Doanh số tiêu thụ 2023 của FMC đi lùi hơn 11%, lợi nhuận ước trên 300 tỷ
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) vừa báo cáo sơ kết hoạt động năm 2023, doanh số tiêu thụ đạt 200.6 triệu USD, đi lùi hơn 11% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận dự kiến trên 300 tỷ đồng.
FMC hoàn thành 100% kế hoạch doanh số tiêu thụ 2023. Ảnh minh họa
|
Về sản lượng sản xuất, tôm thành phẩm chế biến đạt gần 21.2 ngàn tấn, tăng 3% so với năm trước. Ngược lại, nông sản chế biến giảm gần 21%, đạt 1.6 ngàn tấn.
Năm 2023, sản lượng tiêu thụ tôm và nông sản thành phẩm đạt lần lượt 17.4 ngàn tấn và gần 1.4 ngàn tấn, giảm 4% và 24% so với năm 2022.
Tổng cộng, doanh số tiêu thụ của ông lớn ngành tôm năm 2023 đạt 200.6 triệu USD, đi lùi hơn 11% so với thực hiện 2022. Mặc dù doanh số tiêu thụ giảm, Công ty vẫn hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (200 triệu USD).
Nhận xét về tình hình năm qua, FMC cho biết có những khó khăn khá nặng nề mà Công ty không thể tránh. Song, Công ty đã hạn chế tối đa mặt tiêu cực. “Doanh số tiêu thụ 2023 giảm cơ bản do giá tiêu thụ trung bình giảm khoảng 10%”, FMC cho biết nguyên nhân.
Ngoài ra, FMC hé lộ kết quả lợi nhuận 2023 có thể đạt trên 300 tỷ đồng nhờ “vùng nuôi FMC có kết quả khá khả quan, góp phần giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, dẫn đến mức lợi nhuận khá ổn”.
Khó khăn vẫn còn
Chủ tịch FMC - ông Hồ Quốc Lực cho biết Công ty nhận định khó khăn đang diễn ra sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít nhất ở 6 tháng đầu năm 2024.
Vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn bên Mỹ sẽ là thách thức không nhỏ từ năm 2024, khiến FMC phải có sự tính toán trong kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro. “Trước mắt là hết lòng cùng đồng nghiệp chung tay xử lý từng bước theo tiến trình của bên nguyên đơn”, ông Lực bày tỏ.
Ở mặt tích cực, ông Lực nhận thấy điểm đột phá năm 2024 đã hình thành từ quý 4/2023 là triển khai nuôi tôm mùa nghịch. Đồng thời, FMC sẽ theo đuổi mục tiêu mới là khai phá thị trường lớn lân cận Việt Nam.
Dự báo giá tôm xuất khẩu sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2024
Trong báo cáo triển vọng năm 2024 mới đây của KBSV, nhóm phân tích dự báo nguồn cung tôm từ các nước lớn như Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ sẽ bắt đầu thu hẹp trong nửa đầu năm 2024 do người dân thu hẹp diện tích thả nuôi vì thua lỗ. Nhu cầu được dự báo hồi phục trở lại kể từ nửa sau năm 2024, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm.
Với nguồn cung thu hẹp tại các nước sản xuất tôm lớn cùng với nhu cầu hồi phục, kỳ vọng giá tôm xuất khẩu sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2024.
Kha Nguyễn
FILI
|