RTB, DRC và DRI với lãi thu về tổng cộng tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Hoặc ở nhóm cấp thoát nước gồm 9 doanh nghiệp BNW, STW, LDW, GLW, KHW, DWS, VLW, BDW, NBW đồng loạt tăng lãi, thêm tổng cộng 25%.
Sản xuất gang, thép tích cực thấy rõ
Các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến gang thép, khoáng sản báo lãi quý 4/2023 trong khi cùng kỳ lỗ, chẳng hạn CBI, TIS, TTS, TNS, SSM, BKC, MEL.
Trường hợp Gang thép Cao Bằng (UPCoM: CBI), trong quý 4/2023, sản lượng tiêu thụ tăng đồng thời giá quặng, than cốc, than cám đồng loạt giảm, góp phần giúp CBI lãi 16 tỷ đồng. Kết quả này là rất tích cực so với khoản lỗ ròng 36 tỷ đồng một năm trước đó.
Hay như Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) cho biết quý 4/2023 thu lãi ròng 15 tỷ đồng nhờ thị trường thép có những diễn biến tích cực, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. TIS cũng thoát cảnh lỗ ròng liên tiếp từ quý 3/2022.
Tương tự, theo giải trình từ Cán Thép Thái Trung (UPCoM: TTS), lãi 7.8 tỷ đồng nhờ thị trường tiêu thụ thép rất tốt nên Công ty đã đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ, cùng với đó là giá phôi thép giảm dù giá dầu FO, giá điện vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ. Việc giá bán thép giảm 6% nhưng sản lượng tiêu thụ tăng 48% nên doanh thu bán hàng vẫn tăng đến 40%.
Các doanh nghiệp như Thép tấm lá Thống Nhất (UPCoM: TNS), Chế tạo Kết cấu Thép Vneco.SSM (HNX: SSM) cũng báo lãi nhờ các nguyên nhân tương tự.
Kết quả “đảo ngược” của 15 doanh nghiệp đứng đầu (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Đột biến nhất trong nhóm là doanh thu dịch vụ bọc ống tăng gần 19 lần từ 7.2 tỷ đồng lên 135 tỷ đồng đã giúp CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) lãi ròng 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 12.4 tỷ đồng. Kết quả này nhờ PVB ký kết, triển khai các hợp đồng dịch vụ mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với cùng kỳ.
Kết quả cải thiện nhờ tiết giảm chi phí
Doanh thu chỉ tăng nhẹ nhưng nhờ cải thiện đáng kể chi phí, nhóm 25 doanh nghiệp ghi nhận kết quả cải thiện hơn dù vẫn lỗ ròng, từ con số 574 tỷ đồng trước đó đến nay chỉ còn lỗ khoảng 100 tỷ đồng.
Kết quả trong kỳ của Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (UPCoM: PVY) đạt tích cực nhờ ký kết nhiều dự án với khách hàng trong và ngoài nước cũng như mang về tỷ suất lớn hơn giúp doanh thu tăng hơn 4 lần, qua đó thu hẹp mức lỗ ròng, chỉ còn gần 7 tỷ đồng so với 31 tỷ đồng cùng kỳ do việc trích lập dự phòng hàng tồn kho và phải thu khó đòi lớn.
FDC và PIV có mức lỗ lên đến gần 200 tỷ đồng và 142 tỷ đồng hồi quý 4/2022 nhưng đến quý 4/2023 đã cải thiện đáng kể, chỉ còn lỗ lần lượt 222 triệu đồng và 619 triệu đồng.
Trường hợp của VE2, L43 theo hướng ngược lại khi các công ty này doanh thu quý 4 giảm đến 97 - 99% nhưng lãi ròng vẫn tích cực hơn rất nhiều.
Với Xây dựng Điện VNECO 2 (UPCoM: VE2), nguyên nhân đến từ các công trình có giá trị lớn đang dở dang chưa đưa vào nghiệm thu quyết toán bên cạnh Công ty đang thu hồi nợ phải thu khó đòi. Đồng thời, chi phí quản lý đã giảm đáng kể.
Còn Lilama 45.3 (HNX: L43), doanh thu trong kỳ thấp chủ yếu do các hợp đồng thuộc dự án giải quyết triều ngập khu vực TPHCM vẫn đang tạm dừng thi công trong khi các hợp đồng ký mới chưa đến giai đoạn nghiệm thu thanh toán.
