Để doanh nghiệp Việt trở thành một phần của các chuỗi cung ứng trên thế giới
Bà Hương Trần - Trưởng phòng Chuỗi cung ứng Source of Asia (SOA) cho rằng, để trở thành một phần của các chuỗi cung ứng trong khu vực hay trên toàn cầu, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.
Bà Hương Trần chia sẻ tại hội nghị chuyên ngành B2B Sourcing. Nguồn: BTC
|
Tại hội nghị chuyên ngành “Hiện tại và tương lai của ngành B2B Sourcing – Giải pháp thăng hạng cạnh tranh cho nhà xuất khẩu Việt Nam” ngày 23/01, bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, chẳng hạn như tự động hóa dây chuyền sản xuất.
“Nếu chúng ta không bắt đầu thì chúng ta sẽ không bao giờ có chuỗi cung ứng bền vững”, bà Hương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần để ý đến một số chi tiết rất nhỏ như việc thị trường châu Âu hay Mỹ hiện nay yêu cầu vật liệu đóng gói sản phẩm có khả năng tái chế hay vật liệu đó có gây nguy hiểm đến trẻ em hay không.
“Đó là những điểm, chi tiết rất nhỏ mà chúng ta cần phải để ý. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất rồi chúng ta mới tiến tới mở ra chuỗi cung ứng của mình”, bà Hương nêu quan điểm.
Nói về việc lao động trẻ em thường xuyên tham gia vào quá trình gia công các sản phẩm tại hộ gia đình thuộc một số làng nghề, bà Hương cho rằng đây là một vấn đề khó và các bên cần ngồi lại để đàm phán, giải thích rõ hơn vai trò của việc sử dụng lao động trẻ em. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cần tìm cách tuân thủ các quy định để đáp ứng yêu cầu mà bên mua đưa ra hơn là việc nghĩ rằng sẽ được chấp nhận như một ngoại lệ.
Sẽ không phát triển được nếu chỉ dừng ở gia công thay thế
Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm đến các quốc gia bên ngoài Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro, Việt Nam đang dần trở thành điểm sáng với xu hướng đón đầu sự dịch chuyển này nhờ nhân công giá rẻ, hỗ trợ của Chính phủ, tính ổn định chính trị, đồng thời có rất nhiều FTA được ký kết với quốc gia khác.
Để thêm phần thuyết phục, bà Hương dẫn chứng về bức tranh ngành may mặc của Nhật Bản trong giai đoạn trước đây, từ 2010 - 2021, tỷ trọng hàng có xuất xứ Trung Quốc đang giảm dần và thay vào đó đến từ một số quốc gia khác như Indonesia, Malaysia hay Việt Nam.
“Đối với ngành thiết bị điện và điện tử, chúng ta cũng đang dần tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng khi mà Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có thể cung ứng được những sản phẩm công nghệ cao dành cho ngành điện điện tử và công nghệ thông tin cho thị trường Châu Âu”, bức tranh tích cực về thị trường Việt Nam được vị chuyên gia SOA đưa ra tại hội nghị.
Theo bà Hương, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng thế mạnh trong các ngành đang được xuất khẩu nhiều nhất như thiết bị điện điện tử, gỗ, nội thất, may mặc.
“Nếu chúng ta chỉ dừng ở mức độ gia công thay thế thì sẽ không bao giờ phát triển được so với các quốc gia khác”, bà Hương mở đầu khi nói về thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt.
Vị trưởng phòng Chuỗi cung ứng của SOA cho biết, 98% các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng trong đó chỉ có 21% doanh nghiệp đang tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu so với các quốc gia lân cận như Malaysia 46%, Thái Lan 30% thì tỷ lệ cạnh tranh của Việt Nam còn khá thấp.
Một thách thức khác là tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chưa cao, đang dừng ở 36% mặc dù ở mức này các doanh nghiệp vẫn có thể lấy chứng nhận xuất xứ (CO) để xuất khẩu nhưng tỷ lệ này vẫn còn rất thấp và sẽ chưa thể cạnh tranh với các quốc gia khác.