15 doanh nghiệp đứng đầu giảm lỗ so với cùng kỳ (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Cùng là thủy điện nhưng kết quả trái chiều
Do lưu lượng nước cũng như thời tiết khiến SBH, PPC, HNA, SBA, AVC, S4A, ISH, NTH, ND2, NED và SP2 giảm lãi so với cùng kỳ trước đó, tổng mức giảm 33%. Chẳng hạn, Thủy điện Hủa Na (HOSE: HNA) lãi giảm một nửa chủ yếu do lưu lượng nước về hồ thấp cùng các chi phí tăng lên.
Với Thủy điện A Vương (UPCoM: AVC) do thời tiết nên lưu lượng nước về không tốt khiến sản lượng điện thấp dẫn đến giảm 44% lãi. Tình hình thủy văn bất lợi, lượng mưa ít nên lãi ròng của Thủy điện Sử Pán 2 (UPCoM: SP2) giảm 41%.
Lưu lượng nước về hồ thủy điện giảm tiếp tục là vấn đề khiến Sông Ba (HOSE: SBA) giảm 30% lãi. Lượng mưa thấp nên sản lượng quý 4/2023 giảm cùng giá thị trường điện cũng giảm so với các năm là nguyên nhân chính làm giảm lãi của Đầu tư và Phát triển Điện Miền Bắc 2 (UPCoM: ND2) 28%.
Mức giảm lãi ròng so với cùng kỳ của 15 doanh nghiệp theo lãi giảm dần (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Lợi nhuận “đổi màu”
Có 34 doanh nghiệp trong tình trạng chuyển biến “xấu” với tổng lỗ 145 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 278 tỷ đồng.
Trong đó, 5 doanh nghiệp cấp thoát nước GDW, LAW, CLW, BTW, VCW đồng loạt báo lỗ quý 4/2023, giảm tổng lãi từ 70 tỷ đồng thành lỗ ròng tổng 18 tỷ đồng.
Cấp thoát Nước Long An (UPCoM: LAW) lỗ 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 3 tỷ đồng do tăng chi phí sửa chữa tài sản cố định, tăng chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho nên lợi nhuận giảm.
Cấp nước Bến Thành (HNX: BTW) dù doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ gần 1 tỷ đồng do các chi phí đội lên, trong đó có sửa chữa ống mục. Tương tự đối với trường hợp Cấp nước Chợ Lớn (HOSE: CLW).
Lỗ “nặng” nhất phải kể đến con số 29 tỷ đồng của Xi măng VICEM Hải Vân (HOSE: HVX) dù cùng kỳ lãi khiêm tốn 248 triệu đồng. Doanh thu của HVX cũng giảm gần nửa trong quý 4, còn 88 tỷ đồng. Điều này là do nhu cầu thị trường xây dựng địa bàn miền Trung và Tây Nguyên rất thấp, khiến sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 54% so với quý 4/2022.
Nhóm 15 doanh nghiệp lỗ nhiều nhất dù cùng kỳ có lãi (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Tiếp tục bế tắc
Ảm đạm nhất trong đợt này gồm 22 doanh nghiệp tiếp tục lỗ với con số tổng cộng 434 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2022 lỗ 192 tỷ đồng.
Khoản lỗ lớn nhất 121 tỷ đồng thuộc về Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS) do doanh thu bị thu hẹp 50% còn hơn 47 tỷ đồng. Lý do NOS đưa ra là do đội tàu Công ty đầu tư vào lúc thị trường vận tải biển đang phát triển nên giá đầu tư tàu cao dẫn đến các loại chi phí như khấu hao, tài chính bị đội lên.
Không được may mắn như các doanh nghiệp cung cấp điện khác, Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) tiếp tục có quý 4 bết bát với khoản lỗ lớn 115 tỷ đồng dù doanh thu được cải thiện. HND cho biết nguyên nhân chủ yếu của việc lỗ ròng là do công trình sửa chữa lớn tổ máy số 1 hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trong tháng 12/2023.
15 doanh nghiệp tiếp tục lỗ ròng theo thứ tự giảm dần (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Tử Kính
FILI
|