Đối với ngành dệt may, Việt Nam đang được xem là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu mặt hàng dệt may đi nước ngoài. Tuy nhiên, tham gia vào chuỗi cung ứng hiện tại Việt Nam chỉ mới dừng ở mức độ gia công đơn giản, tức là cắt may.
“Nếu chúng ta muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thì cần phải đầu tư nhiều hơn về nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị và công nghệ để chúng ta có thể nâng hàm lượng giá trị của mình lên, vì hàm lượng giá trị ở mức độ gia công đơn giản chiếm tỷ trọng rất thấp trong giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành dệt may”, bà Hương nhấn mạnh.
Bà Hương Trần thuyết trình trong hội nghị chuyên ngành. Nguồn: BTC
|
Cần tập trung vào kỹ năng nhiều hơn
Liên quan đến giải pháp, bà Hương cho rằng khái niệm chuỗi cung ứng khu vực hóa đang rất phổ biến hiện nay vì khi các doanh nghiệp vào Việt Nam tìm nhà cung ứng, họ không chỉ tìm người để gia công sản phẩm mà còn phải xem khả năng đáp ứng từ giai đoạn gia công đến giai đoạn phân phối sản phẩm của doanh nghiệp đó như thế nào bởi tính bất ổn của chính trị, dịch bệnh trên thế giới có thể khiến các công ty phải tìm phương án thay thế.
Ngoài ra, để có thể trở thành một phần của chuỗi cung ứng, mặt “số hóa” hiện nay phải được xem là bắt buộc, tức đã phải được áp dụng chứ không phải dừng lại ở việc đang chuẩn bị.
Trước đây, các doanh nghiệp thường đi theo hướng “nền kinh tế theo quy mô”, thay vào đó nên chuyển sang “nền kinh tế kỹ năng”, nghĩa là tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, mà ở đây là về công nghệ, về tự động, về quản lý chuỗi cung ứng, đặc biệt là yếu tố con người.
“Nếu nói Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ thì thật ra tôi không cho đó là lợi thế vì thực sự chúng ta vẫn đang dừng ở mức gia công thay thế thôi. Còn nếu muốn nói đến câu chuyện xa hơn và sâu hơn, chúng ta cần những nguồn gia công, công nhân có năng lực tay nghề cao, có thể thích nghi được với các biến động của thị trường và luôn cập nhật những công nghệ mới để đưa vào quá trình sản xuất của mình”, bà Hương nêu quan điểm.
Chưa dừng lại ở đó, các doanh nghiệp Việt Nam thay vì chỉ đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn thì cần phải chủ động đi trước, cũng như dành thời gian để đầu tư tìm hiểu các chứng chỉ nào đang được yêu cầu theo từng ngành là rất cần thiết. Đồng thời thay vì hướng về tối ưu hóa chi phí thì nên hướng về giá trị của khách hàng.
“Nếu không nhắm tới giá trị khách hàng, chúng ta sẽ thấy rất khó, và chúng ta sẽ nghĩ sao mà nó phiền phức quá, và sẽ chỉ tập trung làm theo phương pháp truyền thống từ trước đến giờ, mặc dù có thể lược bớt chi phí, nhưng chắc chắn sẽ không hiệu quả, bởi đơn hàng sẽ không có nhiều và không gây được sự chú ý đến các nhà mua hàng nước ngoài”, bà Hương đúc kết.
Ngoài ra, đội ngũ có kiến thức về logistic là rất cần thiết do một số doanh nghiệp hiện nay còn đang bán hàng ở dạng “xuất xưởng”, nên khi khách hàng yêu cầu theo các điều kiện khác thì không thể nào cạnh tranh được.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cần rõ ràng trong hoạt động của mình. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều vào trang web, hình ảnh cũng như năng lực tiếng Anh của nhân sự để tạo uy tín đối với người mua hàng.
Không làm thì sẽ không bao giờ bước vào được chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn
Tại hội nghị, bà Hương chia sẻ thêm kinh nghiệm để các doanh nghiệp hiểu hơn hành vi của các nhà mua hàng hiện nay.
Chẳng hạn, khi bên mua đến một thị trường mới thường sẽ thông qua các hội chợ triển lãm, hoặc qua các trang web của doanh nghiệp, hoặc các công cụ tìm kiếm trực tuyến như mô hình của Global Sources và cuối cùng có thể nhờ các đơn vị tư vấn để hỗ trợ. Các đơn vị tư vấn này sẽ giúp doanh nghiệp mới xâm nhập vào thị trường để có thể hiểu hơn về con người, văn hóa nếu không các mối quan hệ sẽ khó đi được nhanh và sâu.
Các doanh nghiệp cũng cần xác định mình đang nhắm đến đối tượng khách hàng nào do nhà mua hàng có muôn hình vạn trạng. Ví dụ, nếu hướng đến khách hàng vừa và nhỏ thì số lượng đặt hàng tối thiểu sẽ thấp và giá cả sẽ yêu cầu khá thấp, nhưng ngược lại các chứng chỉ thường được yêu cầu đơn giản.
Còn với khách hàng tầm trung thì yêu cầu đôi khi sẽ rất khó, liên quan đến chất lượng không chỉ của sản phẩm mà cả chất lượng nhà máy, chất lượng quản lý con người hoặc hệ thống. Chẳng hạn một số khách hàng sẽ kiểm tra, khảo sát nhà máy, rồi chấm điểm, xếp hạng sau đó đưa ra yêu cầu thay đổi ở giai đoạn nào đó để phù hợp với thị trường nước ngoài.
“Điều này tốn rất nhiều thời gian nhưng nếu không làm thì chắc chắn không bao giờ bước vào được chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn”, bà Hương nêu rõ.
Để đáp ứng được những khách hàng như vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chuỗi cung ứng linh động và nguồn nguyên vật liệu đầu vào phải được khu vực hóa, nội địa hóa tối đa vì nếu khách hàng đang muốn tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì họ sẽ tìm nhà cung ứng tách biệt hoàn toàn với thị trường này để tránh các rủi ro liên quan.
Bà Hương cho biết thêm, khách hàng lớn thường yêu cầu chứng chỉ SA 8000 nhưng rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng. Dù vậy, thay vì có chứng chỉ này thì một số khách hàng vẫn chấp thuận để doanh nghiệp có thể ký bộ quy tắc ứng xử của nhà cung ứng cho những thương hiệu lớn, nhưng đôi khi vẫn cần đáp ứng một số tiêu chí khác.
Cần tối ưu hóa hơn nữa những lợi thế đang có
Chia sẻ về một doanh nghiệp mà SOA đã hỗ trợ tham gia vào thị trường mới trong mảng bán lẻ thương mại điện tử, bà Hương cho biết đây là ngành được yêu cầu rất cao về đóng gói, làm sao để có thể đơn giản nhất, tiện ích nhất, sản phẩm thì cần nhẹ, bền và có thể lắp ráp thì mới cạnh tranh được.
Với khách hàng này, danh mục đưa ra ban đầu lên tới 100 sản phẩm nhưng kết quả cuối cùng chỉ đâu đó 10 mục có thể đáp ứng được sau cả một quá trình chọn lọc, thử và làm việc với khách hàng rất kỹ về chứng chỉ. Đồng thời, khách hàng cũng rất linh động hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Họ cũng rất hiểu khi tiếp xúc một thị trường mới như Việt Nam có những khó khăn gì, có thể nếu chúng ta chưa có chứng chỉ CE để xuất đi châu Âu thì họ sẵn sàng ngồi lại hỗ trợ nếu sản phẩm đáp ứng được”, từ kinh nghiệm của bà Hương cho thấy doanh nghiệp cũng như người mua hàng hoàn toàn có thể đạt tiếng nói chung nếu cùng hướng đến lợi ích của bên còn lại, qua đó trở thành một phần của các chuỗi cung ứng trên thế giới.
Vị chuyên gia kết lại “Có thể khẳng định một điều là Việt Nam chúng ta không thua kém các quốc gia khác, chỉ là do chúng ta chưa tận dụng cũng như tối ưu hóa những lợi thế chúng ta đang có”.
Tử Kính
FILI
|